Điểm thả cá cầu Long Biên ‘nói không’ với túi nilon

“Thả cá đừng thả túi nilon” - thông điệp mà các tình nguyện viên của Nhóm cá chép muốn gửi đến người dân dịp Tết ông Công, ông Táo qua nhiều năm đã thực sự đi vào cuộc sống. Điểm thả cá cầu Long Biên năm nay đã không còn hiện tượng túi nilon.

Tục thả cá ngày ông Công, ông Táo là tục lệ đẹp của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, những chiếc túi nilon tiện lợi đựng cá đang góp phần hủy hoại cảnh quan và môi trường các lòng sông, hồ trong thành phố. Trước tình trạng xả rác bừa bãi của người dân tại nhiều sông hồ trên địa bàn thủ đô, các tình nguyện viên có mặt từ nhiều ngày nay để hướng dẫn người dân thả cá cũng như bảo vệ cảnh quan môi trường.

Các bạn tình nguyện viên hướng dẫn cho người dân cách thức thả cá, thả tro hương thuận tiện nhất.

Theo các bạn tình nguyện viên, hơn 70 thành viên Nhóm cá chép sẽ có mặt tại cầu Long Biên và Hồ Tây, 2 “điểm nóng” thả cá thả cả túi nilon trên địa bàn thành phố.

Hoạt động này diễn ra từ ngày 18 tháng Chạp, các tình nguyện viên có mặt tại các hồ, các cầu trên sông Hồng để hỗ trợ người dân thả cá, đặc biệt là tuyên truyền không thả túi nilon; thu gom và phân loại đồ thờ cúng.

Tiếp nhận tro hương đem thả giúp người dân. Các sinh viên đã phát huy trí sáng tạo của mình và tìm ra cách giúp người dân tiễn ông Công ông Táo một cách độc đáo.

Hôm nay, đúng ngày ông Công, ông Táo, nhóm đã tập trung tới hơn 40 người ở riêng địa bàn cầu Long Biên và 2 đầu cầu Chương Dương để hỗ trợ người dân thả tro ban thờ và cá chép xuống sông Hồng.




Đặc biệt, khác với mọi năm, dù có biện pháp tuyên truyền, nhưng do không có cách nào ngoài cách thả cá từ cao trên thành cầu, nên lượng túi nilon và rác thải thu gom được vẫn không triệt để; năm nay, để giúp người dân thả được cá chép mà không thả túi nilon xuống sông Hồng, nhóm sinh viên tình nguyện của các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội có tên “Nhóm cá chép ”đã có sáng kiến chuyển cá chép vào các thùng nước, nhẹ nhàng dùng dây đưa xuống sát lòng sông mới nghiêng thùng thả cá để đảm bảo cá chép sống. Nhóm sinh viên đứng dưới sẽ giúp người dân thả tro hương xuống mép nước. 

Đồ thờ cúng sẽ được các bạn tiếp nhận, đốt hóa và đem thả tro xuống lòng sông theo yêu cầu của người dân.

Một lượng túi nilon lớn được các bạn thu gom lại trên thành cầu để mặt sông Hồng có thể êm đềm trôi qua ngày "cao điểm".

“Công nghệ” độc đáo này ngay lập tức phát huy hiệu quả. Rất đông người dân đi thả cá, thả tro năm cũ đều nhờ các bạn giúp đỡ. Dù đã tin cậy “gửi” những chú cá chép vàng cho các bạn trẻ, người dân vẫn kiên nhẫn chờ xem đến khi những chú cá chép của mình tới lúc “hạ cánh” xuống dòng sông, hòa vào làn nước để làm nhiệm vụ chở ông Công ông Táo lên thiên đình để báo cáo thành tích một năm cũ và mang về một năm hanh thông phía trước. Người dân cũng có thể tự tay dòng dây thả cá cho thỏa tâm niệm gửi gắm dịp cuối năm.

Hỗ trợ người dân đưa đồ thờ cúng xuống chân cầu Long Biên để đốt hóa và thả tro.


“Công nghệ” này ngay lập tức phát huy hiệu quả, lượng túi nilon thu gom được theo đó cũng nhiều hơn những năm trước. Dù vậy, vẫn có người dân tự ý thả tro từ thành cầu xuống dưới khiến nhiều bạn sinh viên tình nguyện đã bị tro hương rơi ngập xuống đầu. Những lúc như thế, các bạn chỉ còn biết nhìn nhau cười trừ, phủi sạch rồi lại tiếp tục công việc của mình.

Bạn Ngân Hằng chia sẻ về hoạt động của nhóm tình nguyện viên:



Đứng giữa lòng cầu Long Biên, giữa gió rét của Hà Nội những ngày tháng Chạp; lại thấy các bạn tíu tít chạy sang giúp người dân thả cả, hướng dẫn người dân bỏ tro hương thế nào cho đúng hay thậm chí bê đỡ ban thờ cũ của người dân để xuống thành cầu hóa tro và đem thả mới thấy thực sự xúc động.

Nét đẹp của Hà Nội, của cầu Long Biên, của tình người ngày Tết đến Xuân về càng thêm thắm đượm. Một năm mới, chắc chắn sẽ thêm ấm tình với tấm lòng của các bạn học sinh, sinh viên tình nguyện hôm nay.

Lê Sơn
Độc đáo ‘công nghệ’ giúp dân thả cá chép từ cầu Long Biên
Độc đáo ‘công nghệ’ giúp dân thả cá chép từ cầu Long Biên

Nhiều năm qua, các bạn tình nguyện viên của các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội có tên “Nhóm cá chép” đã gắn bó với thông điệp “Thả cá đừng thả túi nilong”. Năm nay, các bạn đã có thêm sáng kiến đưa công nghệ “thả cá chép” độc đáo giúp những việc làm góp phần bảo vệ môi trường của mình hiệu quả hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN