Di dời người dân phố cổ

Khu phố cổ Hà Nội là trung tâm thương mại và đầu mối giao thương, đồng thời cũng là di tích nổi tiếng của Hà Nội. Tuy nhiên, với áp lực tăng dân số, khu phố cổ đang dần “biến dạng” do tình trạng nhiều nhà cơi nới, lợp tôn. Để bảo tồn khu phố cổ, Hà Nội đang cùng lúc triển khai Đề án giãn dân phố cổ và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ.

 

Phải thấy được quyền lợi của người dân

 

Người dân phố cổ đang phải đối mặt với hạ tầng xuống cấp. Ảnh: Lê Phú

 

Dân số tăng lên, trong khi diện tích giữ nguyên khiến người dân phố cổ phải cơi nới chỗ ở để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Anh Hoàng Quân (phố Hàng Bạc) chia sẻ: “Nhà tôi được xếp hạng nhà cổ và đã xuống cấp, nhưng xin phép tu sửa rất khó, trong khi có tới 4 thế hệ cùng sinh sống, nên gia đình tôi vẫn phải cơi nới với vật liệu nhẹ. Hiện thành phố ra Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ, có những quy định về vật liệu, kiến trúc... Tuy nhiên, nếu muốn người dân tu sửa theo quy chế với những mẫu định sẵn như mô hình ở số nhà 51 Hàng Bạc, theo hướng xã hội hóa, thì cơ chế tài chính hỗ trợ như thế nào? Từ kinh nghiệm của những nhà đã sửa chữa trước đó thì làm theo đúng mẫu cổ ít nhất tốn gấp đôi so với cách cải tạo thông thường như hiện nay. Bên cạnh đó, công khai các thủ tục hành chính trong xây dựng để người dân có thể tiếp cận; tránh tình trạng lợi dụng quy chế này để sinh ra các thủ tục “hành là chính”.


Điểm đáng chú ý trong dự thảo Quy chế là cho phép nâng tầng tại khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp II rộng khoảng 63 ha. Theo đó, người dân được phép nâng lớp ngoài 4 tầng, lớp trong 5 tầng, hiện lớp ngoài sát mặt đường xây 3 tầng, lớp trong 4 tầng (16 m). Ngoài ra, quy chế cũng định hình 5 mẫu kiến trúc đặc trưng theo từng thời kỳ.

“Do lịch sử để lại, nên trong khu phố cổ có những số nhà với cả chục hộ dân sử dụng chung hạ tầng về đường đi, thoát nước, khu vệ sinh. Do đó nếu cải tạo ai sẽ là người chịu trách nhiệm và cơ chế huy động ra sao. Đó là những vấn đề mà người dân quan tâm mà bản quy chế về quản lý quy hoạch kiến trúc phố cổ cần đề cập”, đại diện dân cư khu Hàng Gà cho biết. Theo ý kiến chung, người dân đề nghị Quy chế nên có hai phần, phần cơ quan quản lý thực hiện và phần do dân thực hiện. Trong đó, cần phải làm rõ người dân được gì từ việc thực hiện quy chế, làm thế nào để người dân tự hào là những người đang sống trong khu phố cổ, nhưng cuộc sống vẫn có được sự thoải mái. “Thực tế là người dân phố cổ đang phải đối mặt với hạ tầng xuống cấp, vấn đề nhức nhối từ khu vệ sinh đến thiếu bãi đỗ xe”, một người dân phố cổ cho biết.


Ông Phạm Anh Vũ, Chủ tịch UB MTTQ phường Hàng Gai đề nghị phải đánh giá kỹ hơn với những số nhà có kiến trúc hình ống, trong đó có 18 - 20 hộ dân sinh sống, nhưng chưa được đề cập rõ. Bên cạnh đó là quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, bởi vừa qua có trường hợp được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng đến 9 - 10 tầng, trong khi Dự thảo quy chế yêu cầu chỉ cho phép xây dựng đến 5 tầng.


Có cơ chế đặc thù


Với kinh phí gần 5.000 tỷ đồng, giai đoạn một của đề án giãn dân dự kiến sẽ di dời 1.530 hộ dân từ phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) giai đoạn 2014-2016.

Ông Trần Việt Thắng, Trưởng phòng Thông tin kiến trúc (Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội) thừa nhận, quy chế chưa đưa ra được giải đáp về tài chính trong trường hợp cải tạo hay bảo tồn những ngôi nhà có giá trị và giá trị đặc biệt (khoảng trên 500 căn nhà). Tuy nhiên, trong Quy hoạch phân khu đang được Viện Quy hoạch Hà Nội xây dựng, sẽ có tính toán cụ thể cho các vấn đề hạ tầng.


Khu phố cổ Hà Nội hiện gồm hơn 4.340 biển số nhà. Mỗi số nhà có diện tích trung bình 92 m2, có tới 3 - 4 gia đình sinh sống, diện tích ở chỉ đạt 0,5 - 1,8 m2/người. Trong đó, 63% nhà đã xuống cấp, 12% nhà thuộc diện nguy hiểm, 5% nhà ô nhiễm. Tại khu vực cũng đã xuất hiện nhiều “kiểu nhà lụp xụp” với số lượng lên đến hàng trăm căn. Nhu cầu sửa chữa, cải tạo của người dân là rất lớn nhưng việc xin phép để sửa luôn là rào cản nên hầu hết tự cải tạo “chui” không theo một nguyên mẫu nào khiến không gian kiến trúc phố cổ đang bị phá vỡ.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội cho biết: Quy chế quản lý sẽ khó thực hiện với mật độ dân số khu phố cổ như hiện nay là hơn 84.000 người/km², thuộc loại cao nhất thế giới. Chính vì vậy để quản lý quy hoạch kiến trúc cần đồng thời thực hiện với đề án giãn dân phố cổ.


Thực tế, từ việc trùng tu và chỉnh trang một đoạn phố Tạ Hiện với sự giúp đỡ của thành phố Toulouse (Pháp) cho thấy kinh phí rất lớn. Để trả lại kiến trúc cổ cho 52 m đường (chỉ áp dụng với lớp nhà ngoài mặt phố), kinh phí đã là 15 tỷ đồng. Nếu đem định mức này nhân với diện tích 28 ha của vùng bảo tồn phố cổ, thì phí đầu tư sẽ rất lớn. “Chúng ta làm dự án đó với sự giúp đỡ của Pháp. Và chỉ nên coi đó là mô hình mẫu”, ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết, việc này chỉ thực hiện được thông qua hình thức huy động nguồn kinh phí từ người dân, kêu gọi người dân cùng tham gia đầu tư bảo tồn nhà cổ của mình, tạo điều kiện cho họ thu lợi từ kinh doanh và du lịch... mà Hà Nội đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng đến nay, mô hình này vẫn chưa một lần thành công tại phố cổ Hà Nội.


“Chúng ta không thể chỉ kêu gọi suông mà cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn, đặc trưng của phố cổ là việc hình thành cộng đồng dân cư gắn với từng phố nghề. Tại sao chúng ta không có sự ưu đãi về thuế, hoặc hỗ trợ nguồn vốn cho những trường hợp đang tự bảo tồn ngôi nhà cổ của mình?”, ông Đào Ngọc Nghiêm đặt vấn đề. Cũng theo ông Nghiêm, để bảo tồn không gian kiến trúc phố cổ, Hà Nội cần chú trọng đến vai trò người dân và cộng đồng tại đây bởi hơn ai hết họ là những người sống trong không gian kiến trúc này. Không chỉ yêu cầu người dân có trách nhiệm mà họ phải có quyền lợi trong quá trình bảo tồn phố cổ. Chỉ khi họ thấy quyền lợi thiết thực, họ sẽ cùng tham gia bảo tồn”.

 

Ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội: “Công khai minh bạch chính sách”

Khi thực hiện những dự án tôn tạo di tích, đơn vị chúng tôi cũng đã thuyết phục vài chục hộ dân sống trong di tích này di dời với sự công khai minh bạch chính sách. Trong việc thực hiện đề án giãn dân phố cổ có nội dung ưu tiên cho việc giải phóng mặt bằng của 121 di tích. Hầu hết các di tích này đều bị các hộ dân “nhảy dù” lấn chiếm trong giai đoạn 1954 - 1975, đang trong tình trạng bị xâm phạm nghiêm trọng, thậm chí nhiều kiến trúc đã bị phá hỏng, chỉ còn phế tích. Do đó việc thực hiện di dời cần minh bạch.

 

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở QH-KT: “Tránh tình trạng xin cho”

Ưu tiên đầu tiên là giãn dân phố cổ. Quy chế định hướng cho công tác quy hoạch, công tác quản lý đến từng ô phố, nhận diện được các loại kiến trúc đặc trưng cần bảo vệ. Quy chế quản lý sẽ là công cụ quản lý nhưng rõ ràng để hiệu quả thì người dân phải được lợi gì từ việc thực hiện này thì cơ quan chức năng sớm bổ sung để không lặp lại trường hợp như người dân Đường Lâm. Đây là quy chế rất khó và được mong muốn thực hiện sớm để có công cụ giúp cơ quan quản lý thực hiện công việc tốt hơn và cũng tạo điều kiện cho người dân tiến hành xây dựng, tránh tình trạng xin cho. Đây là quy chế khung làm cơ sở cho cơ quan lập quy hoạch phân khu khu phố cổ.

 

Ông Nguyễn Văn Thiện (phố Hàng Ngang): “Quan tâm lợi ích của dân”

Nếu người dân phố cổ thấy rõ những lợi ích khi thực hiện quy chế thì quy chế sẽ đi vào cuộc sống. Muốn người dân bảo tồn những kiến trúc đặc trưng phố cổ Hà Nội cần có quy định rõ về cách thức thực hiện, trong đó quan trọng nhất là cơ chế tài chính.

 

Xuân Minh

Tưng bừng Đêm hội Trăng rằm phố cổ Hà Nội
Tưng bừng Đêm hội Trăng rằm phố cổ Hà Nội

Tối 18/9, chương trình đêm hội trăng rằm Trung thu phố cổ 2013 do UBND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội tổ chức, đã tưng bừng khai mạc tại khu vực cửa chính chợ Đồng Xuân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN