Đầu tư đồng bộ cho giao thông công cộng

Việc đầu tư, phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng hiện đại thay thế phương tiện cá nhân ở TP Hồ Chí Minh là một xu hướng tất yếu, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong một xã hội phát triển.

Cần phát triển hài hòa

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị, thông thường, việc phát triển hệ thống giao thông bao gồm hai nhóm giải pháp. Trong đó nhóm giải pháp “lực hút” sẽ bao gồm mở rộng hạ tầng, phát triển giao thông công cộng, sắp xếp, quy hoạch phát triển đô thị, quản lý đô thị. Khi phát triển tốt nhóm giải pháp “lực hút” thì mới sử dụng nhóm “lực đẩy” để tăng tính hiệu quả, chẳng hạn khuyến khích người dân hạn chế sử dụng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng để tiết kiệm nhiên liệu, cải thiện môi trường, giảm tai nạn. Nhóm “lực đẩy” cũng bao gồm cả những chính sách về thuế, phí, thu tiền đỗ xe… Và bao giờ nhóm giải pháp “lực hút” cũng phải được phát triển trước.

Phối cảnh tuyến xe buýt nhanh.

Ông Lương Xuân Phúc, Trưởng Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị cho biết, hiện toàn thành phố mới chỉ có 300 xe buýt các loại, 12.500 taxi trong khi đó dân số thành phố (TP) đã lên đến gần 10 triệu người, tức chỉ mới phục vụ được 6% nhu cầu đi lại của người dân, 94% còn lại lưu thông bằng phương tiện cá nhân dẫn đến việc ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Việc xây dựng tuyến xe buýt nhanh sẽ góp phần tái cấu trúc lại mạng lưới tuyến xe buýt, kết hợp với các tuyến tàu điện ngầm hình thành mạng lưới vận tải hành khách công cộng đô thị khối lượng lớn, tốc độ cao. Ngoài ra, cùng với 8 tuyến tàu điện ngầm, 6 tuyến xe buýt nhanh trong tương lai (tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ là tuyến số 1) và việc tăng lượng xe buýt hiện hữu lên gấp đôi sẽ nâng khả năng phục vụ người dân lên 30% vào năm 2030. Tuyến xe buýt cũng sẽ tạo chuyển biến giao thông và dịch vụ, tạo tiền đề cho việc hình thành một hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn TP trong tương lai, nâng cao giá trị sử dụng đất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nhận định về những dự án giao thông trọng điểm đang thực hiện, TS Phạm Sanh cho rằng, thành phố đang xây dựng tuyến metro số 1, dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2018. Song song với tuyến đường này là tuyến đường Võ Văn Kiệt, nên việc kết nối giữa hai tuyến phải tính kỹ để thuận tiện cho hành khách, nếu không hành khách rất có thể sẽ rơi vào tình trạng bị bỏ giữa đường. Đối với dự án xe buýt nhanh mà thành phố đang làm, đây là hình thức xe buýt chất lượng cao với công nghệ mới đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Nếu được thực hiện đúng kế hoạch mà đề án đề ra, sau khi đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm an toàn cho hành khách trong quá trình lưu thông.

Tuy nhiên, TS Phạm Sanh cũng cho rằng, việc phát triển hệ thống xe buýt nhanh đòi hỏi phải có sự liên kết với hệ thống xe buýt hiện hữu và các hình thức giao thông khác thì mới phát huy tác dụng. Nếu muốn đi xe buýt nhanh mà vẫn phải chạy xe máy tới nhà chờ và khi xuống xe, họ sẽ phải tiếp tục tìm cách di chuyển tới địa điểm làm việc, xe buýt nhanh sẽ khó đi vào đời sống. Dự án này không chỉ nằm ở phương tiện vận chuyển mà phải là một dự án tổng thể, đồng bộ với nhiều hệ thống khác như giao thông xanh, điều hành thông minh, nên nguồn vốn đầu tư sẽ lớn và đòi hỏi sự quản lý, vận hành khoa học. Chưa kể, với quy hoạch của thành phố hiện nay, hệ thống xe buýt nhanh chỉ hoạt động được ở các tuyến đường lớn như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt... nếu đưa vào các khu vực trung tâm sẽ dẫn đến kẹt xe và có tác dụng ngược.

Giải pháp giao thông thông minh

Ngoài việc đầu tư nguồn lực rất lớn để phát triển hệ thống giao thông công cộng, mới đây, lãnh đạo thành phố cho biết sẽ triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS), như một giải pháp hữu hiệu để cùng tham gia giải quyết bài toán giao thông trên địa bàn thành phố. Tính đến năm 2015 đã có 300 camera được lắp đặt phục vụ công tác giám sát và điều tiết giao thông, 48 bảng thông tin giao thông điện tử trên các tuyến đường trọng điểm của TP... Việc triển khai các ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý và điều hành giao thông đô thị bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực.

Theo Sở GTVT, mục tiêu trong năm 2016 - 2017, TP sẽ xây dựng trung tâm giám sát, điều khiển ITS bao gồm hệ thống hiển thị màn hình tường, hạ tầng công nghệ thông tin; đầu tư nâng cấp và tích hợp các hệ thống điều khiển, giám sát, quản lý giao thông trên 300 chốt giao thông tại 78 tuyến đường trọng điểm trên địa bàn TP... Thành phố cũng sẽ triển khai hệ thống thu phí điện tử tại các trạm thu phí. Tại các trạm thu phí sẽ đầu tư tối thiểu 4 làn tự động và hướng đến thu phí tự động hoàn toàn vào năm 2020. Hệ thống xe buýt cũng sẽ được triển khai đầu tư hệ thống điện tử, tiến tới giải pháp thanh toán điện tử toàn bộ hệ thống giao thông công cộng. Năm 2020 sẽ xây dựng trung tâm điều hành ITS cho toàn bộ hệ thống giao thông TP.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nhận định: “Tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngoài việc phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch, việc triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) được TP xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu để từng bước giải quyết các vấn đề giao thông của TP”.

Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra băn khoăn vì hệ thống giao thông tại TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn chưa được đầu tư, phát triển đồng bộ, điều này gây khó khăn lớn cho việc phát triển hệ thống giao thông thông minh. Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường - Cảng TP Hồ Chí Minh cho rằng, với lượng xe máy lớn như hiện nay thì việc quản lý bằng hệ thống ITS sẽ rất khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng của TP chưa được đồng bộ hóa, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, đòi hỏi thành phố phải nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra mô hình chung và cần phải có chính sách xã hội hóa để giải quyết bài toán tài chính và “chia việc” trong quá trình quản lý.

TS Vũ Anh Tuấn, Trường ĐH Việt Đức cũng cho rằng, thành phố cần thay đổi quan niệm về năng lực của hạ tầng và dịch vụ giao thông. Khi giải quyết ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, chúng ta thường quan niệm cơ sở hạ tầng giao thông phải đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế không có một nước nào trên thế giới có thể mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông bắt kịp được sự tăng trưởng của nhu cầu GTVT. Vì vậy, đã đến lúc phải có quan niệm mới, đó là lựa chọn và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thích hợp, trong đó chú trọng các giải pháp quản lý, kiểm soát, lựa chọn phương tiện và ứng dụng giao thông thông minh.


Lê Hiền
Gia tăng tai nạn giao thông tại Chương Mỹ
Gia tăng tai nạn giao thông tại Chương Mỹ

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, làm 5 người chết, 17 người bị thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN