Nhờ được quan tâm, chú trọng, đến nay, lực lượng cán bộ trực tiếp nghiên cứu, đào tạo và phục vụ nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao, làm gia tăng năng suất cây trồng nông lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản.
Nhiều vấn đề bất cập
Tuy vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập. Điển hình là các cán bộ khoa học có học hàm giáo sư, phó giáo sư phần lớn tuổi cao; tỷ lệ cán bộ có đủ năng lực chủ trì đề tài nghiên cứu đưa lại kết quả tốt lại thấp và sẽ hẫng hụt trong những năm trước mắt. Số tổ chức khoa học công nghệ chỉ chiếm khoảng 15%, nhiều bộ môn thiếu cán bộ đầu đàn, chưa thật sự toàn tâm với nghề.
Nghiên cứu gen cây trồng tại viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam).Ảnh: Lê Phú |
Một số lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao như công nghệ sinh học, vắcxin, vật liệu mới… thiếu cán bộ khoa học giỏi, đặc biệt là các viện nghiên cứu nông nghiệp đóng tại địa bàn vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Việc thu hút cán bộ khoa học công nghệ giỏi gặp khó khăn, các điều kiện đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn cán bộ khoa học công nghệ. Cán bộ khoa học công nghệ nông nghiệp thu nhập thấp, điều kiện nghiên cứu, thí nghiệm tại địa bàn nông thôn, không có hoặc ít có điều kiện để học tập nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ. Do vậy, việc tuyển dụng nhân tài gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp sau khi được đào tạo ở trình độ cao và người có năng lực nghiên cứu xin chuyển sang cơ quan khác. Một số lĩnh vực nghiên cứu về thú y, công nghệ sau thu hoạch, đất và phân bón, thủy sản, lâm nghiệp, cơ điện nông nghiệp… đang có nguy cơ thiếu cán bộ nghiên cứu nghiêm trọng. Mặt khác, cơ chế thị trường cũng ảnh hưởng lớn đến tâm huyết và sự say mê của nhà khoa học.
Thị trường công nghệ chậm phát triển, các kết quả nghiên cứu được tạo ra khó giữ được bản quyền. Đối tượng sử dụng kết quả nghiên cứu là nông dân, người có thu nhập thấp nên việc chuyển nhượng gặp khó khăn, kinh doanh trong nông nghiệp gặp rủi ro cao nên khó có điều kiện nâng cao thu nhập cho cán bộ khoa học…
Xây dựng chính sách đãi ngộ
Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức khoa học công nghệ, phát huy tối đa tiềm lực khoa học công nghệ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành quy hoạch lại hệ thống khoa học công nghệ theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn Viet GAP tại công ty Dalat G.A.P. Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Bên cạnh xây dựng chính sách thúc đẩy việc xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ mới, mua công nghệ trong nước hoặc nước ngoài để phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là cán bộ khoa học đầu ngành, tâm huyết, có nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ngành thực hiện đào tạo nguồn nhân lực kết hợp với đổi mới cơ chế quản lý nhân lực khoa học công nghệ theo hướng tạo lập thị trường lao động trong hoạt động khoa học và công nghệ; tạo động lực vật chất và tinh thần, thực hiện chế độ thù lao, đãi ngộ phù hợp với mức độ cống hiến và trách nhiệm của cá nhân nhà khoa học; tăng cường mối liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo.
Cùng với đẩy mạnh mối liên kết nghiên cứu khoa học với đào tạo, tạo điều kiện cho cán bộ nghiên cứu tham gia công tác giảng dạy, đào tạo, xây dựng mối liên kết đào tạo giữa viện và các trường, các tổ chức nghiên cứu phải tạo tiền đề cho việc tập hợp lực lượng trong và ngoài ngành; tăng cường liên kết nghiên cứu liên ngành để tăng hiệu quả, bền vững lâu dài.
Đặc biệt, ngành thực hiện đầu tư thích đáng để phát triển khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ưu tiên đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, lựa chọn một số tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm để đầu tư phát triển thành các trung tâm khoa học đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, khuyến khích tạo điều kiện và môi trường để thu hút nguồn đầu tư xã hội, đặc biệt đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nguyễn Bích Thủy