Di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội thành: Có tâm lý không muốn “về quê”

Một trong những việc trọng tâm, cấp bách của hai trung tâm đô thị lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) năm 2011 và trong cả giai đoạn 2011 – 2015 là phải di dời hàng trăm cơ sở sản xuất, y tế, giáo dục ra khỏi nội thành. Vấn đề này đã được đặt ra từ lâu nhưng do nhiều lý do chủ quan và khách quan, việc này đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Tại sao lại như vậy? Phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với ông Trần Ngọc Chính (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Quy hoạch Việt Nam xung quanh vấn đề này:

Thưa ông, có phải kế hoạch di dời các trường đại học (ĐH), cơ sở y tế ra khỏi nội thành Hà Nội và TP.HCM đang gặp khó khăn? Đó là những khó khăn gì?

Khó khăn lớn nhất của việc thực hiện kế hoạch này là nếu các trường ĐH hay cơ sở y tế chuyển đến cơ sở mới mà cơ sở cũ vẫn không được bán đi hay nhượng lại cho tổ chức khác, để có vốn xây dựng trường, cơ sở y tế mới.

Trong số 62 trường ĐH, CĐ ở Hà Nội, dự kiến có 19 trường phải di dời.


Tại các cuộc họp bàn việc di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội thành Hà Nội, các trường ĐH nêu khá nhiều khó khăn đối với việc di dời khiến dư luận cho rằng, có vẻ các trường không muốn “về quê”, có tâm lý này không, thưa ông?

Phải nói là có tâm lý này. Khi chúng tôi làm việc với hầu hết các trường ĐH, ông thầy nào cũng thế, kể cả giáo viên và các nhà lãnh đạo của trường, đều thể hiện muốn ở lại nội đô.

Sở dĩ các trường không muốn di dời là do ở vị trí hiện tại, việc đi lại của giáo viên thuận lợi hơn, các sinh hoạt hàng ngày cũng đã quen nếp. Nếu phải thay đổi đến nơi làm việc, mà trường mới có thể cách 20, 30 hay 40 km... xa khu trung tâm, thì nhiều người lo ngại là cuộc sống sẽ bị thay đổi.

Có ý kiến cho rằng, để các cơ sở nhanh chóng di dời cần phải giải quyết thỏa đáng “tư tưởng” đánh đổi. Cụ thể là, cán bộ đánh đổi việc đang ở trong nội thành ra ngoại thành phải nhận được cái gì đó “hơn”?

Sau buổi làm việc mới đây giữa Bộ GD&ĐT với Chính phủ về tiêu chí di dời các trường ĐH, CĐ và danh sách các trường phải di dời, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, theo tiêu chí mà Bộ đưa ra, trong số 62 trường ĐH, CĐ ở Hà Nội, dự kiến 19 trường phải di dời toàn bộ và 16 trường phải di dời một phần. Số sinh viên cần di dời khoảng 283.000/478.000 sinh viên.

Đây không phải là sự đánh đổi mà là trách nhiệm công dân. Điều chắc chắn là, các trường ĐH, cơ sở y tế sẽ được xây dựng theo tiêu chí chỗ ăn, học, làm việc tốt hơn vì được xây dựng đồng bộ, quy mô lớn. Trước hết là chỗ ở của giáo viên được đảm bảo rộng hơn, môi trường sống sẽ tập trung thành một làng giáo sư, làng ĐH. Các giáo sư, các thầy giáo có điều kiện làm việc, trao đổi, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Đây sẽ là thành phố của ĐH, đô thị của ĐH.

Hiệp hội Quy hoạch Việt Nam đóng vai trò gì trong cuộc di dời các cơ sở quá tải, gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, thưa ông?

Tới đây, Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hội thảo, mời các chuyên gia về lĩnh vực đô thị, giáo dục, y tế… thảo luận về những nội dung này để có đóng góp cụ thể hơn. Hội sẽ đi đầu trong công tác phản biện xã hội về lĩnh vực này. Chúng tôi sẽ tập trung đội ngũ gồm những chuyên gia giỏi để đóng góp ý kiến thiết thực nhằm làm tốt công tác này. Dứt khoát phải di dời các trường ĐH, cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành để phát triển thành phố theo quy hoạch, đây là việc hết sức cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN