Đào tạo nghề cho nông thôn mới: Phát huy thế mạnh địa phương

Đào tạo, tập huấn cho nông dân để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng phương án phát triển sản xuất và tổ chức triển khai trên thực tiễn các mô hình sản xuất hàng hóa là vấn đề then chốt trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân trong việc xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cao Đức Phát nhấn mạnh: Đào tạo đừng đưa cái quá xa vời cho người nông dân. Hãy dạy theo đúng nhu cầu thực tế, các định hướng phát triển nông thôn tại các xã và đào tạo đúng với mô hình khuyến nông, khuyến công để biến việc học thành việc làm cho nông dân.

Ông Lê Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo viên và Cán bộ quản lý dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), công nhận rằng: Kinh phí không phải là vấn đề mà quan trọng là mô hình đào tạo như thế nào? Dạy nghề để phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, do đó học nghề phải gắn với trách nhiệm của địa phương, doanh nghiệp; đào tạo phải theo hướng địa phương cần gì thì đào tạo cái đó, nên các địa phương cần xác định rõ nhu cầu đào tạo.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN và PTNT), cho biết: Với phương pháp đào tạo gắn với mô hình khuyến nông, nông dân được học thực tế tại các mô hình khuyến nông, vừa học lý thuyết vừa thực hành theo chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây, con trong sản xuất nên nông dân tiếp thu dễ dàng. Kiến thức thu được, nông dân áp dụng ngay trên mô hình của từng hộ gia đình. Nội dung chương trình đào tạo cụ thể, linh hoạt, khoa học, được thiết kế thiết thực, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Bên cạnh đó, cùng với 15.300 cán bộ khuyến nông từ Trung ương đến xã là trên 100.000 cộng tác viên, các “lão nông tri điền” đã thường xuyên tiếp xúc với người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó trực tiếp giúp đỡ họ tiếp cận khoa học kỹ thuật một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.


Hướng dẫn đào tạo nghề mây tre đan cho nông dân. Ảnh: Internet


Sau 2 năm triển khai thực hiện tại 11 xã điểm, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới cho biết, Tổng cục Dạy nghề phối hợp với trung tâm khuyến nông các tỉnh đã tổ chức 100 lớp dạy nghề cho 7.200 lượt nông dân. Năm 2010, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng với trung tâm khuyến nông các tỉnh đã triển khai tổ chức đào tạo tại 11 xã với 33 lớp, trong đó trồng trọt 17 lớp, chăn nuôi 11 lớp, thủy sản 4 lớp, cơ khí nông nghiệp 1 lớp với 975 lao động được đào tạo.

Xác định xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp là một khâu quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Tân Thịnh (Bắc Giang) đã rà soát các cây, con có giá trị kinh tế được nhân dân trong xã chăn nuôi và gieo trồng trong những năm qua để lựa chọn và đầu tư phát triển. Được sự giúp đỡ của Trường Đại học Nông nghiệp I, Sở Khoa học công nghệ tỉnh Bắc Giang đã chuyển giao cho nông dân giống cà chua bi HT144, là giống cho năng suất cao, thời gian thu hái quả kéo dài hơn, giúp nông dân tăng hiệu quả thu nhập lên gấp hơn 2 lần, từ 81,3 triệu đồng/ha lên 224,6 triệu đồng/ha... Những mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao đưa thu nhập bình quân của xã Tân Thịnh từ 4,8 triệu đồng (năm 2009) lên 13,2 triệu đồng/người/năm (năm 2010). Cây cà phê là nông sản hàng hóa đặc trưng của Lâm Đồng, phù hợp với điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của người dân và hiệu quả sản xuất cao hơn so với các sản phẩm cây trồng ngắn ngày khác, nên xã Tân Hội, huyện Đức Trọng đã tập trung vào nâng cao năng suất và chất lượng loại cây này. Hiện toàn xã có 1.600 hộ sản xuất cà phê với diện tích 1.150 ha trong 2.000 ha đất nông nghiệp.

Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cũng như khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để làm nòng cốt thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa tăng thu nhập cho lao động nông thôn là định hướng của nhiều địa phương.

Tuy nhiên, không phải xã nào cũng đã hoàn thành mục tiêu đào tạo nông dân chuyển dịch cơ cấu lao động. Với tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp chiếm 84% trong tổng số 3.246 lao động, trong đó 4% lao động không có việc làm ổn định. Trong 2 năm qua, xã Mỹ Long Nam (Trà Vinh) đã đào tạo nghề cho 500 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30% tổng số lao động, nhưng trình độ lao động của xã chưa đáp ứng được mục tiêu.

Bà Hạ Thúy Hạnh cũng nhận thấy, cán bộ khuyến nông các tỉnh tuy nhiệt tình nhưng còn thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có lớp nghiệp vụ sư phạm nào được mở cho cán bộ khuyến nông. Nông dân sau khi được học còn lúng túng, khó triển khai ứng dụng và mở rộng sản xuất trên quy mô lớn một phần bởi vì Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tiêu thụ sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng, nếu đào tạo không gắn với doanh nghiệp ngay từ đầu thì sẽ không thành công. Thực tế thời gian qua cho thấy, Tổng cục Dạy nghề đang triển khai theo định hướng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và bước đầu đã đạt được kết quả khá. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc đào tạo thông qua doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần bao nhiêu lao động, lao động như thế nào sẽ đào tạo như thế. Đây sẽ là phương án luôn phát huy hiệu quả.

Bích Hồng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN