Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Theo đề án Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, giai đoạn 2015 – 2020 vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ thu hút được 26% lượng khách quốc tế đến Việt Nam (năm 2010 thu hút được 8%). Thu nhập du lịch sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh hơn so với lượng khách, tăng từ 14 – 16%. Để làm được điều này, các ban ngành cũng như chính quyền địa phương phải cùng nhau giải quyết những vướng mắc, tìm ra hướng phát triển đúng đắn trong thời gian tới.

* Tháo dỡ những rào cản

ĐBSCL có vị trí nằm giữa biển Đông, Vịnh Thái Lan, tiếp giáp nước Cămpuchia. Bên cạnh đó, vùng còn nối liền với TP.Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ - khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng. Đây là những thuận lợi cho việc tiếp cận các thị trường du lịch cả trong nước, khu vực và quốc tế. Ngoài ra, ĐBSCL còn là một vùng có những nét độc đáo riêng có của vùng về thiên nhiên, sông nước hữu tình không thể nhầm lẫn với những khu vực du lịch khác để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, những năm qua, ngành du lịch của vùng chưa thật sự phát huy được thế mạnh.

Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, lâu nay du lịch vùng ĐBSCL đang đứng trước những thách thức: Hệ thống kết cấu hạ tầng còn hạn chế, các cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đạt yêu cầu; Chất lượng của lực lượng lao động trên lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đặc biệt, hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường thủy còn chậm phát triển, trong khi lợi thế so sánh du lịch của vùng là dựa vào sông nước và biển đảo. Nếu kéo dài tình trạng này chắc chắn, ngành du lịch ĐBSCL không thể đứng vững được.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục Trưởng, Tổng Cục Du lịch nhận định: “Chúng ta cần tập trung giải quyết bốn vấn đề cấp bách để tạo động lực phát triển cho du lịch ĐBSCL. Vấn đề đầu tiên là xây dựng hạ tầng du lịch (giao thông, nhà hàng, khách sạn…). Để có thể phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng, không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, phải khai thông các nguồn vốn từ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp làm du lịch. Do đó, Nhà nước cần có những cơ chế chính sách mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia. Vấn đề thứ hai về sản phẩm du lịch. Do các tỉnh có đặc thù chung về cơ sở địa lý cho nên sản phẩm du lịch thường trùng lắp. Đi tỉnh nào cũng là chèo xuồng, nghe đờn ca tài tử….nên, trong Đề án quy hoạch có sự phân chia các không gian du lịch dựa trên sự tương đồng về lịch sử, văn hóa….

Bên cạnh đó, gần đây vùng ĐBSCL xuất hiện nhiều yếu tố du lịch mới. ĐBSCL đang được biết đến với tư cách là vựa lúa lớn nhất của cả nước và thế giới. Những hoạt động trong sản xuất lúa gạo đã hình thành nên không gian văn hóa, cũng như toàn bộ quán sinh hoạt riêng của con người Việt Nam vùng ĐBSCL. Không gian đó sẽ đem đến cho khách du lịch những trải nghiệm khác biệt so với những vùng trồng lúa ở Bắc Bộ, Trung Bộ...Thứ ba, vấn đề trong liên kết quảng bá xúc tiến. Nếu các tỉnh "đơn thương độc mã" tham gia hội chợ và xúc tiến du lịch ở nước ngoài như hiện nay thì không thể tạo ra được ấn tượng và hiệu quả (vì không đủ kinh phí để tiến hành). Do vậy, các ngành cũng như các đơn vị làm du lịch mỗi tỉnh nên lập một quỹ kinh phí chung cho hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch của vùng. Về nguồn nhân lực, không thể trông chờ nguồn nhân lực được đào tạo ở các thành phố lớn, ĐBSCL nên hình thành những trung tâm đào tạo nhân lực riêng cho vùng".


* Phát triển theo hướng bền vững, chất lượng


Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm, theo số liệu thống kê, năm 2010 vùng ĐBSCL đón trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế và gần 5 triệu lượt khách nội địa. Với những con số đó, không có nghĩa ĐBSCL đón được 1/4 khách quốc tế đến Việt Nam . Thực tế có 1,2 triệu khách quốc tế đến Việt Nam ghé thăm ĐBSCL nhưng họ dừng lại ở ĐBSCL trung bình dưới một ngày. Nếu so sánh mỗi một khách quốc tế đến Việt Nam trung bình lưu trú khoảng 10,5 ngày, thì như vậy một khách du lịch quốc tế đến ĐBSCL chỉ chiếm được 1/10 số ngày lưu trú. Khách du lịch nội địa cũng như vậy, du lịch vùng chỉ thu hút được một bộ phận khách đến thành phố Hồ Chí Minh sau đó đi tiếp ĐBSCL. Phần lớn du khách là khách địa phương luân chuyển giữa các tỉnh trong khu vực. Cần phải so sánh như thế mới thấy được, phát triển du lịch phải đặc biệt chú trọng vấn đề thời gian lưu trú và chi tiêu của khách chứ không phải là có bao nhiêu khách đến khu vực ĐBSCL. Vì vậy, muốn nâng cao khả năng cạnh tranh với các vùng du lịch khác, ngành du lịch ĐBSCL không thể không tăng cường chất lượng các dịch vụ du lịch.

Ngành du lịch ĐBSCL đã đi qua một thập kỷ (giai đoạn 2000 – 2010) và đang ở giai đoạn là gạch nối cho thập kỷ tiếp theo (giai đoạn 2011 - 2020). Thời gian qua, ngành du lịch đã tạo ra được một số kết quả tích cực trên mọi phương diện về: quy hoạch, xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng cơ sở vật chất về dịch vụ lưu trú, phát triển sản phẩm các địa điểm du lịch, đội ngũ nguồn nhân lực và các yếu tố liên kết khác. Tuy còn nhiều hạn chế nhưng bước đầu du lịch vùng đã có một nền tảng tương đối đồng bộ để bắt đầu bước vào giai đoạn mới. Những năm tới, ngành du lịch các tỉnh phải tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng đạt chất lượng cao. Chủ yếu là khách sạn, cầu tàu, các khu du lịch tổng hợp có chất lượng cao cũng như các hình thức và phương tiện vui chơi cao cấp bổ sung đạt tiêu chuẩn quốc tế…. Do vậy, du lịch ĐBSCL rất cần những Dự án đầu tư từ các tổ chức trong và ngoài nước.

Lan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN