Để xe buýt... có văn hóa - Bài 2: Không chen không phải xe buýt

Xe 32 (Giáp Bát - Nhổn) của chúng tôi thuộc tuyến đông khách của xe buýt Hà Nội. Ngoài gần 20 người vừa nhao lên từ bến Cầu Giấy, trên xe cũng đã khá đông hành khách của những bến trước đó. Chính vì vậy, nhìn đâu cũng thấy người và chuyện tìm một chỗ để đứng xem ra đã nan giải, còn ghế ngồi thì hoàn toàn là điều không thể!

 

Toàn cảnh trạm trung chuyển xe buýt tại Cầu Giấy.

Định thần lại, ghìm chân xuống theo tư thế “xuống tấn” như người đồng hành vừa khuyên, chúng tôi bắt đầu quan sát xung quanh. Xe buýt vốn có 2 dãy ghế 2 bên, một hàng ghế có 2 chiếc ghế, nghĩa là số lượng ghế đếm theo cơ học thì cũng không phải quá ít, nhưng so với số lượng người trên xe thì đúng là ít rồi. Cứ 3 - 4 người ngồi chen nhau trên một hàng ghế. Thậm chí chiếc ghế đơn ở ngay sát cửa vào cũng có tới 2 cô gái đang... ngồi lên đùi nhau. Chẳng phải vì muốn “ tình cảm” gì, đơn giản vì cho đỡ mỏi chân thôi. Và dù chen chúc, dù ngồi ở tư thế bất tiện như vậy, nhưng xem ra những người có ghế vẫn còn may mắn chán so với những người đang phải chồn chân đứng như chúng tôi, tay thì bám chặt lấy bất cứ chỗ nào có thể bám để khỏi ngã, chân thì phải cố len lách để có được chỗ đặt xuống mặt sàn xe... Tả nghe thì ngoa, nhưng sự thật đúng là như thế! Trớ trêu cho một cô bé đứng trước chúng tôi, chẳng còn chỗ nào để bám tay, đành cố níu lấy vạt áo người đứng trước, đôi khi níu chặt quá khiến vạt áo xô ngược ra phía sau, đành bỏ lỏng tay ra một chút. Mặt cô bé đỏ bừng, căng thẳng, phần vì lo ngã, phần vì ngại ngần do cái việc “chẳng giống ai” này.

 

Phụ xe bắt đầu chen xuống thu tiền. Không dễ dàng gì để đi trong cái đám đông vốn đã ken khá chặt này, nhưng “việc phải làm thì vẫn phải làm”. Chưa kể trách nhiệm “dồn toa” khách để cho khách những bến sau còn lên, thế là luôn miệng người phụ xe nhắc nhở: “Anh, chị cho thu tiền vé. Anh chị đứng gọn lại phía cuối xe để tý khách còn lên”. Tất nhiên, đòi hỏi sự tự nguyện lùi lại lúc này là không thể, nhất là khi xe đã đông tới thế, hành khách cứ đứng yên tại chỗ của mình, không ai chịu lùi lại cả. Biện pháp rắn vì vậy cũng bắt đầu được áp dụng. Người phụ xe trợn mắt, hất hàm yêu cầu nhóm chúng tôi lùi lại cuối xe. Cô bạn gái đang nắm vạt áo người phía trước, xem ra bức xúc nên cự lại: “Anh xem ở dưới làm gì còn chỗ đứng, bọn em xuống đó đứng bằng một chân à”. Người phụ xe lạnh lùng nói: “Một chân cũng phải lùi xuống cho người trạm sau còn lên”.

 

Không còn cách nào khác, chúng tôi đành nhích xuống phía cuối xe. Người nọ chen chân vào người kia. Một tay giữ chặt chiếc cặp, một tay cố với lên chỗ tay cầm đã có 3 người cùng bám, cô bạn gái vừa phản ứng lại phụ xe quay sang tôi, cố nói to, át tiếng ồn: “Chị cẩn thận đồ đạc đấy, ôm chặt vào, có gì giá trị thì phải cất thật kỹ, trước Tết em vừa bị móc mất điện thoại trên chuyến này”. Xem ra đây cũng là kinh nghiệm của những hành khách thường xuyên đi xe, vì những người đứng gần chúng tôi xem ra đều cảnh giác lắm. Nhưng có muốn cảnh giác xem ra cũng lại là chuyện “khó”, bởi chen chúc, san sát nhau như thế, làm sao có thể cứ “của mình mình giữ” được, áo người này, túi người kia đều va chạm vào nhau, thậm chí thành chỗ bám của nhau cơ mà!

 

Chiếc xe 32 dừng ở trạm tiếp theo trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy). Lại một cú đánh tay lái “ngổ ngáo” của lái xe để đưa xe vào trạm. Cả xe nghiêng ngả. Hai bên cửa xe mở ra, chỉ lác đác vài người xuống, trong khi lại cả một đám đông ùa lên xe bằng cả cửa trước lẫn cửa sau. Cũng không thể hiểu làm cách nào sàn xe vẫn đủ chỗ cho số người lên, chỉ biết rằng đến lúc này chúng tôi đã đứng bằng một chân đúng theo nghĩa đen.

 

Chiếc xe lại chuyển bánh, mỗi lần lái xe phanh đột ngột, cả đám đông lại nghiêng ngả về phía trước. Còn mỗi lúc xe tăng tốc, lại xô lệch về phía sau. Tôi may mắn bám được vào một chiếc tay cầm cùng 3 người nữa, mà mỗi lần như vậy cũng lao đao lắm mới giữ được thăng bằng. Có những người không tìm được chỗ bám tay, hết đâm sầm vào người này đến người kia, miệng cứ liên tục nói xin lỗi...

 

Nhóm phóng viên

 

Bài cuối: Ý thức ở đâu?

Để xe buýt... có văn hóa - Bài 1: “Cùng bất đắc dĩ” mới đi xe buýt
Để xe buýt... có văn hóa - Bài 1: “Cùng bất đắc dĩ” mới đi xe buýt

Thay vì là phương tiện công cộng thuận tiện, được đông đảo người dân lựa chọn, xe buýt ở Việt Nam chỉ dành cho những ai không có phương tiện đi lại riêng của mình, phải “cùng bất đắc dĩ” bước chân lên cái “chuồng gà khổng lồ”, cái “hung thần đường phố” này...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN