“Điểm Internet Thanh niên” - món quà ý nghĩa với học sinh các huyện nghèo

Ngay trong ngày đầu tiên của năm học mới, có tới 40 trường học của 40/62 huyện nghèo của cả nước đã được VNPT và Trung ương Đoàn trao tặng một món quà đầy ý nghĩa. Đó là “Điểm Internet Thanh niên”, một điểm phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật, tin học cho thanh thiếu niên những huyện miền núi, vùng sâu vùng xa.

Đã đến huyện nghèo vùng cao

Ðứng từ Trường THCS La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, cô bé Lý Thị Nhung chỉ cho tôi ngôi nhà của mình ở phía dãy núi xa xa kia. Hàng ngày, cô bé thức dậy từ sáu giờ sáng để trèo từ đó sang đây học chữ. Cô bé kể, cả lớp có 36 bạn nhưng chưa bạn nào biết đến máy tính. Cái từ "in-tơ-nét" với Nhung cũng chỉ mới nghe nói mà chưa hình dung được nó là gì. Khi tôi hỏi rằng, sau khi Internet được lắp ở trường, Nhung sẽ làm gì với nó, mắt cô bé sáng lên và giọng hồn nhiên: "Em sẽ làm những việc chưa từng được làm". Có "nét", em có thể tìm những thông tin để giúp bố mẹ làm giàu cho quê mình...

Kế hoạch của cô bé Lý Thị Nhung đã có cơ hội được thực hiện bởi ngay trong ngày khai giảng năm học mới 2011-2012, Trường THCS La Pán Tẩn đã được VNPT và Trung ương Đoàn trao tặng một phòng máy tính với tên gọi “Điểm Internet Thanh niên”.

Thầy giáo Phạm Tiến Quảng – Hiệu trưởng Trường THCS La Pán Tẩn xúc động, “Đây thực sự là một năm rất đặc biệt đối với thầy và trò nhà trường. Đây là bước khởi đầu có ý nghĩa lớn để tin học, Internet có điều kiện phát triển tại vùng cao khó khăn như Mù Cang Chải”. Ngoài phục vụ học sinh của trường, “Điểm Internet Thanh niên” này còn phục vụ cho khoảng 1.000 thanh niên trong bán kính 4 km quanh trường.

“Điểm Internet Thanh niên” tại Trường THCS Quang Hiến, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa.


Ngay trong buổi sáng của ngày tựu trường và “Internet Thanh niên” chính thức hoạt động, sự xuất hiện của những chiếc máy vi tính còn nồng mùi nhựa mới được kết nối Internet đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của các em học sinh. Những đôi mắt trong veo bỡ ngỡ, tò mò khi đứng trước “cái màn hình” đang hiển thị vô số dòng thông tin, hình ảnh đầy màu sắc.

Em Giàng A Thanh, học sinh lớp 8 không giấu được hồi hộp “Nhìn máy vi tính thích thật. Có thể bấm vào xem những cái gì mình thích, học được tin học. Chiếc vi tính này khác hẳn chiếc ti vi ở nhà vì nó có thể đánh được chữ, vào mạng Internet được, chứ ti vi chỉ để xem phim thôi”.

Cũng như Thanh, em Lý Thị Nùng – học sinh lớp 7 – vừa đọc sách tìm hiểu kiến thức cơ bản về máy tính và Internet, vừa chờ đến lượt mình được chạm vào bàn phím, con chuột. “Em nghe các thầy cô kể, trong máy tính ấy có nhiều kiến thức hay, nhiều nội dung hấp dẫn. Các thầy cô sẽ hướng dẫn chúng em biết tìm hiểu kiến thức từ máy tính, biết giải trí lành mạnh và biết dùng máy tính phục vụ cho việc học của mình”.

Đưa bàn tay nhỏ di chuyển “chuột” máy tính dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Trọng Tấn, 1 trong 6 giáo viên của trường THCS La Pán Tẩn có khả năng sử dụng Internet được giao nhiệm vụ hướng dẫn truy cập Internet, em Hảng Thị Chư, học sinh lớp 5C, nhà ở bản Tả Chí Lừ rụt rè tập thao tác, thỉnh thoảng cười tủm khi thấy mình có thể… điều khiển được “cái mũi tên” trên màn hình. Cùng đó, ở những chiếc máy tính khác cũng có đến vài ba em học sinh ở đủ các khối lớp với ánh mắt ngơ ngác hết chăm chú ngắm bàn phím với những cái chữ, con số đều chằn chặn rồi lại say sưa quan sát màn hình LCD hiển thị thông tin.

Sẽ đến tận xã nghèo

Cùng với trường THCS La Pán Tẩn, trong tuần lễ khai giảng năm học mới, 40 “Điểm Interner Thanh niên” được khai trương tại 40 trường học thuộc 40 huyện nghèo trong tổng số 62 huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước nằm trong Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 12/2011, những “Điểm Internet Thanh niên” còn lại sẽ được đưa vào hoạt động.

Mỗi “Điểm Internet Thanh niên” được trang bị đồng bộ, gồm 6 bộ máy tính, 6 bộ bàn ghế, 1 máy in, các thiết bị kết nối mạng Internet, giáo trình giảng dạy và các điều kiện đảm bảo khác... Các “Điểm Internet Thanh niên” sẽ cung cấp các tiện ích như phổ cập tin học và Internet, thư viện điện tử và là điểm phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật, điểm truy cập Internet, đồng thời là điểm sinh hoạt thanh thiếu nhi và khai thác một số dịch vụ khác.

Trong khi các đại lý Internet ở các thành phố lớn đang phải rời xa trường học ngoài 200 m vì quá nhiều học sinh trốn học chơi game, thì tại 62 huyện nghèo, các “Điểm Internet Thanh niên” lại được đặt vào trong trường học như một quy định bắt buộc. Thoạt nghe thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng nếu phân tích cho cùng sẽ thấy được hiệu quả "nhiều trong một" của dự án này. Việc quản lý “Điểm Internet Thanh niên” do Ban Giám hiệu, Đoàn trường, Đoàn xã phối hợp thực hiện. Lại được đặt trong trường học nên nội dung truy cập sẽ được giám sát rất chặt chẽ, sẽ không có chuyện học sinh chơi điện tử trong giờ học, và càng không có chuyện thanh niên coi đây là một điểm tụ tập để chơi game.

Không chỉ hỗ trợ các trang thiết bị, đường truyền Internet, và đảm bảo việc bảo trì, sửa chữa máy móc trong quá trình sử dụng, VNPT cũng đã biên soạn một bộ giáo trình, các bài giảng trực tuyến (e-learning) và các tài liệu hướng dẫn sử dụng tin học căn bản và Internet cho các “Điểm Internet Thanh niên”. Trung ương Đoàn chịu trách nhiệm tập huấn lực lượng tình nguyện viên nòng cốt, xây dựng quy chế tổ chức và sử dụng điểm Internet, kiểm tra đánh giá hiệu quả sử dụng điểm Internet…

Sau khi 62 “Điểm Internet Thanh niên” triển khai một năm, VNPT và Trung ương Ðoàn sẽ tổng kết và đánh giá kết quả của dự án thí điểm để nhân rộng. Đại diện Trung ương Đoàn cho biết: “Có tới 500 xã nghèo trong 62 huyện nghèo của 20 tỉnh cần Internet. Chúng tôi đang hướng tới việc hỗ trợ mỗi xã nghèo một “Điểm Internet Thanh niên”, nếu mô hình này hoạt động tốt".


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN