Đối mặt nguy cơ cháy rừng

Trước tình hình hạn hán có nguy cơ lan rộng, hầu hết các tỉnh có rừng khu vực ĐBSCL như Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp... đang gấp rút lên phương án bảo vệ rừng, thậm chí có địa phương đã đóng cửa rừng để tránh nguy cơ cháy.


Báo động đỏ


Cái nắng gay gắt của tháng 3 khiến nhiều cánh rừng tràm xanh ngút mắt ở U Minh Hạ (Cà Mau), U Minh Thượng (Kiên Giang) và Tràm Chim (Đồng Tháp)... rơi vào tình trạng “báo động đỏ”.


Lực lượng chức năng chữa cháy rừng tràm tại ấp 8 xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, ngày 19/3/2013.
Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Theo Ban quản lý rừng U Minh Hạ, thời tiết nắng nóng gay gắt, gió mạnh và khô hanh hiện nay đã khiến lớp bổi dưới chân rừng khô dầy, chỉ một tàn lửa nhỏ rơi xuống cũng đủ gây nên cháy lớn. Trong khi đó, nguồn nước dưới các con kênh đã dần khô cạn gây nhiều khó khăn trong công tác chữa cháy rừng. Theo dự báo, nếu nắng nóng gay gắt như hiện nay tiếp tục kéo dài, sẽ khiến toàn bộ rừng tràm U Minh Hạ đặt trong tình trạng báo động cháy ở mức cực kì nguy hiểm.


Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang cho biết hàng chục ngàn ha rừng ở tỉnh này cũng đang trong tình trạng dự báo cháy ở mức nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Nắng nóng gay gắt trong những ngày qua, đã khiến nước bốc hơi nhanh và độ ẩm giảm thấp nên diện tích rừng bị khô hạn nằm trong dự báo cháy từ cấp 4 đến cấp cực kỳ nguy hiểm tăng lên hơn 40.000 ha, chiếm gần 60% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Hầu hết các diện tích này tập trung trên lâm phần rừng tràm vùng U Minh Thượng và các huyện Hòn Đất, Kiên Lương và rừng đảo Phú Quốc.


Tại An Giang, toàn tỉnh đã khoanh vùng hơn 7.300 ha rừng nằm trong tình trạng báo cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Diện tích này tập trung nhiều nhất là huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và thị xã Châu Đốc. Ông Bành Thanh Hùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm An Giang, cho biết mối lo lớn nhất của An Giang là những cánh rừng dọc theo triền núi có nhiều cơ sở thờ tự, am cốc, miếu... Thời điểm này lại vào mùa lễ hội Vía Bà, tình trạng đốt giấy tiền vàng bạc, thắp hương khá phổ biến, thậm chí chỉ cần một người vô tình rơi tàn thuốc thì khả năng cháy rừng có thể ập tới.


Đóng cửa để bảo vệ rừng


Trước nguy cơ cao về cháy rừng, tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã triển khai các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt hai Vườn Quốc gia U Minh Hạ và U Minh Thượng; trong đó hạn chế tối đa việc phục vụ du khách đến tham quan, du lịch, tạm thời đóng cửa rừng từ nay cho tới khi mùa mưa đến. Hiện nhân viên kiểm lâm kết hợp cùng người dân túc trực 24/24 giờ; đồng thời các phương tiện chữa cháy luôn sẵn sàng hoạt động.


Riêng tại Vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang), ông Huỳnh Long Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc, cho biết huyện đã xây dựng lực lượng phòng chống cháy rừng khoảng 1.100 người, chia thành các tổ, đội phân công trực chiến 24/24; nghiêm cấm người dân vào rừng dọn vườn, tận thu lâm sản, đốt rẫy và thông báo hạn chế đi lại trên các tuyến đường cắt ngang qua rừng, đóng cửa rừng vào giai đoạn cao điểm mùa khô. Tại An Giang, tỉnh cũng đã quyết định tạm đóng cửa và ngưng các hoạt động trong rừng; đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy.


Vườn quốc gia Tràm Chim - khu Ramsar của Thế giới, cũng đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết vườn đã triển khai vệ sinh rừng, cắt băng, đốt cỏ chủ động, điều tiết nước nhằm vừa duy trì đảm bảo phát triển về tính đa dạng sinh học của các loài động, thực vật trong vườn vừa phòng, chống cháy rừng.


Vườn cũng phối hợp thường xuyên với lực lượng quân đội, công an huyện, kiểm lâm nhằm phòng chống người dân xâm nhập săn bắn, bắt ong để hạn chế cháy xảy ra. Hiện vườn có 19 trạm bảo vệ và 9 đài quan sát, chòi canh, trang bị sẵn la bàn, máy định vị (GPS) và các trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống cháy. “Chuyện giữ rừng là nhiệm vụ hàng đầu trong suốt mùa khô, song để giữ bình yên cho vườn quốc gia không hề đơn giản.


Cái khó trước mắt là việc đưa nước vào vườn để hạn chế cháy rừng; tuy nhiên việc này có nguy cơ phá đi hệ sinh thái đa dạng sinh học của Tràm Chim. Bởi ở Vườn quốc gia Tràm Chim không chỉ có rừng tràm mà còn có hàng trăm loài thực vật, đồng cỏ, sen, súng, chim, cá...” - ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, cho biết.



M.Thuyết-Đ.Phương

Nguy cơ cháy rừng cấp cực kì nguy hiểm ở Tây Bắc bộ
Nguy cơ cháy rừng cấp cực kì nguy hiểm ở Tây Bắc bộ

Do vùng thấp nóng phát triển mạnh, tạo ra đợt gió lào ở khu vực miền Trung, trong khi đó khu vực phía Tây Bắc bộ lại có hiện tượng gió nóng với mức độ cao hơn hẳn gió lào làm độ ẩm giảm xuống thấp, những cánh rừng ở khu vực này đều ở trong tình trạng cảnh báo cấp cực kì nguy hiểm.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN