Đổi thay ở một xã đạo vùng sâu

Cách nay chưa xa, người dân ở các xã vùng sâu của huyện Mỹ Tú nói chung và xã Hưng Phú (Sóc Trăng) nói riêng gặp muôn vàn khó khăn từ sản xuất đến đi lại và giao thương, đại bộ phận người dân đều sống nhờ vào lúa, nhưng sản xuất rất bấp bênh do đây là vùng trũng, năm thì được mùa, năm lại mất mùa. Với sự nỗ lực của người dân vùng sâu, cùng sự đầu tư của nhà nước, diện mạo của vùng nông thôn Hưng Phú đã phát triển nhanh chóng. Từ việc đi lại chủ yếu bằng ghe xuồng, người dân đã có đường bê tông chạy song song với kênh Quản lộ Phụng Hiệp, hệ thống giao thông trong các ấp và các xã khác đã được nối liền.

Nhờ hệ thống giao thông nông thôn hoàn thiện, việc học tập của con em người dân Hưng Phú ngày càng trở nên thuận lợi.


Với đặc thù là địa phương tập trung đồng bào công giáo đông nhất của huyện Mỹ Tú nơi có hơn 5.000 giáo dân, xã Hưng Phú có hơn 40% dân là người công giáo. Ngày trước, nơi đây còn là vùng đất có phong trào cách mạng phát triển mạnh do nằm gần với khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng nên người dân công giáo ở Hưng Phú đã sớm giác ngộ cách mạng, luôn sát cánh cùng cán bộ trong cuộc chiến trường kỳ của dân tộc, tạo nên tình cảm gắn bó thắm thiết quân dân. Ngày nay, Hưng Phú đã nổi lên là một trong các địa phương đi đầu của tỉnh Sóc Trăng về an ninh, về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phong trào xóa đói giảm nghèo... Chỉ tính riêng trong năm 2011, xã Hưng Phú đã hỗ trợ hoàn thành được 77 căn nhà thuộc chương trình 167 cho người dân, giúp 90 hộ dân thoát nghèo (đạt 100% kế hoạch năm). Hiện, các tuyến đường giữa các ấp trong xã đã được nối liền, việc đi lại thuận lợi. Đặc biệt, tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp dài hơn 12km chạy qua địa bàn xã sẽ tạo bước đệm cho sự giao thương của người dân và học tập của con em; hệ thống thủy lợi rộng khắp với nước ngọt quanh năm đã giúp người dân tăng từ 1 vụ lúa (năm 1990) lên 3 vụ như hiện nay.

Từ khi cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống của người dân Hưng Phú đã thay đổi rõ rệt. Nếu như năm 2000, số hộ khá giàu của xã chỉ chiếm khoảng 30% thì nay số hộ giàu đã chiếm hơn 50% , số hộ nghèo cũng giảm còn khoảng 15%. Điển hình cho phong trào xóa đói giảm nghèo nhanh là ấp Phương Hòa 3. Đến nay, hơn 70% hộ dân trong ấp đều đạt hộ khá, giàu, chỉ còn khoảng 10% hộ nghèo. Có thể thấy, để có được sự phát triển nhanh như ngày hôm nay, chính nhờ sự đồng lòng của các cấp chính quyền và người dân.

Chung tay với các cấp chính quyền, sự đóng góp của nhà thờ cho sự phát triển chung của người dân trong xã là không nhỏ. Nhà thờ đã kết hợp với chính quyền xã trong các dự án hỗ trợ nhà cho người nghèo, xây dựng cầu bê tông, chỉnh trang trường học… Theo linh mục Nguyễn Văn Đầy, có sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân và chính quyền địa phương do giáo dân đều sống theo phương châm “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Để phát huy được tinh thần ấy, mỗi năm nhà thờ và giáo dân đều hỗ trợ 2 căn nhà tình thương, mỗi căn trị giá 35 triệu đồng; xây 10 cây nước để người dân có nước sạch sinh hoạt, kết hợp và thỉnh nguyện đoàn y bác sĩ từ các trường, các bệnh viện ở Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh đến khám và phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Tại các họ đạo đều thành lập Hội Bác ái để kịp thời giúp đỡ những hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn…

Bên cạnh sự giúp đỡ, đầu tư của chính quyền, tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào công giáo nơi đây chính là điểm sáng cho những địa phương khác học tập. Điển hình là ông Trần Văn Mây ở ấp Phương Hòa 3. Là một người công giáo và cũng là cán bộ làm việc tại Hội đồng nhân dân của xã gần 20 năm nên ông Mây hiểu rất rõ tâm tư nguyện vọng của giáo dân; nếu muốn người dân nghe, thì mình phải làm gương. Trong kinh tế, ông luôn đi đầu trong trồng lúa lẫn trồng mía, với gần 40 công ruộng (mỗi công 1.000m2), mỗi năm làm hai vụ cho thu nhập trên 100 triệu đồng, cộng với diện tích mía cho năng suất gần 150 tấn mỗi năm đã đưa gia đình trở thành điểm sáng về làm kinh tế giỏi, với tổng thu nhập không dưới 200 triệu đồng/năm. Ông Mây còn là người đã khởi xướng việc đưa rước con em người dân trong ấp đi học bằng vỏ lãi, thay vì học sinh phải lội bộ và chèo ghe hàng chục cây số để đi học. Nhờ đó, việc học của con em người dân trên địa bàn được dễ dàng và tiến xa hơn. Vì vậy, ông luôn nhận được sự tín nhiệm cao của cả giáo dân và các cấp lãnh đạo.

Những ngày này, Giáng sinh đang đến với đồng bào công giáo Hưng Phú, trên khắp các ngả đường vào các ấp, dãy cờ phướn xanh đỏ hai bên đường như tô thêm vẻ thịnh vượng cho vùng quê này. Đâu đó, nhiều nhà đã chuẩn bị bạt, gỗ, tre… để làm mô hình hang đá mừng Chúa Giáng sinh. Ngày lễ với đồng bào Công giáo Hưng Phú năm nào cũng là sự ấm cúng của mâm cơm gia đình. Còn với cộng đồng, hằng năm đồng bào đều tổ chức quyên góp để tổ chức những buổi vui chơi cho các em nhỏ, trao quà cho học sinh nghèo hiếu học… Theo linh mục Nguyễn Văn Đầy, dịp Giáng sinh hằng năm, các cấp lãnh đạo đều đến chúc mừng, cùng chung vui với bà con công giáo. Chính điều đó, đã khích lệ tinh thần rất lớn đối với đồng bào công giáo trong công cuộc phát triển, đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Chanh Đa
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN