Dịch sởi diễn biến khó lường

Ngày 8/2, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Dịch bệnh sởi đang có nguy cơ lan rộng và có xu hướng diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do hiện là mùa đông xuân thời tiết lạnh ẩm thuận lợi cho sự phát triển của bệnh; đồng thời do sự gia tăng giao lưu đi lại, tiếp xúc trong thời gian Tết nguyên đán cũng gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.



Điều trị cho bệnh nhi bị sởi tại Bệnh viện nhi trung ương (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN


Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến ngày 5/2, cả nước đã ghi nhận khoảng 621 trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi và một số trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi. Cụ thể tại thành phố Hà Nội (30 trường hợp), Thành phố Hồ Chí Minh (138 trường hợp), tỉnh Yên Bái (253 trường hợp, 1 trường hợp tử vong), Lào Cai (120 trường hợp) và Sơn La (80 trường hợp). Nguyên nhân chủ yếu là do các trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc chưa được tiêm đầy đủ hay đúng lịch.


Trước thực trạng trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có Công văn khẩn số 101/DP-DT (ngày 8/2/2014) gửi giám đốc Sở y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sởi. Cục đề nghị giám đốc Sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch bệnh sởi; tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch theo Hướng dẫn của Bộ Y tế trên địa bàn quản lý nhằm phát hiện sớm, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh. Bên cạnh đó, cần phân tích dịch tễ học, nhận định diễn biến tình hình của dịch bệnh; điều tra về tiền sử tiêm phòng bệnh sởi để kịp thời báo cáo, phản ánh đúng tình hình dịch; xác định nhóm đối tượng có nguy cơ cao, áp dụng các biện pháp khống chế không để dịch bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng. Các trường hợp cần được tư vấn, cách ly, điều trị phù hợp; đặc biệt tránh xảy ra biến chứng gây tử vong.


Sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các Viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur triển khai các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch phù hợp với đặc điểm của địa phương; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắc xin sởi để triển khai kế hoạch tiêm vắc xin sởi bổ sung. Việc tổ chức tiêm vắc xin sởi có thể thực hiện đồng thời với lịch tiêm chủng hàng tháng hoặc được tổ chức vào một ngày riêng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi trong cộng đồng; lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin sởi; chú ý tiêm phòng vắc xin sởi đúng lịch, đủ mũi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng để các bà mẹ hiểu và đưa con đi tiêm chủng.


Sở y tế các tỉnh, thành phố bảo đảm đủ cơ số thuốc, vắc xin sởi và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch ở các tuyến; cấp kinh phí đầy đủ cho việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sởi; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác sẵn sàng phòng chống dịch và chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sởi tại địa phương.



Thu Phương

Ngăn chặn dịch sởi lây lan
Ngăn chặn dịch sởi lây lan

Chỉ trong 8 ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ, một số tỉnh, thành phố phía Bắc đã ghi nhận tới 270 ca mắc sốt phát ban nghi sởi. Tại sao năm nay, dịch sởi “nóng” hơn thường lệ và cần làm gì để hạn chế dịch bệnh lây lan?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN