Đề xuất giảm thời gian đào tạo nghề công chứng còn 6 tháng

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng cho biết dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có nhiều điểm mới như giới hạn độ tuổi công chứng viên, công chứng điện tử, giảm thời gian đào tạo nghề... nhằm tăng cường quản lý Nhà nước và phát triển nghề công chứng.

Tại buổi họp báo Quý I/2024 của Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng cho biết: Một trong những quy định mới của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) là giảm thời gian đào tạo nghề công chứng.

Theo đó, để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ công chứng viên, dự thảo Luật quy định: Những đối tượng được miễn đào tạo nghề và tham gia bồi dưỡng nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng hiện hành, sẽ tham gia đào tạo nghề nhưng được giảm thời gian đào tạo nghề công chứng từ 12 tháng xuống còn 6 tháng (khoản 3 Điều 9).

Tại Điều 10 dự thảo Luật quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng thống nhất là 12 tháng để giúp cho các đối tượng tập sự đủ thời gian để trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. Đồng thời, dự thảo Luật quy định rõ: Người tập sự hành nghề công chứng phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự, để bảo đảm sự nghiêm túc, thực chất của việc tập sự, tránh tình trạng chỉ ghi danh tập sự. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận mà người đạt yêu cầu kiểm tra không đề nghị bổ nhiệm công chứng viên thì giấy chứng nhận hết hiệu lực.

Để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, dự thảo Luật bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi (Điều 8, Điều 14, Điều 15); đồng thời để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng thì dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Chú thích ảnh
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng.

Một điểm mới khác trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi): Từ Điều 60 đến Điều 63 đã quy định một số vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng. Trên cơ sở các quy định cơ bản này, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế, bao gồm: công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử, để tạo lập văn bản công chứng điện tử; việc công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể; việc cung cấp dịch vụ công chứng điện tử chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy; quy định 02 quy trình gồm công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến.

Thế Đoàn/Báo Tin tức
Thu hồi hơn 10.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng trong 6 tháng qua
Thu hồi hơn 10.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng trong 6 tháng qua

Từ tháng 10/2023 - 3/2024, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là hơn 10.000 tỷ đồng trong 1.177 vụ việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN