Điện về Háng Bla Ha

Tết này, người dân trong bản Háng Bla Ha, thuộc xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vui lắm. Mọi nhà rủ nhau sắm ti vi, nồi cơm điện, máy xay, máy xát... cho một cái Tết chan hòa ánh điện.

Nằm giữa những ngọn núi cao ở xã Khao Hang, nên đường vào Háng Bla Ha khó đi lắm. Cũng vì đường đi lại rất khó khăn, mà bao năm qua, người dân trong bản phải sống trong cảnh leo lét đèn dầu. 

Người dân bản Háng Bla Ha vừa xem thợ lắp điện, vừa chờ đến lượt đón thợ về gia đình mình.


Háng Bla Ha “thèm” điện
 
6 giờ sáng, Mù Cang Chải mù sương, chúng tôi lên đường đến Háng Bla Ha. Trần Văn Hưng, chàng thợ điện trẻ trong tổ lắp đặt công tơ, đội quản lý vận hành đường dây và trạm Mù Cang Chải, Điện lực Nghĩa Lộ, người được giao “nhiệm vụ” dẫn tôi lên bản, bảo: “Phải đi sớm chị ạ, đường không xa, nhưng khó đi, nên phải đi khá lâu. Mình vào sớm một tý, lắp được cho nhiều hộ dân hơn...”.
 
Từ trung tâm huyện Mù Cang Chải, đi dọc theo tuyến đường lên Lai Châu khoảng 20 km, là đến lối rẽ lên Háng Bla Ha. Con đường nhỏ đến nỗi, tôi cứ ngỡ đây chỉ là một nhánh đường mòn, chứ không nghĩ đó là tuyến đường chính, đi vào một thôn bản có đến vài trăm hộ dân sinh sống. Đường nhỏ, mặt đường ghập ghềnh, khúc khuỷu, lúc lên, lúc xuống. Cả chặng đường, chiếc xe máy hầu như chỉ di chuyển được bằng số 1, thỉnh thoảng lắm mới đi được bằng số 2, mà vẫn nhích từng tý một. Dù chỉ ngồi đằng sau, nhưng nhiều đoạn tôi không dám mở mắt nhìn, vì nếu nhìn thì sẽ không thể bình tĩnh được. 
 
Vật vã ngót một tiếng đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua được chặng đường chỉ khoảng 6 - 7 km. Hưng bảo, hôm nay trời khô ráo, nên đường dễ đi, chứ hôm nào trời mưa, dù chỉ là mưa phùn, thì không thể đi nổi trên đường này, nguy hiểm lắm. 
 
Nằm giữa những ngọn núi cao, Háng Bla Ha được chia thành hai thôn bản, là Háng Bla Ha A (có 122 hộ) và Háng Bla Ha B (có 101 hộ). Do địa hình đồi núi cao, nên những hộ dân nằm rải rác ở ven những sườn núi, xen lẫn giữa thửa ruộng bậc thang, những rừng thảo quả. Từ xa, nhìn thấy màu áo vàng quen thuộc của các “chú” thợ điện, Cú A Páo chạy ra đón tận ngoài đường, tha thiết mời thợ điện đến lắp điện cho mình trước. A Páo bảo: “Nhà mình chuẩn bị sẵn hết rồi, chỉ cần thợ điện đến lắp cho mình thôi, mình đang cần điện quá”. Rồi A Páo khoe: “Biết sắp có điện, nên mình mua sẵn máy xát gạo, máy nghiền ngô rồi, nhờ lắp đặt xong rồi. Giờ chỉ mong có điện để chạy thử máy thôi”. Nói rồi, A Páo dẫn chúng tôi xuống thăm gian nhà vừa được dựng lên. Chiếc máy nghiền, máy xát còn mới tinh, được lắp sẵn trên nền nhà vừa lát xi măng, còn mới nguyên. Ổ điện đã chờ sẵn, chỉ còn chờ thợ điện đến đóng điện. 

Có điện anh Súa đã sắm máy xát về dùng.


Trong lúc Hưng và Giang còn đang lắp cho A Páo, những người hàng xóm trong bản xúm đến xem, ai cũng háo hức, tò mò xem lắp điện như thế nào, vừa xem vừa chờ đến lượt nhà mình. Từ cột này sang cột khác, từ nhà này sang nhà khác, thợ điện đến đâu, bà con lại đi theo đến đấy, cứ như đi xem hội. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Nguyễn Duy Hưng, cậu thợ điện trẻ bảo: “Ở đây thế đấy chị ạ. Lần nào chúng em đến lắp, các bác, các chú cũng đi xem như thế. Có bác còn đi cùng với chúng em từ sáng đến tối, vừa để xem chúng em lắp điện, vừa chờ đến lượt nhà mình luôn, vì họ mong điện quá. Nhiều khi mọi người đi xem đông quá, chúng em không dám nghỉ ăn trưa, làm thông tầm đến tối luôn, để bà con đỡ phải đợi lâu”. Tôi hỏi: “Nhưng không ăn thế thì mệt lắm, nhỡ ốm thì sao?”. Hưng bảo: “Nhưng cũng khó chị ạ, trên này không có hàng quán, muốn ăn phải vào nấu nhờ nhà dân, mất nhiều thời gian lắm, để các bác lớn tuổi phải chờ lâu, chúng em ái ngại lắm, nên thường bảo nhau làm cố”. 
 
Ông Lý A Chờ, Phó bí thư thường trực xã Khao Mang cho biết, xã Khao Mang có 10 thôn bản, nằm rải rác trên địa bàn rộng. Ngoài khu trung tâm xã và một bản nằm bên đường quốc lộ, các thôn bản còn lại đều ở trên núi cao, giao thông đi lại khó khăn. Chính vì vậy mà việc đưa điện đến các thôn bản rất khó khăn. Tính đến hết năm 2016, khi điện lưới quốc gia phủ tới 2 bản Háng Bla Ha A và Háng Bla Ha B, thì Khao Mang vẫn còn 2 thôn bản nữa, là Tùa Mả Páng (70 hộ) và bản Páo Sơ Dào (hơn 50 hộ) là chưa có điện. 
 
Tính đến hết năm 2016, toàn huyện Mù Cang Chải còn 37 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia. Trong đó, xã Nậm Có ở xa nhất, cách trung tâm huyện 70 km, là xã còn nhiều thôn bản chưa có điện lưới nhất (7 thôn bản). Theo đề án dự kiến đến năm 2020, điện lưới quốc gia sẽ đến 100% các thôn bản trong huyện Mù Cang Chải, ông Bùi Quang Tùng, Phó Giám đốc Điện lực Nghĩa Lộ, phụ trách Điện lực huyện Mù Cang Chải cho biết. 
 
Tết này, bản mình vui rồi  
 
Nhà Vàng A Súa ký hợp đồng lắp điện sớm nhất, nên là một trong những hộ gia đình được lắp trước những hộ khác trong bản. Từ ngày có điện, anh Vàng A Súa xếp ngay chiếc cối đá vào một góc sân. Anh Súa bảo: “Mấy hôm nay nhàn rồi! Mấy hôm trước, ngày nào đi nương về mình cũng phải xay ngô bằng cối đá, rồi lại phải băm rau lợn, vừa mệt, mà lại được ít lắm”. Tôi hỏi: “Sao anh không mang xuống xã nghiền”, A Súa bảo: “Từ đây xuống xã đường đi khó, chở không được nhiều, đi lại nguy hiểm. Mà mỗi lần đi mất vài tiếng, vất vả lắm. Giờ bản mình có điện rồi, có máy nghiền, máy xát ngay trong bản, mình đi nghiền thuê, đỡ vất vả hơn, nên mình vui lắm”. 

Có điện, đời sống của bà con ở Háng Bla Ha đỡ vất vả hơn.


Vàng A Súa kể, ngày trước chưa có điện, ăn cơm xong tối chỉ 7 - 8 giờ là phải đi ngủ rồi, vì trời tối cũng không biết làm gì. Con thì phải học bài bằng đèn dầu, khổ lắm. Giờ điện có rồi, tối có thể xem tivi, nghe đài, không phải đi ngủ sớm. Anh em đến nhà nhau chơi cũng đỡ hơn. Còn anh Vàng A Hồng thì bày tỏ: “Có điện thì thích rồi. Nhà mình mới mua được máy thái rau lợn thôi. Mình sẽ phấn đấu từ nay đến Tết mua nồi cơm điện, ấm siêu tốc về dùng. Bao giờ có điều kiện hơn, mình sẽ mua tivi, tủ lạnh...”. 
 
Niềm vui của anh Súa, anh Hồng, anh Páo, cũng là niềm vui chung của người dân trong thôn. Nhưng với thầy giáo Lý A Chầu, nhà ở bản Háng Bla Ha A, giáo viên dạy ở điểm trường Háng Bla Ha, thì niềm vui này còn được nhân đôi. 
 
Thầy giáo Lý A Chầu khoe: “Bản Háng Bla Ha A được lắp điện trước bên Háng Bla Ha B, nên mình dùng điện được hơn 1 tháng rồi. Mình mong điện lâu lắm rồi. Có điện, học sinh của mình không phải học bài trong ánh đèn dầu, mình cũng được soạn bài dưới ánh điện, nên không còn lo hại mắt nữa”. Thầy Lý A Chầu kể, hồi chưa có điện, Háng Bla Ha khổ lắm. Muốn làm gì cũng khó khăn. Ngày đi dạy học, tối về xay ngô, băm rau rừng để nuôi con lợn, con gà, mệt lắm. Giờ có điện, máy nó làm hộ hết, mình không phải làm nữa, vừa khỏe người, lại có nhiều thời gian để soạn bài, đọc thêm tài liệu giúp mình giảng bài, buổi tối còn được xem thời sự, xem phim... Tết này, bản mình sẽ vui lắm!”, thầy Lý A Chầu phấn khởi nói. 
Bài và ảnh: Phương Lan
 Gần 1.000 hộ vùng xa ở Đắk Lắk có điện lưới quốc gia đón Tết
Gần 1.000 hộ vùng xa ở Đắk Lắk có điện lưới quốc gia đón Tết

Ngày 23/1, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã đóng điện đưa điện lưới quốc gia về phục vụ sản xuất, đời sống cho gần 1.000 hộ đồng bào các dân tộc ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các huyện Ea Kar, M’Đrắk, Ea Súp, Krông Bông và Krông Năng đúng vào dịp đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN