Dịch COVID-19: Ngày 6/4 thêm 4 ca mắc mới; Thủ tướng chỉ đạo thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội

Ngày 6/4, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca lên 245 trường hợp, trong đó có 1 ca liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Thủ tướng chỉ đạo cần thực hiện nghiêm giãn cách toàn xã hội, không để dịch lây lan trong cộng đồng.

Chuẩn bị kịch bản cho làn sóng bùng phát thứ 2 của dịch bệnh COVID-19

Chiều 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục bàn các giải pháp thúc đẩy thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg và giải quyết một số kiến nghị của các ngành liên quan nâng cao kết quả phòng, chống dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng cũng nêu rõ vấn đề không được chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh đã xảy ra việc tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới.

Nhấn mạnh đến yêu cầu không được chủ quan, "say sưa với chiến thắng bước đầu", Thủ tướng nêu rõ, dịch bệnh vẫn trong giai đoạn nguy hiểm và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với sự bùng phát ở giai đoạn 2 của dịch bệnh. Do đó, để bảo đảm những kết quả đã đạt được, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đều thống nhất phải tiếp tục thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng về giãn cách xã hội.

"Chiến lược phòng, chống hiện nay trong giai đoạn 3 là giãn cách xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch theo phương pháp "khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong"; tích cực chữa trị cho những người mắc bệnh.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng chỉ đạo từ nay đến 15/4, cả hệ thống chính trị, các địa phương, ngành y tế và các đơn vị liên quan cần nắm chắc tình hình, chuẩn bị nhanh các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng bùng phát thứ 2 của dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, Thủ tướng đề nghị cần tìm cho được những ca F0; truy tìm mọi dấu vết 2 ổ dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tăng cường phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở thờ tự, đám đông, các siêu thị, phương tiện công cộng tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm cao.

Thủ tướng một lần nữa chỉ đạo cần thực hiện nghiêm giãn cách toàn xã hội, không để dịch lây lan trong cộng đồng; cho rằng, nếu làm tốt việc này sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam.

Đi liền với đó, các địa phương có dịch xuất hiện cần tăng cường đầu tư đẩy mạnh xét nghiệm cho người dân; thực hiện nghiêm ngăn ngừa lây nhiễm cho các đối tượng công nhân, giám sát việc tuân thủ phòng, chống dịch cho các cơ sở sản xuất. Tăng cường vai trò của người đứng đầu các cơ sở sản xuất như Chỉ thị 16/CT-TTg đã quy định.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có chương trình tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Thủ tướng biểu dương các địa phương bước đầu hỗ trợ người nghèo trên địa bàn.

Cho rằng đại dịch COVID-19 tuy mang đến nhiều thiệt hại, nhất là về kinh tế, việc làm nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, thời điểm này cũng mang đến nhiều cơ hội. Do đó, các ngành, các cấp và người dân cần đẩy mạnh đổi mới phương thức hoạt động, tập trung phát triển các ngành, dịch vụ mới, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, xử lý công việc, tăng cường phát triển vấn đề Chính phủ số, kinh tế số; sản xuất, xuất khẩu hàng hóa y tế dự phòng với các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ.

Song song với phòng, chống dịch, cần chủ động chuẩn bị những giải pháp toàn diện về phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn trong phòng dịch.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi vi phạm về phòng, chống COVID-19

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo về xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.

Nhất là các hành vi vi phạm không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch. Chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch. Đưa tin sai không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội. Tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng. Sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường...

Nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự.

Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành điều tra, xem xét, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự.

Xét nghiệm, cách ly ngay người đến khám có biểu hiện nghi ngờ

Ngày 6/4, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có công điện khẩn số 1889/CĐ- BCĐ gửi các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành và các bệnh viện trực thuộc Bộ về việc tiếp tục tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Chú thích ảnh
Người dân khai báo y tế trước khi làm thủ tục lấy mẫu xét nghiệm tại trạm xét nghiệm nhanh quận Ba Đình. Ảnh: TTXVN phát

Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch. Tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng.

Khẩn trương rà soát việc đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, khám bệnh, cách ly, chuyển tuyến người nghi mắc COVID-19 theo đúng chỉ đạo tại Công văn số 1385/CV-BCĐQG ngày 19/3/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc “rút kinh nghiệm tổ chức phân luồng, cách ly người nghi viêm đường hô hấp…”. Tập huấn và triển khai việc sàng lọc người nghi nhiễm cẩn thận. Bảo đảm tất cả người bệnh, người nhà người bệnh đều phải được mang khẩu trang và vệ sinh tay đúng quy định ngay từ nơi tiếp nhận.

Bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người mắc hoặc nghi mắc COVID-19. Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người mắc COVID-19.

Dựa trên tình hình thực tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí các phòng khám theo nguyên tắc ở khu vực bên ngoài các khối nhà chính, khối nhà nội trú; phòng ngừa tối đa nguy cơ lây nhiễm vào các khu bên trong.

Hà Nội xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm quy định phòng dịch COVID-19

Tính đến 12 giờ, ngày 6/4, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có hàng trăm cá nhân, cơ sở kinh doanh bị xử phạt do không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, UBND quận Cầu Giấy, lực lượng chức năng đã xử lý 39 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, phạt tiền 7,8 triệu đồng.

Bên cạnh đó, quận Cầu Giấy cũng lập biên bản xử lý 7 trường hợp không chấp hành việc ngừng kinh doanh với tổng số tiền phạt 52,5 triệu đồng; xử phạt 5 trường hợp sử dụng phương tiện bày bán sản phẩm không đúng quy định số tiền 7,5 triệu đồng; xử phạt 800.000 đồng đối với 2 trường hợp bán hàng tăng giá; xử phạt 4 trường hợp không đeo găng tay an toàn thực phẩm với tổng số 3 triệu đồng.

Trong khi đó, tại quận Đống Đa, tính từ ngày 31/3 đến ngày 5/4, các đơn vị chức năng đã xử phạt hành chính 218 trường hợp công dân ra đường không tuân thủ đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19. Riêng trong ngày 5/4, quận Đống Đa đã xử phạt 27 cá nhân không tuân thủ quy định này.

Tại quận Hoàn Kiếm, chỉ trong hai ngày 4 và 5/4, Công an quận phối hợp với các đơn vị chức năng đã phát hiện và lập biên bản xử phạt 6 trường hợp không đeo khẩu trang (xử phạt 1,2 triệu đồng); 1 trường hợp cơ sở kinh doanh không chấp hành yêu cầu đóng cửa với mức phạt 7 triệu đồng.

Theo Công an quận Hà Đông, thời gian qua, các đơn vị thuộc Công an quận đã xác minh, xử lý 4 trường hợp loan tin thất thiệt về dịch COVID-19; tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý 63 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; nhắc nhở, xử phạt 4 trường hợp không đóng cửa hàng kinh doanh; xử lý 13 trường hợp cá nhân ra ngoài không có việc cần thiết…

Đáng chú ý là trường hợp 5 thanh niên đi ra đường để... tìm quán game tại phường Văn Quán. Họ đã bị xử phạt hành chính vì ra đường không có lý do cần thiết, mỗi người 200.000 đồng theo điểm a, khoản 11, Điều 11 Nghị định 176/2013 về hành vi “Không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế”.

Bên cạnh việc xử lý các trường hợp không chấp hành quy định cách ly xã hội, lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh việc xử lý các thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.

Ngày 6/4, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, Công an xã La Phù vừa xử phạt hành chính chị Nguyễn Thị N. (sinh năm 1996, trú tại xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) 12,5 triệu đồng vì tung tin thất thiệt trên mạng xã hội....

Phạt 2 triệu đồng đối với trường hợp trốn cách ly y tế

Ngày 6/4, ông Lê Xuân Lành, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với một công dân vì lý do trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế.

Theo đó, công dân bị xử phạt là Võ Văn Thảo (sinh năm 1991, trú thôn Tân Thắng, xã Kỳ Tân), vì đã vi phạm Quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP, về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Được biết, Võ Văn Thảo là trường hợp buộc phải cách ly y tế tại nhà, sau khi đi làm công nhân từ tỉnh Bình Dương trở về quê. Tuy nhiên, ngày 2/4, Thảo đã ra khỏi địa bàn cư trú, đi thắp hương cho bố bạn gái ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh.

Ngay sau khi phát hiện công dân Võ Văn Thảo trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, chính quyền xã Kỳ Tân đã ra quyết định xử phạt hành chính và buộc công dân này nghiêm túc thực hiện việc cách ly y tế theo đúng quy định.

XC/Báo Tin tức
Triển khai gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo đúng đối tượng, tránh bị trục lợi
Triển khai gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo đúng đối tượng, tránh bị trục lợi

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), sẽ có kế hoạch chi tiết triển khai hỗ trợ đối với từng nhóm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, như: Người có công, hưởng chính sách bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo… thông qua danh sách cụ thể giao cho địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN