Nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL:

Đào tạo theo nhu cầu của địa phương

Dù có nhiều cố gắng, nhưng đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang đối diện với thực trạng chất lượng nguồn nhân lực chưa theo kịp với sự phát triển của vùng.

Thiếu lao động chất lượng cao


Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là một trong những vùng phát triển kinh tế trọng điểm của cả nước, do đó từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 20/2006/QĐ-TTg ngày 20/1/2006 về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL đến năm 2010. Chính vì thế, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của vùng không ngừng tăng qua các năm, từ 7,8% năm 2008 lên đến 10,4 % năm 2013. Thế nhưng so với cả nước, tỷ lệ này vẫn còn thấp.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì các tỉnh ĐBSCL cần phải có một chính sách và cơ chế đặc thù trong đào tạo.Ảnh: Huỳnh Thế Anh


Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, toàn vùng chỉ có 172 sinh viên (SV)/vạn dân, trong khi đó bình quân của nước là 240 SV/vạn dân. Ngoài ra, bình quân của cả nước là 500.000 dân có một trường đại học, còn ĐBSCL là 1.000.000 dân mới có một trường đại học.

Ngoài các chế độ chính sách theo quy định, người thực hiện chính sách thu hút được hỗ trợ một lần với đối tượng là GS-TS là 150 triệu đồng/người, PGS-TS là 130 triệu đồng/ người, được hỗ trợ tiền thuê nhà ở trong thời gian công tác tại thành phố tối đa không quá 10 triệu đồng/người/ tháng; TS vừa tốt nghiệp là 100 triệu đồng/người; người đang công tác, có kinh nghiệm thực tiễn ít nhất 5 năm là 120 triệu đồng/ người; Người vừa tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa II là 65 triệu đồng/người, Bác sĩ chuyên khoa I, Thạc sĩ - Bác sĩ là 45 triệu đồng/người…

Theo ông Võ Trọng Hữu, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ĐBSCL đang thiếu trầm trọng nhân lực trong ngành y, hiện còn 332 xã/1.611 xã chưa có bác sĩ. Chính vì vậy, những năm gần đây nhiều tỉnh, thành trong vùng đã liên kết với Trường Đại học Y dược Cần Thơ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y theo hình thức đào tạo theo địa chỉ. Tuy nhiên, qua khảo sát, số SV sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược Cần Thơ chuyển về cơ sở chỉ được 60%. “Nguyên nhân chính là chính sách của chúng ta chưa thu hút được SV mới ra trường về gắn bó lâu dài với đơn vị. Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế ở dưới cơ sở còn thiếu, họ không có điều kiện học tập nâng cao tay nghề nên bỏ việc và đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm”, ông Võ Trọng Hữu cho biết.

Đánh giá về nguồn nhân lực của ĐBSCL, bà Lê Thị Sáu, giảng viên Khoa xây dựng Đảng, Học viện chính trị Khu vực IV, cho biết: “Nguồn lực của vùng ĐBSCL nhiều nhưng trình độ chuyên môn thấp. Theo thống kê có khoảng 70 - 80% lao động của vùng chưa qua đào tạo nghề. Cơ cấu ngành nghề của các trường trong khu vực vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý. ĐBSCL là vựa lúa của cả nước nên hướng phát triển chính là ngành nông nghiệp, thủy sản nhưng hiện nay tỷ lệ SV theo học những ngành nông nghiệp, thủy sản trong các trường đại học vùng không nhiều, trong khi khối ngành kinh tế, tài chính được đông đảo SV lựa chọn”.

"Cơ sở vật chất ở ĐBSCL còn kém, tổng số doanh nghiệp lớn có mặt trong vùng còn thấp, các doanh nghiệp chủ yếu là chế biến thủy sản, xay xát gạo vốn là những ngành nghề không đòi hỏi tay nghề cao. Chưa có doanh nghiệp sản xuất ô tô, điện tử, bởi vậy khi các em học những ngành nghề về kỹ thuật xong không có việc làm đành tìm đến các thành phố khác để làm việc. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng còn gặp nhiều bất cập", ông Võ Trọng Hữu cho biết thêm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, do nguồn lao động chủ yếu xuất phát từ nông thôn nên chất lượng thấp, phần lớn chưa có tay nghề, kỷ luật và tác phong công nghiệp thấp. Điều này là một trong những nguyên nhân tạo nên sự khủng hoảng về cơ cấu nguồn nhân lực trong vùng là khan hiếm lao động chất lượng cao, dư thừa nguồn lao động phổ thông. Nhân sự cao cấp ở một số lĩnh vực như ngân hàng, kỹ thuật điện tử, công nghệ thông tin, lao động quản lý còn thiếu ở hầu khắp các tỉnh trong vùng. Thế nhưng, nhiều SV ở các ngành được đào tạo bài bản khi ra trường lại rất khó kiếm được việc làm hoặc phải làm với những nghề không đúng với chuyên ngành, gây lãng phí lớn.

Chính sách thu hút nguồn nhân lực

Nhằm thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao, UBND Thành phố Cần Thơ đã có Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND về chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực của thành phố giai đoạn 2015 - 2020 tập trung vào nhóm ngành: Kinh tế, giáo dục, y tế, kỹ thuật công nghệ, nông nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ sinh học, luật (kinh tế - thương mại) và thực hiện hỗ trợ, khuyến khích cán bộ công chức viên chức của thành phố, quận, huyện và xã, phường, thị trấn đào tạo nâng cao trình độ phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận.

Nhằm tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng, ba năm qua Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện quyết định 1033 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện cơ chế đặc thù này vùng ĐBSCL, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, quyết định này đã tạo cơ chế đặc thù cho vùng Tây Nam Bộ về cơ chế đào tạo lực lượng lao động của vùng. Qua đó, cho phép các trường Đại học ngoài khu vực Tây Nam Bộ liên kết với trường đủ điều kiện trong vùng đào tạo theo hình thức cử tuyển, xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Tức là các địa phương gửi người đến các trường đại học trong vùng đi học những chuyên ngành mà tỉnh đang thiếu. Nguồn nhân lực này vốn là những học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực khá, giỏi. Sau 3 năm thực hiện đã có 3.712 sinh viên đi học trong đó, cử tuyển 697 sinh viên; xét tuyển 1.532 sinh viên; đào tạo sau đại học 2.180 sinh viên.

Không chỉ liên kết với các tỉnh trong vùng, từ năm 2012 Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ còn mở rộng liên kết đào tạo theo địa chỉ với các trường Đại học Kiến trúc, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh… Cũng đào tạo theo địa chỉ nhưng nhân lực là những thí sinh thi vào hai trường trên nhưng thiếu một hay hai điểm so với điểm chuẩn của trường. Các trường này sẽ gửi danh sách những thí sinh có hộ khẩu ở ĐBSCL về Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Trên cơ sở đó, Ban tập hợp các thí sinh này lại hỗ trợ cho họ đi học với cam kết sau khi học xong sẽ về phục vụ địa phương. Hiện tại có hơn 700 sinh viên đang theo học tại Đại học Kiến trúc và Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

“Với hình thức đào tạo theo địa chỉ, SV yên tâm học tập vì chắc chắn sau khi tốt nghiệp các em sẽ có việc làm ổn định. Về chính quyền địa phương, họ cũng sẽ an tâm khi có được nguồn nhân lực ổn định. Và nhờ hình thức liên kết đào tạo này mà trong một thời gian ngắn nhiều tỉnh trong một số lĩnh vực đã khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ ở các ngành như nông nghiệp, y tế, kiến trúc...” - ông Võ Trọng Hữu chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, theo ông Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, hiện nay trên 90% các em đã tốt nghiệp, điều quan trọng lớn nhất và khó khăn hiện nay là bố trí việc làm ở địa phương cho các em khi đã tốt nghiệp vẫn còn chưa như mong muốn. Bởi vậy, các địa phương khi tuyển dụng phải có cơ chế như thế nào để thu hút các em trở về và cũng cần phải có một sự ràng buộc nhất định thì chính sách cử tuyển này sẽ đem lại hiệu quả tích cực.

Những chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng ĐBSCL bước đầu đã đạt được hiệu quả. Thế nhưng theo nhiều chuyên gia, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đã khó, giữ chân họ gắn bó lâu dài với vùng thì càng khó hơn. Do đó, để quản lý và sử dụng có hiệu quả, việc làm đầu tiên là phải rà soát lại các chính sách hỗ trợ, bổ sung những chính sách mới cho phù hợp và phải đủ mạnh. Cùng với chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phải có chế độ lương thưởng và tạo môi trường làm việc tốt. Đồng thời, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL cần phải có kế hoạch chỉ tiêu dự trữ nguồn nhân lực phục vụ các lợi thế phát triển của tỉnh.

Đan Phương - Thế Anh

Cà Mau phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Cà Mau phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Tỉnh Cà Mau đã sớm triển khai đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhờ ứng dụng những kiến thức đã học vào trong sản xuất, năng suất lao động của người dân được tăng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN