Đề phòng sâu bệnh

Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Ngọc (ảnh), Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) về các giải pháp cho vụ hè thu năm nay.

Theo dự báo vụ hè thu năm nay, ngành nông nghiệp phải đối phó với nhiều khó khăn như hạn hán, lũ lụt… Vậy Cục sẽ hướng dẫn kỹ thuật như thế nào cho người dân trong việc trồng trọt, thưa ông?

Vì năm nay mùa vụ ngắn nên phải tăng cường sử dụng giống lúa cực ngắn và ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng khá, chống chịu khá với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận. Để thuận lợi cho việc quản lý sâu bệnh hại, mỗi địa phương nên cơ cấu khoảng 4 giống lúa chủ lực và 4-5 giống lúa bổ sung.

Vụ đông xuân năm nay sẽ thu hoạch muộn, nên khoảng cách giữa hai vụ rất ngắn, không đủ thời gian cho rơm rạ phân hủy, cây lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Vì vậy, thu hoạch đến đâu phải làm đất vùi sâu gốc rạ đến đó để hạn chế nguồn sâu bệnh hại lây lan sang lúa hè thu và lúa mùa. Bón lót phân đạm khoảng 2-3 kg/sào Bắc bộ, 3-4 kg/sào Trung bộ để tránh vi sinh vật cạnh tranh với cây lúa trong giai đoạn đầu.

Đối với làm mạ, các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mình để lựa chọn hình thức gieo mạ. Tính toán gieo mạ tập trung thành vùng để dễ quản lý, chăm sóc và phòng trừ rầy.

Tăng cường các biện pháp chăm sóc lúa, áp dụng các biện pháp thâm canh nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa để thu hoạch sớm, tránh bị ngập lụt cuối vụ. Bón phân theo phương châm “nặng đầu, nhẹ cuối”, bón cân đối các yếu tố, chú ý tăng cường bón kali (nhất là với lúa lai), áp dụng các loại phân bón chuyên dùng, phân bón tổng hợp thay cho việc đơn thuần sử dụng một loại phân theo đúng hướng dẫn kỹ thuật để tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Tăng cường sử dụng các chế phẩm hữu cơ vi sinh, phân vi lượng bón qua lá để bổ sung dinh dưỡng, tăng năng suất cây trồng.

Sâu bệnh thường phát triển trong vụ hè thu, xin ông cho biết cần làm gì để hạn chế tình trạng này?

Trong thời gian này, người dân phải thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ các loại sâu bệnh hại nguy hiểm như rầy lưng trắng, rầy nâu, sâu cuối lá, sâu đục thân cuối vụ. Thực hiện nghiêm túc những chỉ dẫn và khuyến cáo của ngành bảo vệ thực vật trong việc phòng trừ sâu bệnh hại, đặc biệt chủ động theo dõi, đối phó với nguy cơ của bệnh lùn sọc đen hại lúa ngay từ đầu.

Về phương thức làm mạ, nên ưu tiên cho mạ dầy xúc, mạ sân để đảm bảo lúa hồi phục nhanh hoặc có thể làm mạ dược theo hình thức gặt sớm một góc ruộng để gieo mạ, song cần chú ý rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen.

Ngoài ra, các địa phương có kế hoạch điều tiết nguồn nước tốt, đảm bảo đủ nước cho gieo cấy, chăm sóc đảm bảo lúa sinh trưởng phát triển tốt và trỗ an toàn. Vùng nào khó khăn, không đủ nước tưới suốt vụ, phải chuyển sang cây trồng khác. Cần kiểm tra độ mặn của nguồn nước tưới không làm ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Hữu Vinh

Chủ động đối phó với thời tiết, sâu bệnh
Chủ động đối phó với thời tiết, sâu bệnh

Vụ hè thu năm nay, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Bắc Trung bộ (BTB) có thể sẽ xảy ra nắng nóng gay gắt kéo dài, đồng thời sẽ xuất hiện mưa lũ sớm gây hại cho sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN