Đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người dân

Sáng 23/3, Hà Nội đồng loạt triển khai đổi mũ bảo hiểm cho người dân. Ngay từ 6, 7 giờ sáng tại các điểm đổi mũ đã thu hút rất đông người dân đến tham gia và tìm hiểu thông tin.

Các địa điểm đổi mũ gồm cổng công viên Thống Nhất, công viên Hà Đông, vườn hoa Hàng Đậu, công viên Thành Công và 8 đại lý tại các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy và huyện Từ Liêm.

Điểm đổi mũ bảo hiểm tại công viên Thống nhất thu hút nhiều người đến tham gia. Ảnh: laodong.com.vn


Ông Lưu Xuân Bình, Phó Văn phòng Ban An toàn Giao thông thành phố cho biết, thực hiện kế hoạch trợ giá đổi mũ bảo hiểm cho người tham gia giao thông của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, chỉ trong thời gian ngắn đã có hai đơn vị là Công ty TNHH sản xuất thương mại Chí Thành và Công ty Cổ phần Á Long đăng ký tham gia vào chương trình đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn có trợ giá và đã chính thức ký cam kết với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc bán đúng giá và đổi mũ bảo hiểm có trợ giá tại 12 địa điểm của Hà Nội.

Tại các điểm này có logo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội. Cụ thể, địa điểm tổ chức đổi mũ bảo hiểm của Á Long (nhãn hiệu B’color) sẽ được tổ chức tại 4 địa điểm: Vườn hoa Hàng Đậu; đường Phan Đình Phùng, quận Ba Đình; Công viên Thống Nhất đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng; Vườn hoa Hà Đông, đường Quang Trung, quận Hà Đông; Công viên Thành Công, đường Láng Hạ, quận Đống Đa. Còn địa điểm tổ chức đổi mũ bảo hiểm của công ty Chí Thành (mũ Chita) bao gồm: 929 đường Giải Phóng, Hoàng Mai; 407 Trường Chinh, Thanh Xuân; 206 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân; 577 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân; 316 Cầu Giấy; 90 Cầu Giấy; 365 Cầu Giấy; 94 Kiều Mai, Từ Liêm, Hà Nội.

Cũng liên quan đến mũ bảo hiểm, bắt đầu từ ngày 1/4 – 1/6 năm nay, Hà Nội tổ chức đợt cao điểm xử phạt vi phạm không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, gắn máy. Đây là giai đoạn 2 của chiến dịch “Trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm” do Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, Cục CSGT đường bộ – đường sắt, Bộ GDĐT, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Phòng, chống thương vong Châu Á phối hợp thực hiện.

Kết thúc giai đoạn 1, tỉ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông tại Hà Nội mới tăng từ 8% lên 11%, mặc dù đã có quy định người tham gia giao thông trên xe mô-tô, gắn máy, xe đạp điện bao gồm cả trẻ em từ 6 tuổi trở lên đều bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.

Ông Lưu Xuân Bình cho biết, trong 3 tháng tới, Ban An toàn Giao thông thành phố phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á sẽ tập trung triển khai đợt cao điểm, trước mắt sẽ tuyên truyền vận động, nhắc nhở sau sẽ xử phạt, tập trung trọng điểm trên địa bàn 3 quận Ba Đình, Đống Đa và Cầu Giấy. Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm sẽ nhân rộng ra toàn địa bàn. Mức xử phạt đối với lỗi trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông giống như đối với người lớn, tức 150.000 đồng/ 1 lần vi phạm.

Theo số liệu khảo sát ban đầu trước khi triển khai giai đoạn 2 ở Hà Nội cho thấy hiện nay, tỉ lệ đội mũ bảo hiểm ở các trường tiểu học đạt mức thấp nhất so với khối THCS và THPT. Cụ thể ở quận Ba Đình đạt 9%, quận Đống Đa đạt 7,3% và quận Cầu Giấy là 11,4%.

* Trong những ngày qua, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã tiến hành kiểm tra một số điểm kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn thành phố Lào Cai.

Kết quả cho thấy, hầu hết các đơn vị kinh doanh đều chấp hành nghiêm các quy định về việc kinh doanh MBH đảm bảo chất lượng. Các cơ sở đã dừng bán và chủ động thu hồi các loại mũ không đảm bảo chất lượng. Quá trình kiểm tra, đoàn đã thu hồi 15 mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc không được dán tem hợp chuẩn CR, tiến hành xử phạt theo đúng quy định. Hiện trên địa bàn Lào Cai, ngoài các siêu thị lớn trong khu vực thành phố còn có 9 chợ trung tâm và hàng trăm các điểm đại lý, chợ cụm xã đều bày bán MBH.

Trong thời gian tới, các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử phạt những trường hợp kinh doanh mũ bảo hiểm không đạt chuẩn tại một số địa phương khác. Đoàn sẽ tập trung kiểm tra về nhãn mác, tem hợp quy CR, xuất xứ MBH nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng bán MBH không đạt chuẩn cho người dân.

* Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk, trong số hàng trăm cơ sở, điểm kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), hiện mới chỉ có 9 cơ sở đăng ký kinh doanh mặt hàng này. Tình trạng nói trên cũng đang diễn ra phổ biến tại 14 huyện, thị xã còn lại của tỉnh Đắk Lắk.

Thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh và sử dụng MBH khi tham gia giao thông, Chi cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra 8 điểm kinh doanh MBH trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Qua đó đã phát hiện, tạm giữ gần 200 MBH kém chất lượng và xử phạt hành chính các cơ sở kinh doanh này.

Để khắc phục tình trạng chưa kiểm soát được chất lượng MBH trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh như hiện nay, Chi cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đang tiến hành tổ chức thống kê, lập danh sách các cơ sở, điểm kinh doanh MBH và tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất và nhập khẩu.


Tuyết Mai, Lục Văn Toán, V.Dũng
Mạnh tay ngăn chặn mũ bảo hiểm rởm
Mạnh tay ngăn chặn mũ bảo hiểm rởm

Để cuộc chiến với MBH rởm, kém chất lượng đạt kết quả, Cục QLTT đề xuất các hoạt động kiểm tra, kiểm soát phải thường xuyên, liên tục, đồng thời, phải có chế tài mạnh hơn khi xử lý các trường hợp vi phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN