Đề xuất sửa điều kiện để doanh nghiệp vay vốn ưu đãi

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có tờ trình đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được tiếp cận tín dụng cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Chú thích ảnh
Trao tiền hỗ trợ cho lao động tự do theo gói 62.000 tỷ đồng. Ảnh: ĐMD

Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình Quyết định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trước đó, khoản 2 của Điều 13 của Quyết định này 9 (về điều kiện với doanh nghiệp được hỗ trợ) quy định chung chung: "Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc".  Điều này khiến doanh nghiệp khó có căn cứ để làm hồ sơ vay vốn vốn trả lương ngừng việc cho người lao động.

Do đó, khoản 2 Điều 13 được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa cụ thể thành: "Doanh thu quý I năm 2020 của doanh nghiệp giảm từ 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019".

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, tới thời điểm này, chưa có hồ sơ doanh nghiệp đề nghị vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động được thực hiện tại hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.

Lý giải tình trạng người lao động khó và chậm tiếp cận được gói hỗ trợ này, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Thời điểm các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát tại Việt Nam nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tương đối nhiều. Tuy nhiên, trong diễn biến thực tế, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 5/2020, tạo điều kiện cho việc mở cửa lại nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp quay trở lại phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, số lượng lao động mất việc làm, ngưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này còn khá ít.

Việc ban hành các chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 42 và Quyết định 15 với mục tiêu hỗ trợ đúng các đối tượng bị ảnh hưởng nhất, giảm sâu thu nhập, tránh hỗ trợ tràn lan, ngăn ngừa tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách nên các tiêu chí, điều kiện đặt ra ban đầu chặt chẽ.

Trong thực tế các doanh nghiệp còn vốn duy trì, nên vẫn bố trí đảo ca, giãn ca, làm việc bán thời gian nhằm giữ chân người lao động, đồng thời doanh nghiệp vẫn bố trí kinh phí và thỏa thuận trả lương giãn việc, ngừng việc cho người lao động.

Doanh nghiệp khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ do phải chứng minh tài chính nên khiến cho doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động.

Do đó, trong bối cảnh dịch COVID- 19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp trong nước cũng đã sử dụng hết nguồn lực dự trữ, đồng thời, trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội) nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung điều kiện doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động theo hướng phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay.

 

XC/Báo Tin tức
Đề xuất 2 phương án lương tối thiểu vùng năm 2021
Đề xuất 2 phương án lương tối thiểu vùng năm 2021

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ nhất năm 2020 để bàn về phương hướng tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Có hai phương án được đưa ra để thảo luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN