Dự án cứu sông Đồng Nai - Kỳ 3: Mở ra cơ hội phát triển bền vững

Di dời các nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 để cứu sông Đồng Nai là mục tiêu hàng đầu của dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa đồng thời mở ra cơ hội phát triển mới cho chính các nhà đầu tư trong KCN Biên Hòa 1, nâng cao hiệu quả sử dụng đất Đồng Nai và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

 

Sông Đồng Nai ngày càng bị ô nhiễm.

 

Ngày 18/9/2009, tại văn bản số 307/TB - VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc đồng ý chủ trương chuyển đổi KCN Biên Hòa, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan lập dự án, trong đó làm rõ cơ chế, chính sách và các điều kiện thuận lợi để di chuyển các doanh nghiệp, nhà máy ra ngoài KCN Biên Hòa 1, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và trình duyệt theo quy định. Căn cứ ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 8199/UBND-TH ngày 09/10/2009 về việc giao Tổng Công ty Phát triển KCN hoàn chỉnh Dự án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 và trình duyệt theo quy định.

 

Dành ưu đãi cao nhất cho DN khi di dời


Khi chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu Đô thị - Dịch vụ - Thương mại, các nhà máy gây ô nhiễm sẽ được di dời tới địa điểm khác được qui hoạch phù hợp với ngành nghề sản xuất và đây cũng là cơ hội tốt để các nhà máy có điều kiện đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị để sản xuất hiệu quả hơn và giảm khả năng gây ô nhiễm môi trường.


Hiện nay, thực trạng các nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 đang tồn tại nhiều vấn đề như việc sắp xếp các nhà máy không theo quy hoạch ngành, dẫn đến tình trạng việc sản xuất của nhà máy này ảnh hưởng đến sản phẩm của nhà máy khác, việc xả khí thải của các nhà máy sản xuất làm ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Ngoài ra, tình hình sử dụng đất tại các DN chưa triệt để làm diện tích đất trống trong các nhà máy còn nhiều, dẫn đến hiệu quả sử dụng đất không hợp lý. Mặt khác, còn nhiều cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ kỹ đến thời kỳ cần được nâng cấp, đổi mới nhưng vẫn chưa có khả năng thực hiện. Do đó, việc di dời sang vị trí mới phù hợp hơn với những ưu đãi khi di dời có thể xem là cú hích mới giúp các DN có điều kiện đổi mới và phát triển bền vững.


Về phương án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết các cơ quan chức năng đã làm việc với các DN nằm trong KCN Biên Hòa 1, đa số đều đồng tình nhưng vẫn còn băn khoăn về quyền lợi của họ khi phải di dời. Chủ trương của tỉnh là sẽ bồi thường, hỗ trợ di dời thỏa đáng. Đồng thời, tỉnh cũng giao chủ đầu tư có chính sách hỗ trợ đối với người lao động để các doanh nghiệp di dời ổn định sản xuất và tái đầu tư tại vị trí mới. Một chính sách đặc biệt khác nữa là tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1 đều được ưu tiên tham gia làm cổ đông của một công ty mới sẽ được thành lập để quản lý dự án khu đô thị - dịch vụ - thương mại sau khi chuyển đổi.


Hiện tỉnh đang tính toán với các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh phù hợp trước mắt sẽ di dời về KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom), còn lại sẽ dời đến các KCN Long Thành, Ông Kèo, Tam Phước... Theo đề án, việc chuyển đổi công năng này sẽ chia làm ba giai đoạn, đến năm 2022 các doanh nghiệp sẽ di dời xong.


Theo ông Đinh Quốc Thái, quá trình lập đề án tỉnh đã giao Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) tính toán sao cho các DN khi di dời không bị ảnh hưởng lớn. Tỉnh Đồng Nai sẽ áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất của Chính phủ cho các DN di dời nhằm bảo vệ môi trường trong tương lai.

 

Tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao hiệu quả sử dụng đất


Việc chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu Đô thị - Dịch vụ - Thương mại theo đúng quy hoạch là một yêu cầu cần thiết, góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề về xã hội như lao động, việc làm, chỗ ở, ô nhiễm môi trường của thành phố Biên Hòa, đóng góp một phần vào sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của tỉnh.


Bên cạnh việc tạo cơ hội phát triển mới cho các DN, việc chuyển đổi sẽ tạo nên nhu cầu về lao động có trình độ và tay nghề cao làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm... đồng thời cũng sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho những người lao động phổ thông phục vụ trong khu vực khách sạn, nhà hàng, khu vực bán lẻ. Theo lãnh đạo thành phố Biên Hòa thì việc chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 sẽ tạo động lực để lực lượng lao động của thành phố và khu vực lân cận phải tự nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề để có công việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn và cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.


Theo tính toán, nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất KCN Biên Hòa 1 từ công nghiệp thành dịch vụ - thương mại thì sẽ giảm thiểu tối đa tình trạng bỏ đất trống đồng thời suất đầu tư trên đất sẽ tăng cao, suất sinh lợi từ đất cũng tăng dẫn đến hiệu quả sử dụng đất sẽ được nâng lên rất nhiều so với tình hình sử dụng đất hiện nay của KCN Biên Hòa 1. Dự án này cũng phù hợp với định hướng quy hoạch và góp phần làm thay đổi diện mạo kiến trúc thành phố Biên Hòa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật cũng là đầu mối giao thông quan trọng với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.


Bài và ảnh: Viết Tôn - An Châu

 

Kỳ 4: Chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 là tất yếu khách quan

Dự án cứu sông Đồng Nai - Kỳ cuối: Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Dự án cứu sông Đồng Nai - Kỳ cuối: Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Trong thời gian qua, với sự quyết tâm cao độ và sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh Đồng Nai, dự án di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đang được xúc tiến nhằm bảo vệ sông Đồng Nai, cũng là bảo vệ nguồn nước sạch cho 20 triệu dân, vì sự phát triển bền vững của cả khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN