Để Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước

Đã 57 năm kể từ ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Hà Nội đã trải qua nhiều gian nan thử thách nhưng luôn vững vàng trong khói lửa chiến tranh và tạo được những bước phát triển ngoạn mục trong xây dựng.

Một góc khu đô thị mới Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: Danh Lam - TTXVN


Nhằm xây dựng Hà Nội trở thành một Thủ đô phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa, trên cơ sở tiêu chí "Xanh- Văn hiến- Văn minh- Hiện đại", Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050". Đây là bản quy hoạch đặc biệt quan trọng, được xem là “khung” phát triển kinh tế - xã hội cho Hà Nội trong vòng gần 40 năm tới.

Nâng cao tầm vóc

Theo Quy hoạch, Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai, kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố). Trong đó, khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía tây, nam đến đường vành đai 4 và về phía bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên.

Trong đô thị trung tâm có khu vực nội đô, giới hạn từ phía nam sông Hồng đến đường vành đai 2. Đây là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Tại khu vực này, hướng quy hoạch sẽ là bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, hồ Tây, Thành cổ… Điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài. Bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người.

Khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ), sẽ là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ-thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại. Khu mở rộng phía nam sông Hồng từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4 gồm chuỗi các khu đô thị: Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì sẽ là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia. Khu vực mở rộng phía bắc sông Hồng, nam sông Cà Lồ, gồm 3 khu vực chính là khu đô thị Long Biên-Gia Lâm-Yên Viên, khu đô thị Đông Anh và khu đô thị Mê Linh-Đông Anh. Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị vệ tinh sẽ có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp và dịch vụ…

Cũng theo Quy hoạch, sẽ xây dựng thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện hữu như: Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới. Phát triển các thị trấn huyện lỵ trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của các huyện, đầu mối về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, sản xuất của thành phố. Trong đó, 3 thị trấn Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn quy hoạch thành các đô thị sinh thái.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, điều quan trọng nhất của Quy hoạch này là ưu tiên cho văn hóa, đó là xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. "Hà Nội sẽ phát triển theo hướng đa năng, không quá thiên về các cơ sở kinh tế, mà ngoài việc bảo tồn các di tích thì còn phải xây dựng thêm các cơ sở văn hóa mới"- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.

Huy động mọi nguồn lực xã hội

Kế thừa và phát huy những kết quả của Chương trình 11/Ctr-TU của Thành ủy khóa XIV về “Xây dựng, phát triển và quản lý đô thị Hà Nội giai đoạn 2006-2010”, dự thảo Chương trình “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị” giai đoạn 2011-2015 đã đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho 3 lĩnh vực: Quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

Một số chỉ tiêu quy hoạch chủ yếu đến năm 215 Hoàn thành các quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và cảnh quan thành phố; Quy chế quản lý khu vực Hồ Gươm và phụ cận; Quy chế các khu vực phố cổ, phố cũ và các khu vực đặc thù. Hoàn thành quy hoạch giãn dân phố cổ. Hoàn thành các thủ tục liên quan đến thí điểm đầu tư xây dựng 1-2 trường đại học, cao đẳng và cơ sở y tế tại vị trí mới sau khi di dời ra ngoài khu vực nội đô…

Theo đó, mục tiêu đến 2015, Thành phố sẽ phủ kín cơ bản các quy hoạch (QH chung, QH xây dựng vùng huyện, QH phân khu, QH nông thôn mới, QH chuyên ngành…); hoàn thành các QH chi tiết trọng điểm: Trung tâm Tây Hồ Tây, QH hai bên bờ sông Hồng, trục không gian Cổ Loa - Hồ Tây, QH hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, Hồ Tây - Ba Vì, Bắc Thăng Long - Nội Bài; hoàn thành QH giãn dân phố cổ… Về chỉ tiêu xây dựng đô thị, phấn đấu mỗi phường có ít nhất 1 nhà trẻ mẫu giáo, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS công lập; xây mới diện tích nhà ở đạt 12,5-15 triệu m2, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23-24 m2; nhà ở xã hội đạt 15.500 căn (tương đương khoảng 1,1-1,5 triệu m2); nhà ở học sinh, sinh viên đạt 41.000 chỗ ở, giải quyết chỗ ở cho khoảng 60% sinh viên, học sinh; nhà ở công nhân đạt 28.760 căn; nhà ở tái định cư đạt 20.000 căn; diện tích đất dành cho giao thông tăng từ 0,3-0,5% đất đô thị/năm, đưa tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt 8,5-9% diện tích đất đô thị; diện tích cây xanh bình quân đạt 7 m2/người…

Trên cơ sở đó, dự thảo Chương trình đưa ra 5 giải pháp chủ yếu để thực hiện: Xây dựng các chương trình, kế hoạch, danh mục thực hiện trong thời gian 2011-2015, có lộ trình, tiến độ, phân công thực hiện; Xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động và phát huy các nguồn lực nhằm đẩy mạnh quy hoạch; Xây dựng và quản lý đô thị; Quản lý, tổ chức thực hiện kiện toàn bộ máy, cải cách hành chính; Phát huy các nguồn lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra.

Để thực hiện thành công chương trình này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, thành phố đang giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập 2 quy hoạch phân khu là QH khu phía bắc sông Hồng và QH hai bên sông Hồng. Về nguồn nhân lực để thực hiện mục tiêu đến năm 2015 sẽ phủ kín cơ bản các quy hoạch là một nhiệm vụ khá nặng nề, đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực xã hội cho công tác này. Trước mắt, thành phố sẽ phải xây dựng cơ chế để có thể huy động lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã trực tiếp làm công tác tư vấn. Đồng thời sẽ có biện pháp nhằm tăng cường cộng đồng trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng, tổ chức và quản lý đô thị, trong đó bao gồm cả người dân.

Hằng Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN