Đèn sao Báo Đáp sẽ sáng mãi

Nằm cách thành phố Nam Định hơn 10km, làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là làng nghề làm đèn ông sao duy nhất và lâu đời ở Việt Nam mỗi độ Trung thu. Đến nơi đây vào những ngày trước rằm tháng tám, không khí nhộn nhịp khắp nơi đã xua tan đi nỗi lo ngại của nhiều người, rằng đèn sao sẽ có một ngày mất chỗ đứng trước sự xâm lấn từ đồ chơi Trung Quốc.


Bên cạnh việc giữ gìn truyền thống, nhiều gia đình cũng rất có ý thức truyền dạy cho lớp trẻ để tiếp tục nối nghề, giữ ánh sáng lung linh đêm rằm từ chiếc đèn ông sao Báo Đáp.


“Chúng tôi không bỏ nghề ông cha”


Làng Báo Đáp lâu nay vốn nổi tiếng với hai nghề thủ công là làm hoa vải và đèn ông sao, thu nhập chính của hầu hết các hộ dân nơi đây cũng từ hai nghề này, nhưng hoa vải được người dân làm quanh năm, còn đèn ông sao chỉ làm “thời vụ” mỗi dịp Trung thu. Tuy vậy, từ mấy chục năm nay, nghề làm đèn ông sao vẫn được duy trì và không hề có dấu hiệu bị “xuống dốc” hay thuyên giảm quá nhiều số hộ theo nghề.


Những chiếc đèn được bày chật lối trong nhà.


Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến nhà ông Vũ Văn Kháng ở xóm 4 – hộ được cho là làm nhiều đèn nhất làng. Bước vào ngõ, chúng tôi thực sự “ngợp” trước từng chồng đèn cao hơn đầu người xếp đầy khắp khoảng sân rộng. Trong nhà, ngoài sân đâu đâu cũng thấy giấy bóng xanh đỏ, những bó đay nhuộm phẩm hồng làm cán nằm la liệt và vô số chiếc đèn dở dang đang đợi được vào khung, kéo diềm… Không khí khẩn trương, luôn tay của từng thành viên trong gia đình báo hiệu một mùa Trung thu bận rộn bởi đèn bán được “đắt hàng”.


Vợ ông vui vẻ cho biết, tới thời điểm này gia đình đã xuất ra hơn 2 vạn chiếc đèn ông sao phục vụ những tỉnh xa như Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, có người còn mua với số lượng lớn để mang bán sang Campuchia, Trung Quốc… “Còn những nơi gần Nam Định như Hà Nội, Hải Phòng thường họ lấy hàng muộn hơn, cách rằm khoảng một, hai tuần”. Mỗi năm, gia đình này bán được từ 7 – 8 vạn chiếc đèn, sau khi trừ chi phí thu về khoảng 50 – 60 triệu đồng.


Theo ông Nguyễn Duy Phúc (xóm 9, thôn Báo Đáp) thì đèn ông sao là món đồ chơi được tiêu thụ phụ thuộc khá nhiều vào… thời tiết: “Những năm gần đến ngày Trung thu vẫn mưa nhiều, dự đoán lượng người đi chơi giảm thì các thương lái sẽ e ngại lấy rút hàng. Như thế đèn chúng tôi làm ra năm trước sẽ phải để bảo quản đến sang năm.


Tới năm sau nhiều hộ gia đình vì còn hàng tồn mà làm ít đi, hoặc lo năm đó lại mưa nên sản xuất có phần cầm chừng, chứ không phải vì đèn ông sao không tiêu thụ được hay quá “lép vế” trước đồ chơi ngoại”. Ông cũng cho biết từ hàng chục năm nay, mỗi năm gia đình ông vẫn xuất bán từ 2 - 3 vạn chiếc đèn, số lượng nếu giảm cũng không đáng kể. Có những năm “cháy hàng”, được giá cao mà cả làng không nhà nào còn đèn để bán.


Tay vẫn thoăn thoắt làm đèn, ông có phần trầm giọng hơn: “Cũng không phủ nhận bây giờ trẻ con có nhiều sự lựa chọn hơn xưa, cạnh tranh cũng nhiều vì đồ chơi trên thị trường nhiều chủng loại đến hoa mắt. Nhưng dù có thế nào, chắc chắn chúng tôi không bao giờ bỏ nghề ông cha”.


Những “ngôi sao nhỏ” của làng sao Báo Đáp


Tới Báo Đáp, hẳn sẽ có nhiều người không ngờ bởi lực lượng nhân công làm ra những chiếc đèn đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ đó hầu hết lại là thanh niên và trẻ em. Có những em nhỏ chỉ mới học lớp 1, lớp 2 nhưng đã ngồi làm đèn cùng bố mẹ, anh chị và tỏ ra rất thuần thục.


Khi được hỏi biết làm đèn từ bao giờ, em Vũ Thị Dung (xóm 4) tâm sự: “Nghề của gia đình nên chúng em cứ lớn lên theo nghề thôi, từ bé em đã biết làm đèn, đến giờ cũng được mười mấy năm rồi”. Làm đèn ông sao chia ra nhiều công đoạn, từ chẻ nứa, buộc khung đến in hoa, phất giấy, dán diềm… Dung cho biết, một buổi em có thể làm 100 - 200 chiếc đèn tùy theo từng công đoạn.


Hai chị em Hoàng Thị Hồng, Hoàng Thị Ánh luôn tay dán diềm đèn.


Thôn Báo Đáp có 9 xóm với gần 1.000 hộ thì có tới hơn 400 hộ làm nghề truyền thống. Trong đó, xóm 4 tập trung các hộ gia đình làm đèn với số lượng nhiều nhất, cả xóm có 80 hộ thì có tới gần 60 hộ làm đèn ông sao. Nghề cha truyền con nối nên cả làng hầu như không ai là không biết làm đèn, trẻ em học làm theo người lớn, tới khi lớn lên được dựng vợ gả chồng vẫn mang theo nghề. Song theo bà Hoàng Cao Phê, một người làm lâu năm ở đây thì gia đình nào muốn duy trì nghề này đòi hỏi phải có nhiều lao động. “Vì neo người thì phải thuê người làm, trong khi đó nếu làm ít thì thu nhập chẳng đáng là bao. Nghề này chủ yếu là lấy công làm lãi thôi”.


Gia đình bà Phê có 5 thành viên thì tất cả đều tham gia làm đèn ông sao, trong đó có ba cô con gái, cô em út nhỏ nhất chỉ mới học lớp hai. Trò chuyện với chúng tôi, hai em Hoàng Thị Hồng, Hoàng Thị Ánh vẫn luôn tay dán giấy, quét hồ. Ánh tự nhiên chia sẻ: “Từ lúc 6, 7 tuổi em đã được bố mẹ dạy làm nghề, tới giờ nếu đầy đủ vật liệu chuẩn bị sẵn thì chỉ năm phút là em làm xong một chiếc rồi. Một ngày mỗi chị em có thể hoàn thiện khoảng 100 chiếc đèn”.


Bà Hoàng Cao Phê (xóm 4) tin nghề làm đèn vẫn sẽ trụ vững.


Làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là làng có nghề làm đèn ông sao nổi tiếng lâu đời. Mỗi năm nơi đây sản xuất ra khoảng 2 triệu chiếc đèn phục vụ khách hàng chơi Tết Trung thu, tiêu thụ khắp nơi trên cả nước. Thu nhập từ sản phẩm thủ công này đã giúp người dân Báo Đáp có cuộc sống khá giả, góp phần gìn giữ nghề truyền thống “độc nhất” không bị mai một.

Ở Báo Đáp, người dân chuẩn bị cho công việc làm đèn bắt đầu từ tháng 3 Âm lịch, và cả làng nhộn nhịp nhất bắt đầu từ tháng 6 – đúng dịp học sinh được nghỉ hè nên số trẻ em tới làm thuê cho các gia đình ở đây khá đông. Không khoán theo số lượng, một ngày công của các em được trả khoảng 50.000 đồng, chủ yếu tới phụ giúp các hộ được khách đặt hàng với số lượng lớn, gấp rút mà gia đình không đủ lao động.


Trẻ em thường được giao làm những công đoạn nhẹ nhàng như in hoa lên giấy bóng, dán diềm, vào khung… nhưng dù ở công đoạn nào thì các em cũng làm rất thành thạo. Đó chính là lớp kế cận đầy sức trẻ của làng nghề, góp phần giữ gìn và phát triển những tinh hoa truyền thống.


Khác hẳn với những món đồ chơi ngoại nhập màu mè, đèn ông sao từ lâu luôn có sức hấp dẫn riêng bởi vẻ đẹp từ sự mộc mạc, đơn giản nhưng vẫn trở nên lung linh kì diệu dưới ánh trăng đêm rằm. Trong sự phát triển hối hả của nhịp sống đô thị với ngày càng nhiều mặt hàng đồ chơi nhập ngoại, đèn sao Báo Đáp vẫn giữ được chỗ đứng trong lòng người dân Việt Nam, là tín hiệu luôn được mong chờ bên cạnh những chiếc bánh nướng, bánh dẻo và mâm ngũ quả mỗi dịp Trung thu đến.


Vượt lên trên giá trị của một món đồ chơi bình thường, những chiếc đèn ông sao Báp Đáp đã trở thành món quà thấm đẫm tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc Việt và chứng minh cho sức sống trường tồn của làng nghề truyền thống.


Bài và ảnh: Hiền Hạnh

Rộn ràng thị trường Tết Trung thu
Rộn ràng thị trường Tết Trung thu

Tết Trung thu đang đến với mọi người, mọi nhà. Ai cũng mong chờ giây phút đoàn viên cùng gia đình, người thân bên mâm cỗ đêm rằm. Bên cạnh những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon, thì các em nhỏ còn háo hức mong chờ những món đồ chơi Trung thu mang đậm giá trị văn hóa truyền thống...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN