Dùng túi ni lông tự hủy:

Doanh nghiệp và người dân đã sẵn sàng

    Người tiêu dùng Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng quen với “văn hóa túi ni lông” đến nỗi họ “quên” dụng cụ chứa đựng truyền thống như túi cói, giỏ xách tay thân thiện với môi trường. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, mỗi ngày, người dân thành phố thải ra gần 50 tấn túi ni lông. Đáng lưu ý hơn, chưa đầy 10% trong số đó được đưa vào các bãi rác, số còn lại bị vứt bữa bãi ra môi trường gây ra nhiều tác hại khôn lường.

Túi ni lông vẫn sử dụng tràn lan tại các siêu thị.

      Theo Quỹ tái chế chất thải TP.HCM, phải mất từ 20-1.000 năm, túi ni lông mới có thể phân hủy. Đây là tác nhân gián tiếp gây ra các căn bệnh thần kinh, ung thư. Tại một số vùng biển và các con sông ở khu vực phía Nam, lượng túi ni lông thải ra nhiều đến mức gây tai nạn cho nhiều tàu thuyền đánh cá, như nghẽn chân vịt hoặc kẹt máy bơm nước. Ông Nguyễn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ hóa học, cho rằng: “Túi ni lông được làm từ nhựa PTE không độc nhưng các chất phụ gia thêm vào để làm túi ni lông mềm, dẻo, dai lại vô cùng độc hại. Nếu đựng đồ nóng từ 70 - 80 độ C thì những chất phụ gia đó sẽ có phản ứng phụ và khó mà biết được nó độc hại đến đâu”.


   Đến nay, đã có 11 doanh nghiệp đăng ký tham gia “Tháng sử dụng túi thân thiện với môi trường” tại TP.HCM với các biện pháp như vận động khách hàng hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng túi có thể dùng nhiều lần, tặng túi thân thiện, tặng điểm thưởng cho khách không lấy túi ni lông… Hệ thống siêu thị Maximark thậm chí còn tiên phong đưa bao bì thân thiện vào sử dụng từ tháng 1/2009 dù chi phí kinh doanh tăng lên từ 18-22%. Trong khi đó, đại diện Saigon Coop cho hay, họ sẵn sàng tham gia chương trình dù không có bất cứ sự hỗ trợ nào. Công ty TNHH Phúc Lê Gia chuyên sản xuất bao bì thân thiện tuyên bố sẽ tài trợ 4.000 túi tự hủy và 2.000 tấn giấy cho chương trình lần này. Ông Sỹ Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH bao bì Kim Nhật cho biết: “Dù không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào nhưng công ty vẫn tài trợ cho chương trình lần này 2.000 túi may và 2.000 túi ép thân thiện với môi trường”.


      Thực tế, việc thải túi ni lông bừa bãi của người dân TP.HCM xuất phát từ nhiều nguyên nhân, không đơn thuần chỉ là ý thức. Chị Thanh, một khách mua hàng tại Siêu thị Maximark Cộng Hòa, cho hay: “Biết túi ni lông có hại cho môi trường nhưng hiện nay, tìm ra loại túi tự hủy đâu phải dễ, chỉ có vài siêu thị phát, còn hầu như mua sắm ở nơi nào họ cũng cho túi ni lông”. Chị Hà, khách mua hàng tại Siêu thị Coopmart Thắng Lợi, hào hứng chia sẻ: “Tôi sẵn sàng từ bỏ túi ni lông chuyển sang sử dụng túi thân thiện với môi trường, kể cả khi siêu thị cộng giá bán túi thân thiện vào giá sản phẩm. Tất nhiên, người tiêu dùng chúng tôi chỉ chấp nhận mức tăng vừa phải”. Chị cũng cho hay, túi thân thiện hiện nay khá hiếm, có siêu thị bày ra nhưng nếu khách hàng lấy loại túi đó, họ sẽ tính giá khoảng 6.000 đồng/chiếc. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về túi thân thiện vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nhiều khách mua hàng tại các siêu thị, các chợ khi được hỏi về loại túi này đều có chung câu trả lời: “Chưa bao giờ nghe thấy. Nếu có, chúng tôi sẵn sàng dùng ngay”.


      Việt Nam hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn về túi thân thiện với môi trường nên các doanh nghiệp phải “tự biên, tự diễn” từ khâu đặt tiêu chuẩn cho đến khâu sản xuất. Bên cạnh nỗi lo về hàng nhái, hàng giả, các doanh nghiệp sản xuất loại túi này còn lo loại túi này khó cạnh tranh về giá với túi ni lông. Bản thân các siêu thị, cửa hàng lại băn khoăn khi tìm nhà cung cấp bao bì.


       Từ những khó khăn nêu trên, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, cần có chủ trương lớn của Nhà nước về công tác vận động người dân sử dụng túi thân thiện thay vì để các doanh nghiệp “mạnh ai nấy làm”. Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cũng hi vọng các cơ quan nhà nước thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền về ích lợi của túi tự hủy cho người dân. Ông Sỹ Anh bày tỏ: “Chúng tôi sản xuất túi thân thiện vì nhận thấy lợi ích về môi trường, tuy nhiên, nếu Nhà nước hỗ trợ phần nào về thuế hoặc tạo điều kiện vay vốn thì đóng góp của công ty trong việc bảo vệ môi trường sẽ hiệu quả hơn”. Về vấn đề tiêu chuẩn túi thân thiện, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế TP.HCM cho biết, sẽ đề nghị Tổng cục Đo lường chất lượng công bố sớm, dự kiến ngay trong tháng 11 này. Riêng với đề xuất đánh thuế các loại túi ni lông, ông Khoa cho rằng: “Đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn nên chúng ta cần bàn thảo và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định”.

Hào Vũ
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN