Đổi giờ làm để giảm ùn tắc: Chỉ là tình thế

Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 7/2, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, sau một tuần thực hiện đổi giờ học, giờ làm tại 10 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm, bước đầu giao thông Hà Nội đã có những cải thiện. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của việc đổi giờ học, giờ làm tại nội đô Hà Nội chỉ có thể đánh giá được sau khoảng một tháng nữa, khi lực lượng lao động ngoại tỉnh và sinh viên trở lại làm việc và học tập đầy đủ.


Tình hình giao thông tại một số “điểm nóng” ở Thủ đô đã được cải thiện khi thực hiện đổi giờ học, giờ làm (Ảnh chụp tại ngã tư Lê Duẩn - Đại Cồ Việt lúc 17 giờ 35 phút ngày 2/2/2012). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Vẫn chỉ là giải pháp tình thế

Theo Sở GTVT, một số tuyến đường trước đây thường xảy ra ùn tắc như Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy- Cầu Giấy... nay mật độ giao thông giảm đáng kể. Do kéo dãn giờ cao điểm nên xe buýt tăng hơn 700 lượt, vận chuyển thêm 60.000-70.000 lượt người/ngày nhưng không bị quá tải như trước. Vào buổi sáng, giao thông thành phố thông suốt, tuy nhiên vào buổi chiều, vẫn xảy ra ùn tắc cục bộ tại một số tuyến phố qua các trường tiểu học, trung học cơ sở do bố mẹ chờ đón con đứng tràn xuống lấn chiếm lòng đường. “Sau cuộc họp liên ngành hôm qua, thanh tra giao thông và cảnh sát khu vực sẽ tăng cường trực và phân làn tại các điểm ùn ứ trên để lưu thông tốt hơn”, ông Hùng cho biết.

“Do mới thực hiện đổi giờ học, giờ làm được 1 tuần nên chưa thể có đánh giá tổng thể. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế, nhằm góp phần làm giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Qua việc đo đếm lượng người ở các nút giao thông tại các trục chính cho thấy lưu lượng người tham gia giao thông gấp 2 đến 6 lần mức cho phép nên chỉ cần xảy ra va chạm nhỏ hoặc việc chuyển làn, quay đầu xe thiếu ý thức là sẽ gây ra ùn tắc. Chính vì vậy, để giải quyết tình trạng ùn tắc này thì cần giải pháp tổng thể từ quy hoạch, nâng cấp hạ tầng giao thông, vận tải công cộng đến văn hóa giao thông”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, “Giải pháp đổi giờ học, giờ làm không thể thay thế các giải pháp khác mà Hà Nội đang nỗ lực triển khai, trong đó có việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm nhằm góp phần giảm ùn tắc như hoàn thành khép kín vành đai 2, vành đai 3, các trục hướng tâm chính như quốc lộ 1A cũ, QL6, QL32, QL3 để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu giao thông từ khu vực nội đô ra bên ngoài và ngược lại, cũng như tách được các luồng giao thông quá cảnh không cho đi qua khu vực nội đô.

Đồng thời tập trung mở rộng theo quy hoạch và hoàn thành dứt điểm các trục chính đô thị như trục Kim Mã - Trần Phú, Hoàng Quốc Việt kéo dài... và dứt điểm hoàn thành các trục đang thi công dở như Văn Cao - Hồ Tây, Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng; tiếp tục khảo sát, tổ chức thi công cầu vượt bằng kết cấu thép lắp ghép tải trọng nhẹ, sử dụng cho xe máy, ô tô tại một số nút giao thông có mật độ qua lại cao như đường Láng – Lê Văn Lương; Láng - Trần Duy Hưng...”.

Sẽ tiếp tục điều chỉnh

Liên quan đến việc điều chỉnh giờ học, giờ làm đang ảnh hưởng đến sinh hoạt của một bộ phận người dân, nhất là học sinh PTTH do tan học quá muộn (19 giờ), ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Việc điều chỉnh giờ học, trước mắt có thể thấy đã gây xáo trộn tới sinh hoạt của học sinh. Do đó, ngày 6/1, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp đánh giá về những tác động này để có sự điều chỉnh. Việc điều chỉnh sẽ do thành phố quyết định. Quan điểm của Sở GTVT là ủng hộ việc điều chỉnh sao cho phù hợp với việc học và sinh hoạt của học sinh, sinh viên. Trước mắt, Sở GTVT đã chỉ đạo Trung tâm điều hành vận tải công cộng điều động xe buýt, tăng chuyến, nối dài tuyến tới các trường, khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu đi lại của học sinh, người dân.

Đối với lượng sinh viên và lao động tự do trở về Hà Nội trong tuần tới, dự kiến sẽ đẩy lưu lượng người tham gia giao thông tăng lên và sẽ xảy ra ùn tắc như trước đây, lãnh đạo Sở GTVT cho biết cũng đã lường đến việc này và sẽ tiếp tục theo dõi để cùng với các ngành khác có những điều chỉnh cụ thể.

“Một số chuyên gia ngành giao thông có cho rằng, việc thay đổi giờ học, giờ làm chỉ có thể làm giảm khoảng 5% lưu lượng người tham gia giao thông giờ cao điểm, chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến này. Sau một thời gian áp dụng việc thay đổi giờ học, giờ làm với những đánh giá tổng thể, nếu cần thiết ngành GTVT sẽ tổ chức hội thảo khoa học để có một cái nhìn tổng quan, khoa học”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.

Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: Việc thay đổi giờ học, giờ làm ảnh hưởng đến một bộ phận dân cư. Hiện nay, sau một thời gian áp dụng, Thành ủy sẽ lắng nghe ý kiến của các bên để có sự điều chỉnh hợp lý, phát huy những mặt làm được và khắc phục những bất cập. Do lần đầu tiên Hà Nội thực hiện việc thay đổi giờ học, giờ làm nên chưa thể có kết quả ngay lập tức. Thành ủy Hà Nội sẽ lắng nghe ý kiến của các ngành liên quan để hoàn thiện việc thay đổi này. Được biết, Hà Nội cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh việc di dời các trụ sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành theo định hướng chung của Chính phủ, đồng thời góp phần giảm ùn tắc đô thị.

Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN