Dịch sởi ở Hà Nội: Đã 'giảm nhiệt' nhưng không được chủ quan

Khi "đỉnh" dịch sởi đã đi qua, nhìn lại con số 1.642 bệnh nhân sởi, trong đó 63 người đã tử vong liên quan đến sởi (14 người tử vong trực tiếp do sởi) trên địa bàn Hà Nội khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Ngành Y tế thành phố đã nêu rõ: 88,5% số người mắc sởi trên địa bàn do chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm không đầy đủ. Điều này cho thấy việc tiêm phòng sởi là yếu tố quan trọng nhất, là mấu chốt để phòng, chống bệnh sởi.

Tiêm phòng sởi cho trẻ tại phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


* Nhiều phụ huynh chủ quan


Những năm qua, Hà Nội luôn là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng sởi đạt cao, từ 95% trở lên, thậm chí năm 1998 còn đạt 99%. Hiệu quả từ việc tiêm vắc xin giúp ngành y tế khống chế bệnh sởi trong suốt 3 năm qua.

Tuy nhiên, từ khi xảy ra một số trường hợp tai biến sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem, tỷ lệ tiêm phòng tại Hà Nội giảm xuống, chỉ còn 94,88% và đó là một trong số nguyên nhân khiến bệnh sởi "tái xuất" trong năm nay.

Nhiều phụ huynh đã chủ quan cho rằng, sởi là căn bệnh thông thường, không gây nguy hiểm nên không đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Vì nhiều lý do như bận công việc, con cái hay bị ốm đau nên các bậc phụ huynh "lừng khừng" chưa đưa con đi tiêm chủng hoặc e ngại trước những rủi ro có thể xảy ra từ việc tiêm chủng nên không đưa con đi tiêm... Đến khi con mắc sởi, phụ huynh mới "cuống quýt" chạy thẳng lên bệnh viện tuyến trên, điều trị cho con trong tình trạng bệnh viện quá tải, dẫn đến lây chéo các bệnh khác. Nhiều trẻ đã tử vong do sơ suất của bố mẹ.

Do không chủ động tiêm phòng cho con em từ trước, khi bệnh sởi bùng phát trên diện rộng, nhiều gia đình mới đưa trẻ đi tiêm dẫn đến quá tải tại nhiều điểm tiêm chủng trên địa bàn. Các điểm tiêm phục vụ không kịp, còn người dân thì phải chờ đợi, thậm chí đi lại hai, ba lần mới được tiêm phòng.

* Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu

Trước tình hình bệnh sởi bùng phát trên diện rộng, ngành Y tế Hà Nội đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, cụ thể vẫn còn 2 – 5% số trẻ trong diện tiêm chủng không được tiêm chủng; hiệu lực bảo vệ của vắc xin tiêm chủng cũng mới đạt được 90 – 95%; dân số lớn, mật độ dân cư đông đúc, khối cảm thụ còn nhiều; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ em dưới 2 tuổi thấp, trẻ đi tiêm muộn do không được gia đình đưa đi tiêm chủng vì e ngại tai biến sau tiêm chủng.

Tỷ lệ hoãn tiêm nhiều do cán bộ y tế lo ngại về an toàn tiêm chủng nên quá thận trọng trong chỉ định tiêm chủng; có sự khác biệt giữa lịch tiêm chủng dịch vụ và miễn phí (9 tháng đối với tiêm chủng mở rộng và 12 tháng với tiêm chủng dịch vụ, người dân chờ đến lịch tiêm chủng dịch vụ); tiêm chủng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Quản lý đối tượng tiêm chủng khó khăn do biến động dân cư, người dân không đăng ký, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức, cán bộ y tế không muốn làm công tác tiêm chủng mở rộng do áp lực nhiều…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, bệnh sởi lây qua đường hô hấp, mức độ lây lan cao, do vậy tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu và duy nhất để phòng bệnh này. Tuy nhiên, để công tác tiêm phòng đạt kết quả cao cần phụ thuộc vào ý thức phòng bệnh cho con và phòng bệnh cho cộng đồng của gia đình có trẻ nhỏ và xã hội. Đặc biệt sự vào cuộc của cán bộ y tế trong việc rà soát, nắm chắc, vận động đối tượng ra tiêm phòng, đồng thời tham mưu cho các cấp chính quyền để tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng.

* Tiếp tục khống chế dịch

Được sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền từ thành phố xuống cơ sở, hoạt động phòng, chống dịch được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, đến nay, tình hình dịch sởi trên địa bàn Hà Nội đã giảm rõ rệt.

Từ đầu năm đến ngày 20/5, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.642 trường hợp mắc sởi, phân bố rải rác ở 390/584 xã, phường của 30 quận, huyện. Trong đó 63 trường hợp tử vong liên quan đến sởi (14 người tử vong trực tiếp do sởi).

Điều đáng mừng là đến ngày 26/5, trên địa bàn có 323/545 (chiếm 59,3%) xã, phường, thị trấn đã qua 21 ngày không có bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi mới, số bệnh nhân vào viện giảm hẳn. Từ ngày 1/5 đến nay, không có bệnh nhân tử vong do sởi. Tuy nhiên, điều này cũng chưa thể khẳng định Hà Nội đã dập tắt dịch sởi vào thời điểm này.

Không chủ quan, lơi lỏng trong công tác phòng chống dịch sởi, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các Trung tâm Y tế đặc biệt lưu ý đối với những trẻ mắc sởi mới được xuất viện về nhà. Cần theo dõi, giám sát, tư vấn cho gia đình tránh để trẻ tiếp xúc với trẻ bị sởi và đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Thực tế có trẻ bị sởi sau khi được xuất viện lại phải nhập viện với bệnh viêm phổi nặng dẫn đến tử vong.

Theo ông Lê Hưng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa - một trong số các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân sởi nhiều nhất của Hà Nội, cho biết: Hiện nay, tại cộng đồng, các ca sởi mắc mới giảm đáng kể nhưng bệnh viện là nơi “đuôi dịch” vẫn phải tập trung cao độ về nhân lực, trang thiết bị, đặc biệt vấn đề cách ly, chống lây chéo phải thực hiện hết sức nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến bệnh, không được xem nhẹ và chủ quan, tránh xảy ra những biến chứng đáng tiếc. Tại bệnh viện Đống Đa, dù chỉ còn 1-2 bệnh nhân sởi đến điều trị, bệnh viện vẫn phải thực hiện tốt việc cách ly, tránh lây nhiễm chéo.

Để khống chế dịch sởi, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thành phố Hà Nội đã đầu tư 75 tỷ đồng, tập trung dập dịch đúng thời điểm dịch cao trào, ngăn không cho dịch bùng phát trên diện rộng.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch của thành phố Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đã bày tỏ sự lạc quan: Hà Nội có thể đã “thở phào một chút” vì sự nỗ lực phòng chống dịch sởi đã đem lại kết quả. Công tác phòng chống bệnh sởi đang tiến dần về đích là dập hẳn bệnh sởi, không còn ca mắc mới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng lưu ý, dịch sởi đã giảm mạnh nhưng hiện vẫn còn bệnh nhân nặng, người chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Do đó, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp khống chế dịch. Đặc biệt rút kinh nghiệm từ dịch sởi, các bệnh viện phải đề xuất các phương án phân tuyến, phân luồng để tránh lây chéo đối với các dịch bệnh khác.


Tuyết Mai

Tiêm vắcxin phòng sởi: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Tiêm vắcxin phòng sởi: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

88,5% số trường hợp mắc bệnh sởi tại Hà Nội chưa được tiêm phòng chủng phòng sởi hoặc tiêm không đầy đủ. Điều này cho thấy việc tiêm phòng sởi là yếu tố quan trọng nhất, là vấn đề mấu chốt để chống bệnh sởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN