Đưa máy gặt xuống ruộng đồng

Với sự hỗ trợ máy móc hiện đại, việc thu gặt của nông dân Thái Bình trở nên dễ dàng và hiệu quả. Ruộng đất dồn thành thửa lớn, máy móc đưa được xuống đồng là một trong những lợi ích mà chương trình nông thôn mới đem lại.

So với những năm trước, năm nay việc gặt hái lúa chiêm của bà con Thái Bình nhanh hơn và hiệu quả hơn do phần lớn bà con đều thuê máy gặt thay cho việc gặt thủ công. Trước kia, để thu hoạch một sào lúa phải mất 1 ngày với tối thiểu 2 người gặt, bó, vận chuyển về nhà và thuê máy đập liên hoàn (còn gọi là máy phụt). Chi phí để thuê máy phụt là 50.000 đồng/sào chưa kể công mà chủ ruộng bỏ ra. Từ khi chương trình nông thôn mới phát động, ruộng đất được đồn lại thành thửa lớn, máy gặt đưa vào ruộng hoạt động dễ dàng, việc gặt hái trở nên thuận lợi hơn.

Nhờ có máy gặt đập liên hoàn nên việc thu hoạch lúa đông xuân ở xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (Thái Bình) nhanh hơn rất nhiều.

Chị Nguyễn Thị Thịnh, thôn Tân Cường, xã Thụy Tân, huyện Thái Thụy, Thái Bình phấn khởi cho biết: Gia đình chị có 7 sào lúa chiêm, chủ yếu là 2 vợ chồng chị làm vì các cháu còn nhỏ chưa phụ giúp được. Mọi năm để thu hoạch hết, chị mất khoảng hơn 1 tuần nếu trời nắng ráo, không may trời mưa thì càng vất vả hơn. Năm nay, chị thuê máy gặt, chỉ trong hai ngày toàn bộ số lúa đã được mang về nhà, đỡ sức lao động mà không lo vấn đề thời tiết.

Mấy năm trước, vì ruộng đất còn chưa liền thửa, thói quen sử dụng rơm rạ để đun nấu cộng thêm việc lo sợ hao mòn do máy móc va đập, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn giữ cách làm truyền thống là gặt hái bằng tay. Đến nay, những lợi ích mà việc gặt máy mang lại đã hoàn toàn thuyết phục người dân. Trên cánh đồng chỉ còn lác đác vài người gặt thủ công do máy không vào gặt được. Việc gặt bằng máy không chỉ giúp giảm công sức lao động mà còn giúp bà con tiết kiệm chi phí.

Ông Nguyễn Thanh, thôn Thượng Phúc, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Thái Bình cho biết: Chi phí cho 1 sào lúa gặt máy là 140.000 đồng/sào, thêm 20.000 đồng nếu muốn vận chuyển thóc về nhà. Tính ra, với 160.000 đồng, chờ đợi khoảng 30 phút là 1 sào lúa đã được đưa về tận nhà mỗi người. So với việc thuê người gặt tay hay thuê máy đập liên hoàn tại nhà thì chi phí này là khá hợp lí. Bà con không lo đang thu hoạch mà gặp mưa, không sợ việc gặt thủ công khiến thóc hao mòn trong quá trình vận chuyển. Điều này không chỉ tiết kiệm công sức mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt thời gian.

Năm nay, vụ lúa đông xuân của Thái Bình được mùa. Năng suất ước đạt khoảng 2,5 tạ/sào. Các giống lúa bà con canh tác phần lớn là giống lúa cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt như BC 15, T10, Thái Xuyên, TBR1, thiên ưu... Thời tiết nắng ráo là điều kiện tốt để bà con thu hoạch. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa cứng hóa được hệ thống giao thông nội đồng. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc vận chuyển của bà con cũng như khó khăn trong việc đưa máy móc vào ruộng. Bên cạnh đó, một số nới bà con phải thuê máy gặt của các tỉnh khác như Hải Phòng, Quảng Bình... khiến cho chi phí gặt bị nâng lên.

Thái Bình là một tỉnh trọng điểm lúa gạo của đồng bằng sông Hồng. Cơ giới hóa sản xuất, đưa máy móc vào phục vụ lao động là điều kiện thúc đẩy năng suất canh tác cũng như tiết kiệm công sức của bà con nơi vốn coi nông nghiệp là thế mạnh kinh tế.

Bài và ảnh: Nguyễn Lành
Đổi thay ở xã nông thôn mới Sơn Tinh
Đổi thay ở xã nông thôn mới Sơn Tinh

Xã vùng cao Sơn Tinh được huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai chương trình, xã đã có sự khởi sắc về nhiều mặt, thoát khỏi “lớp áo” nghèo nàn trước đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN