Đưa nhau đi đến cuối cuộc đời…

Giữa lúc xã hội đang bội thực với những thông tin về vụ ly hôn của đôi vợ chồng này, vụ chia tay của đôi tình nhân kia, dần khiến cho chúng ta hoài nghi về hôn nhân và các mối quan hệ tình cảm lâu dài, thì câu chuyện tình của vợ chồng ông bà Hoàng Minh – Tạ Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) đã như một minh chứng cho tình yêu tới khi “răng long bạc đầu”.

Chuyện tình radio


Một chiều mùa thu, tôi có cơ hội về thăm Trung tâm dưỡng lão Tuyết Thái (Đông Anh, Hà Nội. Lang thang trong khu vườn xanh mướt của trung tâm, tôi bất chợt bắt gặp một khung cảnh hết sức lãng mạn và đầm ấm: Cụ ông với đôi tay khẳng khiu gầy yếu đang khéo léo nhẹ nhàng xoa bóp đầu và tay chân cho cụ bà, miệng liên tục hỏi bà có đỡ đau chút nào chưa, xoa bóp chỗ này đã đúng chưa?

Tuổi 80 không làm tình yêu của họ bớt nồng nàn.

Cụ ông tên là Hoàng Minh, năm nay đã 90 tuổi và vợ ông- cụ bà Tạ Thị Thảo cũng sắp sửa bước sang tuổi 80. Sống với nhau đã được 54 năm, dường như ông bà vẫn luôn yêu nhau bằng một thứ tình cảm ngọt ngào, sắt son như thuở mới hẹn hò.


Năm 1959, ông Minh, bà Thảo, cũng như hàng triệu học sinh, sinh viên, cán bộ… hưởng ứng lời kêu gọi lao động công ích của chính quyền thành phố Hà Nội; tham gia cải tạo khu vực xung quanh hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Mối lương duyên của ông bà bắt đầu từ những ngày lao động vất vả trên công trường ấy. Mặc dù nhìn thấy nhau hằng ngày, nhưng đôi bên đều bẽn lẽn, chẳng ai dám bắt chuyện trước. Ông Minh chia sẻ: “Vợ tôi ngày xưa đẹp lắm, nên bao nhiêu anh vây quanh chọc ghẹo. Hồi đó tôi gầy nhom, lại còn đen nhẻm, cứ đứng từ xa nhìn trộm bà ấy thôi. Chẳng may hôm nào mà tình cờ gặp bà ấy trên đường, là vui cả ngày luôn”.


Không lâu sau, bà Thảo chuyển sang làm phát thanh viên đọc các bản tin của công trường, vừa hay ông Minh trở thành phóng viên của báo Nhân dân. Thông qua những bài viết ông Minh gửi đến tòa soạn, bà Thảo thực sự rất ấn tượng với lối viết sáng tạo và biến hóa của ông, nên sâu trong lòng, bà luôn hi vọng được gặp chàng trai ấy…


Nắm bắt được thời cơ, ông Minh đã lấy hết dũng khí gửi một bức thư hẹn gặp mặt bà Thảo. Kể về lần đầu gặp gỡ, bà Thảo cười nói: “Chiều hôm đó, tôi đến nơi thì đã thấy ông đợi sẵn, ông mặc một chiếc áo sơ mi trắng với chiếc quần tây màu xanh rất lịch sự. Trông thấy tôi đến, ông đứng phắt dậy chào tôi, hỏi han vài câu rồi lặng thinh. Cứ thế tôi với ông ấy đi bộ hết năm vòng hồ, mà không khí vẫn ngại ngùng vô cùng”.


Trải qua những ngày đầu thẹn thùng ấy, ông bà dần dần bắt nhịp, chia sẻ với nhau mọi thứ trong cuộc sống. Qua ba năm tìm hiểu, ông Minh và bà Thảo quyết định tiến tới hôn nhân trong sự chúc phúc của hai bên gia đình, người thân và bạn bè.


Năm tháng xa cách


Sau khi cưới, ông bà đã sắp xếp đi du lịch tại bãi biển Đồng Châu (Thái Bình). Đang tận hưởng khoảng thời gian ngọt ngào và hạnh phúc bên nhau, thì ông Minh nhận được thông báo điều động đến giới tuyến Vĩnh Linh (Quảng Trị) để tác nghiệp tại chiến trường. Còn bà Thảo bấy giờ đang công tác tại phòng giáo vụ của bệnh viện K (Hà Nội), cũng nhận lệnh đưa sinh viên đi sơ tán tạm thời. Nhớlại quãng thời gian này, bà Thảo chia sẻ: “Mỗi lần ông đi công tác, chờ ông đi rồi tôi mới dấm dứt khóc, lo lắng lắm. Có đợt ông đi cả 2 tháng không về, tôi ở nhà ruột gan cồn cào như lửa đốt. Mà hồi ấy đâu dễ dàng liên lạc với nhau như bây giờ, chỉ biết hàng ngày cầu nguyện cho ông ấy bình an thôi”.


Nghe bà Thảo nói xong, ông Minh nhẹ nhàng cầm tay rồi nhìn bà Thảo với ánh mắt lấp lánh xen lẫn sự yêu thương và cảm kích. Qủa thật, trải qua thăng trầm sóng gió cuộc đời, sinh ly từ biệt như thế, con người ta mới biết trân trọng từng phút giây được ở bên cạnh những người thân yêu nhất của mình.


Rồi hai người con của ông bà lần lượt ra đời, chồng thường xuyên đi công tác, giai đoạn túng thiếu những năm chiến tranh, một tay bà Thảo nuôi con trưởng thành, nhưng bà chưa từng hờn dỗi hay trách móc ông. Bà cười lớn nói với tôi: “Bà nuôi con sướng lắm, hai đứa đều rất đáng yêu và ngoan ngoãn, từ lúc một tuổi đã tự biết xúc ăn, biết lăng xăng giúp đỡ mẹ rồi”. Ông Minh đùa vui: “Thì chúng nó là con tôi, phải giống tôi chứ”.


Xa nhau là thế, nhưng hễ có cơ hội là ông Minh lại bất chấp nguy hiểm, vất vả đạp xe mấy chục cây số về thăm bà Thảo và các con. Lần nào về trong túi ông cũng có quà, khi thì chiếc cặp ba lá, khi thì chiếc khăn lụa, cũng có khi là một túi cá khô... Đủ thấy rằng khoảng cách xa xôi, nhưng tâm tư ông bà luôn hướng về nhau. Đến bây giờ, khi ngồi kể lại những kỷ niệm tình yêu ấy, giọng nói và ánh mắt của ông Minh bà Thảo đều đầy ắp niềm hạnh phúc và xúc động.


Bên nhau đến “răng long đầu bạc”


Hơn nửa cuộc đời gắn bó bên nhau, giữa ông Minh bà Thảo ngoài tình yêu ra còn có một tình cảm đặc biệt mà người ta hay gọi là “nghĩa vợ chồng”. Hơn 54 năm cuộc đời gắn bó, chẳng thể tránh được những khi “cơm không lành, canh không ngọt”. Ông Minh hóm hỉnh: “Chúng tôi hiếm khi giận nhau cãi nhau lắm, thời gian bên nhau còn thiếu thốn, xa nhau chỉ mong làm sao được gặp mặt, lấy đâu ra thời gian mà giận dỗi cãi vã. Các cô các cậu bây giờ yêu đương dễ dàng quá, muốn gặp nhau chỉ cần một cuộc điện thoại là xong, nên vợ chồng có chút khúc mắc là ly thân, ly hôn”.


Theo ông Minh, điều quan trọng nhất trong hôn nhân là vợ chồng phải biết tôn trọng nhau và luôn coi nhau như “khách” ở trong nhà. Lúc cãi vã thì đôi bên phải có người tiến người lùi, bà im thì ông nói, ông nhịn thì bà nói, có như vậy mới giữ gìn được hạnh phúc lâu dài.


Mấy năm trở lại đây, do trong thời gian làm viện tại bệnh viện K tiếp xúc với chất phóng xạ và hóa chất, nên sức khỏe của bà Thảo yếu đi nhiều. Mỗi đợt trái gió trở trời, toàn thân đau nhức, bà Thảo phải nằm yên một chỗ. Ông Minh luôn ở bên cạnh tự tay chăm sóc, mắt đã mờ, tay đã yếu nhưng ông vẫn ân cần đút cho bà từng muỗng cơm, ly nước. Dù con cháu luôn cạnh bên nhưng ông vẫn thích tự mình chăm bà Thảo.


Hiện tại ông bà đang được chăm sóc tại Trung tâm dưỡng lão Tuyết Thái, hằng ngày mỗi buổi sáng, ông bà cùng nhau tập thể dục, buổi chiều cùng nhau xem phim, nghe nhạc hoặc nắm tay nhau tản bộ. Cuộc sống cuả ông bà lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười và sự yêu đời.


Trong túi áo ông Minh lúc nào cũng mang theo chiếc smartphone vỏ bọc màu xanh da trời rất “xì tin” của giới trẻ. Ông bảo: “Tôi mang theo để đi đâu có gì đẹp thì mình chụp lại, tôi muốn lưu giữ thật nhiều hình ảnh kỷ niệm mà tôi chụp và hình ảnh của tôi với bà Thảo. Đến khi về già như chúng tôi thì điều đáng quý nhất có được chính là kỷ niệm”.


Có tận mắt tiếp xúc, được trực tiếp trò chuyện với ông bà, những người trẻ như chúng tôi mới thấy hết cái dư vị ngọt ngào của tình yêu, của cuộc sống. Chẳng cần nhiều lời hứa hẹn hoa mĩ, chẳng cần nhiều vật chất cao sang, tình yêu đích thực vẫn luôn tồn tại bền bỉ qua bao năm tháng.


Để khép lại câu chuyện, xin được mượn lời bài hát “Niệm khúc cuối” vô cùng ý nghĩa, mà cả ông Minh và bà Thảo đều rất thích nghe:


“Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây, hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy
Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em…”

Bài, ảnh: Thu Ninh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN