Đường nông thôn mới ở Thái Nguyên chủ yếu phục vụ doanh nghiệp?

Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, một số hộ dân xóm Mỹ Hào (xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã cản trở không cho thi công tuyến đường nhánh số 5 từ tuyến đường liên xóm Mỹ Hào - Tân Lập vào Khu bảo tồn nhà sàn du lịch của công ty TNHH Thái Hải.

 Ngoài việc công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án này chưa được giải quyết do tranh chấp đất đai, nhiều hộ còn bức xúc khi được biết tuyến đường này sử dụng nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng hầu như chỉ phục vụ lợi ích của công ty TNHH Thái Hải.



Theo ông Đặng Đức Thăng, đại biểu HĐND xã Thịnh Đức, với danh nghĩa là xây dựng đường bê tông theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm (tỷ lệ góp vốn Nhà nước 70% còn nhân dân đóng góp đối ứng 30%) nhưng con đường trên phục vụ chủ yếu cho hoạt động của Công ty TNHH Thái Hải là chính. Cả tuyến đường dài hơn 200 m chỉ có duy nhất một hộ gia đình đi qua, trong khi tại xóm, tại xã, còn rất nhiều tuyến đường cấp thiết cần kiên cố hóa lại không được xây dựng.


Liên quan đến việc gia đình mình cản trở thi công, theo ông Thăng, vì tuyến đường đi qua một phần đất của gia đình, trong khi UBND xã chưa giải quyết dứt điểm việc đền bù nhưng đã cho thi công nên gia đình không chấp nhận. Mặt khác, khi công ty TNHH Thái Hải về xóm Mỹ Hào xây dựng Khu bảo tồn nhà sàn du lịch (thực chất là nhà hàng ăn uống), công ty này đã biến 3 thửa ruộng với diện tích hơn 2 sào của gia đình ông thành hồ cá. Đã 5 vụ trôi qua, doanh nghiệp vẫn không bồi hoàn cho gia đình mặc dù gia đình ông đã nhiều lần đề nghị chính quyền xã giải quyết.


Vụ việc ngày càng gây bất bình cho người dân địa phương khi chính quyền xã Thịnh Đức quá sốt sắng còn lập cả kế hoạch "bảo đảm thi công" tuyến đường với đầy đủ đại diện lãnh đạo chính quyền, công an và các tổ chức đoàn thể của xã. Tuy nhiên, việc bảo đảm thi công đã không được thực hiện vì ngay chính ông Phó chủ tịch UBND xã Lê Thanh Long - người được giao làm tổ trưởng Tổ bảo đảm thi công - cũng cảm thấy bất ngờ vì kế hoạch quá đột xuất, không đủ thời gian chuẩn bị.


Khi được hỏi vì sao chính quyền xã Thịnh Đức phải khẩn thiết bảo đảm thi công như vậy, ông Đặng Quang Dần, Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức, cho biết nhận thấy việc thi công có thể bị cản trở nên xã phải lập kế hoạch trên. Còn tuyến đường nhánh số 5 dự án đường bê tông nông thôn dài 219 m không chỉ phục vụ công ty TNHH Thái Hải mà còn phục vụ cho 2 hộ dân khác trong xóm.


Ông chủ tịch UBND xã Thịnh Đức cũng thừa nhận việc chọn xây tuyến nhánh nói trên để cứng hóa cũng một phần có sự tài trợ từ phía công ty TNHH Thái Hải. Hiện tại, xã Thịnh Đức còn có nhu cầu bê tông hóa khoảng 20 km đường giao thông nông thôn.


Rõ ràng việc người dân không đồng thuận với chính quyền xã Thịnh Đức sử dụng nguồn vốn chương trình nông thôn mới để làm đường phục vụ doanh nghiệp là có cơ sở. Sau khi nắm được thông tin về vụ việc, UBND Thành phố Thái Nguyên đã ghi nhận và hứa sớm xem xét, xử lý.


P.V
5 tỷ đồng nâng cấp đường sắt Phố Lu- Xuân Giao, Lào Cai
5 tỷ đồng nâng cấp đường sắt Phố Lu- Xuân Giao, Lào Cai

Đường sắt Việt Nam chọn việc nâng cấp gần 10 km đường sắt từ ga Phố Lu đến ga Xuân Giao của tỉnh Lào Cai để làm một trong những công trình trọng điểm chào mừng 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN