Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, trong mạng lưới thông tin về phòng, chống thiên tai, các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương là lực lượng nòng cốt, có mối quan hệ mật thiết với cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp. Các cơ quan báo chí đã thông tin đa dạng về nội dung và hình thức truyền tải với nhiều loại hình như: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, báo ảnh và các ứng dụng mạng xã hội trong truyền thông. Đợt bão số 4 (bão Noru) vừa qua, các cơ quan thông tấn, báo chí đã khẳng định vai trò của mình trong việc kịp thời đưa tin dự báo, cảnh báo và khuyến cáo kỹ năng để người dân chủ động phòng tránh. Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan báo chí đã góp phần vào hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai từ cấp Trung ương đến địa phương, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão.
Vì vậy, hội thảo có ý nghĩa thiết thực, giúp định hướng cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên những nội dung cần tập trung khai thác đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai; cung cấp một số thông tin mới về định hướng chiến lược, giải pháp cũng như hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống thiên tai mới được ban hành. Hội thảo còn là dịp để đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên – những thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ Phóng viên phòng, chống thiên tai gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, đóng góp những ý kiến, kiến nghị với Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Nhấn mạnh trẻ em là đối tượng chịu nhiều rủi ro do thiên tai gây ra, bà Lương Minh Ngọc, Chuyên gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam, nêu rõ: Thiên tai đã tác động đến nhiều mặt trong cuộc sống với trẻ em như ảnh hưởng tới sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, giáo dục, công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, khuyết tật... Để giảm thiểu rủi ro thiên tai đối với trẻ em, cần tiếp tục thực hiện chương trình ứng phó với các trường hợp khẩn cấp thông qua giáo trình trường học an toàn, cung cấp bộ dụng cụ phát triển trẻ khẩn cấp, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý xã hội sau thiên tai, khám sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính nặng, cung cấp vật tư về nước sạch...
Ngay sau khi cơn bão số 4 và hoàn lưu sau bão qua đi, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam đã triển khai những hành động hỗ trợ khẩn cấp vô cùng kịp thời và hiệu quả. Điển hình là đã kết nối tài trợ 500 thiết bị lọc nước cho người dân chịu thiệt hại do lũ quét tại tỉnh Nghệ An. Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tham gia đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, trực tiếp trao quà, hiện vật đến tận tay người dân gặp khó khăn.
Đề cập đến những nhiệm vụ, giải pháp ứng phó thiên tai trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai) Lê Minh Nhật cho rằng, trước những hình thái thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/6/2022 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân; đa dạng hình thức truyền thông phù hợp từng đối tượng; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng khai thác, tập kết cát sỏi trái phép, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất ven sông, ven biển, gây cản trở thoát lũ, ảnh hưởng đến an toàn đê điều; triển khai Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, phong trào thi đua “Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” gắn xây dựng cộng đồng an toàn với xây dựng nông thôn mới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến truyền thông hướng dẫn cộng đồng kỹ năng ứng phó với một số loại hình thiên tai; thực trạng báo chí Việt Nam với vấn đề truyền thông về thiên tai và phương pháp huy động phương tiện thông tin đại chúng trong phòng, chống thiên tai...