Đề nghị tăng chế tài xử phạt đơn vị cố tình nợ bảo hiểm xã hội

Theo lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh, khi thực hiện các biện pháp thu hồi tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, vẫn có các đơn vị không thực hiện. Thậm chí, nhiều đơn vị cung cấp các số tài khoản xử phạt nhưng tài khoản lại không có tiền.

Chú thích ảnh
Giải quyết chế độ cho người lao động tại BHXH TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, tình hình quan hệ lao động, việc làm và tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố gặp khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp phải giảm lao động do đứt gãy chuỗi sản xuất, suy giảm đơn hàng. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh vẫn có khoảng 2,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội và 8,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (độ bao phủ trên 92% dân số).

Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh phản ánh: "Thời gian qua, Thành phố thực hiện đầy đủ các biện pháp thu hồi tiền chậm đóng bảo hiểm nhưng các đơn vị vẫn không thực hiện. Năm 2023, các cấp TP Hồ Chí Minh ban hành 239 quyết định xử phạt hành chính với tổng số hơn 13 tỉ đồng, nhưng chỉ có hơn 2,2 tỉ đồng được nộp. Khó khăn hơn, đó là thực hiện cưỡng chế hơn 4,4 tỉ đồng nhưng chỉ nộp phạt có 50 triệu, đạt khoảng 1%".

Nguyên nhân là nhiều đơn vị cung cấp các số tài khoản xử phạt nhưng tài khoản không có tiền. Nếu bị yêu cầu cưỡng chế, các đơn vị vi phạm không hợp tác mặc dù còn tiền trong các tài khoản khác.

Ông Dương Anh Đức còn đề nghị bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính với người quản lý, điều hành, đại diện theo pháp luật của đơn vị vi phạm để kiến nghị khởi tố. Thực tế, có đơn vị nợ hàng chục tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội, song chưa truy tố được. Do đó, TP Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ có ý kiến với Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết trường hợp lao động mượn hồ sơ của người khác để tham gia bảo hiểm xã hội.

Lãnh đạo UBND TPố Hồ Chí minh đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung quy định quản lý việc ký hợp đồng lao động. "Một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Các hình thức như ký hợp đồng lao động khoán, cộng tác viên thử việc, ngắt quãng hoặc học việc, chuyển đổi thử việc từ nơi này sang nơi khác ở cùng một doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi xứng đáng, hợp pháp của người lao động. Đề nghị xem xét bổ sung những quy định cụ thể hơn để người lao động có thể tự bảo vệ, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình nếu có tranh chấp xảy ra", ông Dương Anh Đức bày tỏ.

TP Hồ Chí Minh có hơn 2 triệu người lao động tự do, chiếm khoảng 46% tổng số lao động. Do đó, cơ quan chức năng cần có chính sách thu hút người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện.

XM/báo Tin tức
Chia sẻ với lao động khó khăn dịp Tết đến, xuân về
Chia sẻ với lao động khó khăn dịp Tết đến, xuân về

Chương trình Tết sum vầy đã được các cấp công đoàn tổ chức trong 10 năm qua mang lại không khí ấm áp, nghĩa tình và sự chia sẻ trong dịp Tết đến Xuân về.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN