Đầu tư công nghệ xác định danh tính liệt sỹ

Đề án “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo ông Dương Minh Đỗ, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ- TB&XH), kinh phí thực hiện Đề án đề xuất là 1.800 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước nhằm đầu tư những thiết bị tối tân để giúp xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

 

Đề xuất đầu tư 1.800 tỷ đồng


Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng còn hàng vạn liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt, hoặc hài cốt đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa có hoặc còn thiếu các thông tin về danh tính, quê quán, đơn vị, nơi hy sinh... Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có trên 300.000 liệt sĩ đã được quy tập trong nghĩa trang nhưng chưa có thông tin, khoảng 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập.


Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng đề án “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” thông qua nhiều phương pháp, đặc biệt là ứng dụng phương pháp giám định gen (AND).


 

Lực lượng quân sự tỉnh Quảng Trị và chính quyền địa phương đang tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

 

Hiện nay, Đề án đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kinh phí đề xuất để thực hiện Đề án là 1.800 tỷ đồng. Dự kiến, đến năm 2015 sẽ xác định hài cốt liệt sĩ thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin, xác định thực chứng khoảng 3.000 hài cốt liệt sĩ, giám định ADN 10.000 hài cốt liệt sĩ. Đến năm 2020, dự kiến sẽ xác định hài cốt liệt sĩ thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin, xác định thực chứng 7.000 hài cốt liệt sĩ, giám định gen 10.000 hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2020 trở về sau, tiếp tục mở rộng phạm vi xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.


Trước khi Đề án được phê duyệt, từ năm 2010 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn đang tiến hành song song việc quy tập, tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ và lấy ngay mẫu phẩm về lưu trữ tại 3 Viện giám định ADN của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ. “Tới đây, khi Đề án được phê duyệt, sẽ thành lập ngân hàng gen. Tất cả những thông tin đã và đang lưu trữ hiện tại sẽ đưa vào ngân hàng gen rồi gửi thông báo tới các thân nhân của liệt sĩ để họ gửi mẫu ADN đến để làm tiếp công tác đối chứng, từ đó xác định danh tính liệt sĩ”.


Việc lấy mẫu sinh phẩm để giám định gen vẫn chưa tiến hành với những hài cốt đang nằm tại các nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng tới đây, khi Đề án được phê duyệt, sẽ tiến hành giám định AND những trường hợp này. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Người có công cho biết: Việc lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ của hàng trăm nghìn mộ đang an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ là vấn đề liên quan tới phong tục, tập quán, tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống của nhân dân ta. Vì vậy, việc triển khai sẽ hết sức thận trọng”.

 

Đầu tư công nghệ tối tân nhất


Theo ông Dương Minh Đỗ, đề án được đưa ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi để thực hiện. Công tác ưu đãi người có công nói chung và công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin nói riêng đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân ta. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế- xã hội của đất nước đang từng bước phát triển vững chắc, đặc biệt là khoa học công nghệ ngày càng phát triển tạo điều kiện nâng cao hiệu quả của hoạt động xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.


Tuy có những thuận lợi đó nhưng đề án cũng đang đứng trước nhiều khó khăn. Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, công tác xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin chưa có cơ quan chuyên trách đảm nhận. Vì vậy, việc xác định hài cốt liệt sĩ chưa được tiến hành rộng khắp, đặc biệt là thông qua ứng dụng khoa học công nghệ. Hơn nữa, hiện trong cả nước mới có 4 trung tâm giám định gen thuộc các bộ, ngành và hơn 10 trung tâm tư nhân. Số lượng này còn quá ít so với nhu cầu thực tế cần giám định gen hài cốt liệt sĩ và cũng mới chỉ thực hiện theo mô hình liên kết, kết hợp; chưa có một trung tâm độc lập và phòng thí nghiệm giám định gen chuyên trách. Để khắc phục phần nào khó khăn này, theo lãnh đạo Cục Người có công, tới đây khi đề án được Chính phủ phê duyệt, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thành lập 3 trung tâm giám định ADN trực thuộc quản lý của bộ.


Một khó khăn không nhỏ nữa là, do thời gian đã lâu nên hầu hết chất lượng mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ không đảm bảo, đã bị phân hủy nhiều, rất khó để lấy mẫu. “Hài cốt liệt sĩ được mai táng trong điều kiện khắc nghiệt, bằng ni lông, tăng, võng... nên phân hủy rất nhanh, có khi mai táng xong rồi lại bị bom đạn cày xới. Có những bộ hài cốt khi mang lên, kỷ vật đi kèm thì còn nhưng xương cốt đã không còn để giám định. Vì thế, chúng tôi sẽ cố gắng dùng những phương pháp công nghệ cao nhất. Có thể, chúng ta sẽ mua một số thiết bị tối tân nhất của quốc tế và giao cho các trung tâm giám định để giúp việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ”, ông Dương Minh Đỗ khẳng định.


Mặt khác, do già yếu, nhiều thân nhân liệt sĩ đã qua đời nên việc lấy mẫu ADN để so sánh cũng gặp khó khăn. Theo đại diện lãnh đạo Bộ LĐ - TB&XH, việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là việc làm thiêng liêng, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, mọi cấp, mọi ngành và là đòi hỏi bức thiết của thân nhân liệt sĩ và toàn xã hội. Hy vọng đề án sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện, đáp ứng nguyện vọng của toàn xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với nước.


Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN