Đối đầu với tin nhắn rác bùng phát

Cùng với việc chống nghẽn, các nhà mạng còn phải đối đầu với vấn nạn tin nhắn rác "bùng phát" trở lại vào cuối năm, trong đó không ít tin nhắn mang nội dung lừa đảo.


Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ "mạnh tay" và quyết liệt xử lý các đơn vị, cá nhân phát tán tin nhắn rác. Tuy nhiên, nếu nhà mạng không mạnh tay hơn và không tự mình quản lý chặt chẽ, nhất là với lượng sim rác, sim chưa đăng ký, thì việc ngăn chặn tin nhắn rác khó đạt hiệu quả.

"Bạn nhận được quà tặng âm nhạc từ người thương gửi tặng. Để nhận quà về máy và biết tên người gửi, bạn soạn tin: D gửi 6782”, "Chúc mừng!Bạn đã may mắn có cơ hội trúng điện thoại iPhone4 từ chương trình Quaythuongngaunhien của mạng chúng tôi.


Để biết chi tiết bạn soạn tin: DT gửi 6782...". Anh Hoàng Công Thắng, nhân viên kinh doanh thuộc Công ty điện thoại Lan Anh trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), thường xuyên nhận được tin nhắn như vậy.


Anh cho biết, nhiều lúc bực mình không thể chịu nổi, vì trong một ngày có tới 3 - 5 tin nhắn như trên gửi tới máy điện thoại của anh. Những ngày cuối năm, lượng tin nhắn rác càng nhiều hơn.

Theo phản ánh của bạn đọc báo Tin Tức đang sử dụng dịch vụ của các nhà mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel, từ tháng 11/2010 đến nay, đặc biệt là từ thời điểm giữa tháng 12, họ liên tục bị tin nhắc rác quảng cáo cho các đầu số 6776, 8700, 8779, 6773… quấy rầy.


Như tin rác mời chào sử dụng “lời chúc năm mới ý nghĩa đến bạn bè, người thân” cho 6776, tin rao hình “gái đẹp cực hot” cho đầu số 8779, rồi hình nền Giáng sinh và năm mới cho đầu số 6773…


Tuy nhiên trong thời gian gần đây, những kẻ “ném rác” lại tỏ ra cao tay khi không chỉ sử dụng số điện thoại 11 số mà còn sử dụng luôn đầu số điện thoại quen thuộc (091…, 098…) để thu hút, đánh lừa người đọc. Chị Hoàng Thu Trang, chủ nhân số thuê bao 0912633xxx kể:


"Đúng hôm Noel, tôi nhận được tin nhắn từ số thuê bao 01252317116 quảng cáo cho dịch vụ cài đặt phần mềm chơi phỏm, tiến lên và xì tố online trên điện thoại di động.


Thay vì phải thao tác “cách X cách Y” như thông thường, “rác” này lại gán sẵn 3 đường liên kết trong nội dung tin, để dụ người dùng chỉ cần bấm vào đó là sẽ chạy tới trang www.iwin.vn để cài đặt phần mềm chơi những trò giết thời gian nêu trên.

Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết, nguồn tin nhắn rác trên điện thoại di động được phát tán từ hai kênh. Thứ nhất là qua các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung (CP) và thứ hai từ các số điện thoại thông thường.


Phần lớn CP sau khi được VNCERT cấp mã số quản lý đều thực hiện nghiêm chỉnh. Chỉ có những đầu số chưa được cấp mã số và những số điện thoại thông thường là khởi nguồn của tin nhắn rác.


Phổ biến nhất hiện nay là tin nhắn rác được phát tán từ các sim điện thoại trả trước, mà chủ yếu là sim rác, sim 11 số, có thể dùng một lần rồi vứt luôn.


Trong khi số sim này hiện vẫn còn tràn ngập ở các đại lý bán sim thẻ. "Với tin nhắn khởi điểm từ các số thuê bao điện thoại thông thường thì... đành bó tay", ông Vũ Quốc Khánh khẳng định.

Như vậy, với những gì đang diễn ra trong thực tế thì đến nay, đã gần 2 năm trôi qua kể từ ngày Thông tư số 12 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị định 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác có hiệu lực, câu chuyện xử lý vấn nạn tin nhắn rác trong nước vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan.


Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông nghi hoặc, phải chăng quy định về xử phạt vi phạm vẫn chưa đủ tính răn đe nên dù các đơn vị chức năng cùng các nhà mạng đều tuyên bố sẽ xử lý mạnh tay CP phát tán tin nhắn rác nhưng cộng đồng sử dụng điện thoại di động vẫn liên hồi “sống trong bực bội”.

Do vậy, cùng với việc tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra thì các cơ quan chức năng và các nhà cung cấp dịch vụ di động cần quyết liệt hơn trong việc thắt chặt quản lý đối với các thuê bao di động trả trước và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng dịch vụ về cách thức phòng, chống tin nhắn rác.

Theo VinaPhone, đối với các đơn vị phối hợp cung cấp dịch vụ nội dung (CP), ngay từ đầu khi ký hợp đồng hợp tác, VinaPhone đã quy định rõ trong hợp đồng về việc các CP không được nhắn tin quảng bá khi không có yêu cầu xuất phát từ khách hàng. Khi nhận được phản ánh của khách hàng về việc bùng phát tin nhắn rác, VinaPhone đã nhiều lần có công văn thông báo, nhắc nhở các CP về việc không được thực hiện nhắn tin rác, bao gồm cả việc không được sử dụng các số điện thoại thông thường để nhắn tin quảng bá và tuyên bố sẽ chấm dứt dịch vụ đối với các CP vi phạm. VinaPhone đã chấm dứt hợp đồng với 1 đầu số CP, tạm dừng hợp đồng với khoảng 20 CP, để hạn chế tin nhắn rác trong dịp Tết.

Song song với việc triển khai các biện pháp đối với CP, các biện pháp thông tin tới khách hàng cũng được triển khai như đăng tải thông tin cảnh báo về tin nhắn lừa đảo trên Internet, cung cấp các đường dây nóng để nhận tất cả phản ánh về các số di động nhắn tin spam (tổng đài chung 9191, các số điện thoại đường dây nóng: 091.248.1111/091.868.1111/091.418.1111) từ đó sẽ thực hiện khóa liên lạc của các thuê bao nhắn tin spam và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, truy tìm các thuê bao vi phạm. VinaPhone đang tích cực tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật để có thể hạn chế tối đa hiện tượng này bằng kỹ thuật.

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN