Để trẻ em an toàn khi tham gia mạng - Bài 2: Dù có 'dây an toàn' nhưng trẻ vẫn gặp nguy hiểm

Hiện đã có những quy định rất rõ trong luật pháp để bảo vệ trẻ em và những khuyến cáo, dự án được triển khai để bảo vệ trẻ khi tham gia mạng xã hội nhưng. Nhiều cha mẹ tìm cách để hạn chế những tác hại của mạng xã hội với con cái mình… Nhưng như thế đã đủ?

Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, sau đó là Nghị định 56 được triển khai đưa ra các biện pháp cụ thể để bảo vệ trẻ em ở môi trường mạng, phù hợp với các yếu tố tâm sinh lý, nhận thức và nhu cầu, hoàn cảnh của trẻ em; đồng thời, hạn chế việc trẻ em gặp phải các rủi ro, xâm hại từ môi trường mạng.

Cụ thể, Nghị định số 56 quy định chi tiết hơn Điều 54 của Luật Trẻ em về các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bao gồm: Bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; Truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Các biện pháp an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng; Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật, đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng;ác biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

Đã có những chiến dịch truyền thông để trẻ em hiểu về như thế nào an toàn khi tham gia môi trường mạng. Ảnh: HL.

Theo khảo sát của một số tổ chức quốc tế và UNICEF: Cứ 4 trẻ em sẽ có 1 từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội, cứ 1 trong 3 trẻ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Mỗi ngày có hơn 720 nghìn hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng. Trẻ em dễ bị xâm hại trên môi trường mạng vì trẻ em đang dẫn đầu trong việc tiếp thu và sử dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam.


Nhưng nhiều chuyên gia khẳng định, trẻ em lại có hiểu biết chưa đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) chứ chưa có các chương trình giáo dục chính thống cho nhà trường và gia đình. Do đó, những nguyên nhân này phần nào hạn chế khả năng, hiểu biết của trẻ em và gia đình về các rủi ro trên môi trường mạng.


Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 của Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận được khá nhiều đề nghị tư vấn của trẻ em về các vấn đề mắc phải trong cuộc sống hàng ngày. Khi gọi điện đến tổng đài, tư vấn viên nhanh chóng đưa ra lời khuyên với khách hàng. Như việc ứng xử làm sao với việc được bạn trên mạng rủ đi offline (gặp mặt trên đời thật). Phụ huynh phải làm sao trước những tình huống trên mạng xã hội của con...


Chị Nguyễn Thị Hồng Ngát (phố Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) là một người đã từng gọi điện tới Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhờ tư vấn về việc ứng xử với con trai khi cháu hẹn gặp bạn gái quen trên facebook. Bạn gái này đang sinh sống ở Thừa Thiên Huế. Ban đầu biết chuyện chị Ngát đã thu ipad của con và cấm việc con kết giao với bạn gái qua mạng để tập trung vào việc học. Tuy nhiên, cậu con trai vẫn tìm cách ra quán internet để chat (nói chuyện) với bạn. Sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, cậu muốn gặp bạn gái ngoài đời thực. Chị Ngát rất bối rối vì sự việc ngày càng đi quá xa. “Tôi đã nhận được sự tư vấn của nhân viên tổng đài về việc cần dành thời gian nói chuyện với con. Đồng thời, tôi được giới thiệu vào các trang truyền thông chính thức về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như: www.treem.gov.vn. Tuy nhiên, dành nhiều thời gian cho con bây giờ là việc rất khó. Bởi công việc của tôi thường xuyên phải đi công tác xa nhà”, chị Ngát chia sẻ.


Ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ Truyền thông, Cục Trẻ em - đơn vị quản lý trực tiếp Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho biết: “Theo báo cáo của tư vấn viên, hiện nay Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhận được những cuộc điện thoại từ các trường hợp hỏi về ứng xử bạn bè qua mạng internet, mạng xã hội. Chưa có trường hợp nào Tổng đài phải can thiệp dưới dạng xâm hại trẻ em qua internet và mạng xã hội. Mặt khác, phần mềm xây dựng phân tích các ca tư vấn của tổng đài được xây dựng từ năm 2011. Khi đó, các vấn đề tư vấn cho trẻ em gặp phải rủi ro qua mạng internet, mạng xã hội là chưa có. Do đó những tư vấn với trẻ em, cha mẹ vẫn được xếp vào nhóm ứng xử quan hệ bạn bè, ứng xử giữa cha mẹ và con cái. Hiện tại, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 chưa có thống kê cụ thể về những tư vấn trẻ em, phụ huynh vướng mắc các vấn đề qua internet hay mạng xã hội. Tuy nhiên, thời gian tới, những vấn đề về ứng xử thắc mắc của trẻ em dẫn đến bạo lực, xâm hại qua mạng sẽ được tổng đài bóc tách để làm số liệu thống kê".


Bên cạnh Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, nhiều hoạt động của các tổ chức phi chính phủ đã chung tay trong việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Trung tâm nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng với các đối tác khác nhau đang thực hiện Chương trình SNET – Sử dụng mạng xã hội thông minh và an toàn để bảo vệ trẻ em. Đây là chương trình dài hạn của MSD từ năm 2016 với các hoat động tổng hợp trong việc giáo dục trẻ em các kỹ năng số, hỗ trợ kiến thức cho phụ huynh, nhà trường, kết nối các bên liên quan và vận động chính sách.


Năm 2018, SNET khởi động chiến dịch “Think before you share” cùng với Facebook để hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em “Vì cuộc sống lành mạnh và an toàn của trẻ em trong thế giới công nghệ số” với sự bảo trợ của Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội . Chiến dịch "Think Before You Share" là một phần quan trọng trong công việc giúp cho giới trẻ sử dụng mạng an toàn và đảm bảo rằng họ có những kỹ năng thích hợp để đóng góp tích cực vào việc xây dựng các cộng đồng mạng lành mạnh. Chương trình này được thiết kế để giúp các bạn học sinh, sinh viên phân tích nội dung trên mạng xã hội. Đồng thời, họ biết sử dụng tư duy phản biện và sự thấu cảm hiểu được nội dung đó hình thành quan điểm của họ ra sao. Dự kiến, MSD sẽ tổ chức giáo dục kỹ năng số cho 30,000 học sinh và giáo viên tại 10 tỉnh thành phố khác nhau; đồng thời thực hiện truyền thông xã hội, tiếp cận tới phụ huynh, báo chí và trên 250.000 thanh thiếu niên Việt Nam.


Chủ đề tháng hành động quốc gia năm 2018 là “Vì cuộc sống lành mạnh và an toàn cho trẻ em trong thời đại công nghệ số” với một loạt các hoạt động truyền thông và can thiệp cũng thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.


Một số trường hợp gần đây như nữ sinh trường THPT Hà Nội Amsterdam (Hà Nội) tố anh rể bạo hành đã được báo cáo đường dây nóng Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 kịp thời. Các cơ quan chức năng phối hợp với các tổ chức xã hội xử lý và hỗ trợ rất nhanh để tránh các hậu quả lớn hơn ảnh hưởng đến nữ sinh này.


Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển bền vững (MSD) thì những rủi ro trên môi trường mạng rất đa dạng và khó lường. Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đòi hỏi sự tham gia và trách nhiệm chia sẻ của rất nhiều các bên liên quan khác nhau. Không chỉ các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội bảo vệ trẻ em cần nỗ lực mà còn cần sự chung tay ủng hộ và hành động của cả cộng đồng, phụ huynh, nhà trường, các doanh nghiệp công nghệ và truyền thông.


Theo TS Tâm lý Nguyễn Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện nay chúng ta dễ dàng nhìn thấy các bé mới 4-5 tuổi xem Youtube hay chơi trò chơi điện tử trên mạng. Trẻ em lớn hơn một chút đều có Facebook, tham gia mua sắm, trò chuyện trên mạng với nhiều phần mềm, ứng dụng khác nhau mà các con tự học chứ phụ huynh và giáo viên còn không biết vào thế nào để đăng nhập hay cài đặt. Việc kiểm soát và giảng dạy để hiệu quả đều là các việc rất khó. Nên không phải chỉ trẻ em là người cần học, mà nhà trường và phụ huynh đều cần phải tự trang bị kiến thức cho mình, kỹ năng công nghệ số - bao gồm cả kỹ thuật và hành vi.


Bởi thực tế nhiều gia đình dễ dàng trao cho con các thiết bị công nghệ thông minh mà không đi kèm với kiểm soát. TS BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị các loại stress, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Khi điều trị những bệnh nhân là trẻ em bị rối loạn tâm thần, trầm cảm do mâu thuẫn mạng xã hội, tôi đặc biệt quan tâm tới phụ huynh. Nhiều người trong đó khi được hỏi vì sao con học cấp II đã sắm cho con điện thoại thông minh. Họ trả lời rằng, muốn cho con bằng bạn bằng bè và phục vụ việc con lấy bài tập qua email được dễ dàng. Gia đình cũng nhận thấy con xao nhãng việc học tập nhưng chỉ nhắc nhở”.


“Việc bệnh nhân có khỏi nhanh hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự kết hợp chặt chẽ của bác sĩ – gia đình – bệnh nhân. Nhiều phụ huynh luôn nóng vội khi muốn con khỏi ngay nên đã thất bại ngay trong những ngày, tháng đầu tham gia điều trị”, TS BS Dương Minh Tâm chia sẻ.


Nhìn nhận ở một khía cạnh khác góp phần khiến trẻ em vẫn gặp nguy hiểm khi tham gia mạng xã hội, intrernet chính là, khi sự việc đau lòng xảy đến với trẻ em thì mới có Luật, hành lang pháp lý để bảo vệ. Do đó, có những sự việc không được luật pháp làm rốt ráo khiến người bị tổn thương là trẻ em phải chịu cả cuộc đời sau này. “Tôi hy vọng rằng mạng lưới quốc gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ sớm được ra đời, với các sự phối hợp tổng hợp hiệu quả trong việc ngăn ngừa, ứng phó và can thiệp, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, bà Nguyễn Phương Linh kỳ vọng.


Bài cuối: Đồng hành với trẻ em trong môi trường mạng

Lê Vân/Báo Tin tức
Cảnh giác chiêu trò dùng zalo, facebook lừa bán nữ sinh qua biên giới
Cảnh giác chiêu trò dùng zalo, facebook lừa bán nữ sinh qua biên giới

Thời gian qua, hoạt động của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trên tuyến biên giới các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên… tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN