Đào tạo lái xe: Tập trung nâng chất, đảm bảo lượng

Các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra thời gian qua phần nhiều liên quan đến vấn đề trình độ và ý thức của lái xe. Do đó, việc nâng cao chất và lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) đang được coi là trọng tâm của ngành Giao thông vận tải (GTVT) để giảm thiểu tai nạn.


Hướng đến mục tiêu này, Bộ GTVT đã thông qua và đang phối hợp với các địa phương thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX góp phần giảm thiểu TNGT, trong đó tập trung vào nâng chất, đảm bảo lượng. Đề án được triển khai cũng quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các chủ thể trong hoạt động đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ cấp trung ương đến địa phương.

 

Tồn tại nhiều lỗ hổng


Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX tại các cơ sở đào tạo trong cả nước, nhất là ở các địa phương hiện nay khá lỏng lẻo, dẫn tới việc chất lượng lái xe sau khi được đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.


Một buổi sát hạch cấp giấy phép lái xe tại Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ(Sóc Sơn, Hà Nội).

 

Theo quy định quản lý đào tạo lái xe của ngành Lao động thương binh và xã hội (quản lý theo các quy định của Luật Dạy nghề) và ngành GTVT (quản lý theo các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008), thì việc phối hợp đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hiện nay do Tổng cục ĐBVN, Tổng cục Dạy nghề, các Sở GTVT, các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp kiểm tra, cấp giấy phép đào tạo; yêu cầu các cơ sở đào tạo công bố kế hoạch đào tạo và học phí; kiểm tra giám sát các cơ sở đào tạo về thực hiện các quy định của pháp luật...


Tuy nhiên, thời gian qua, công tác phối hợp, giám sát này không thường xuyên, dẫn tới sự chồng chéo về nội dung đào tạo giữa các cơ sở, các địa phương. Nhiều cơ sở đào tạo quản lý chưa chặt chẽ, để giáo viên thu thêm tiền của học viên không đúng quy định. Chất lượng công tác kiểm tra hết môn và cấp chứng chỉ nghề ở các địa phương cũng còn thấp; thậm chí nhiều địa phương còn bỏ qua những khâu cơ bản trong đào tạo, sát hạch.


Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng: Nâng chất và lượng đào tạo, sát hạch phải làm thường xuyên Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa khi tham gia giao thông của đội ngũ lái xe, góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, đây là công việc khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp và mang tính xã hội hoá cao. Do đó, nhiệm vụ này cần phải làm thường xuyên, liên tục, các giải pháp đưa ra phải được triển khai đồng bộ, có sự tham gia đầy đủ, kiên quyết của các cơ quan chức năng và sự đồng tình hưởng ứng của các cơ sở đào tạo lái xe, các trung tâm sát hạch lái xe và của bản thân các học viên.

 

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên dạy nghề - Tổng Cục dạy nghề Trần Văn Lịch: Đưa “văn hóa giao thông” vào đào tạo, sát hạch, cấp GPLX Các cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thời gian tới cần tăng thời lượng chương trình dạy văn hóa giao thông để hoàn thiện Đề án đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Văn hóa giao thông trong đào tạo chủ yếu là nâng cao ý thức, đạo đức của người lái xe. Thực tế đây là môn học có quy định bắt buộc, nhưng qua kiểm tra thì rất ít cơ sở đào tạo quan tâm. Trong khi thực tế khi tham gia giao thông, ý thức chấp hành pháp luật cũng như văn hóa ứng xử trong giao thông của nhiều lái xe rất hạn chế, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, thiếu tôn trọng hành khách và người tham gia giao thông. Việc đưa văn hóa giao thông vào công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX tới đây sẽ được Bộ GTVT tăng cường thanh tra, kiểm tra.

 

Trưởng phòng Quản lý phương tiện (Sở GTVT Hà Nội) Nguyễn Đình Nghĩa: Chính xác, minh bạch là cần thiết nhất Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hiện nay là khâu quan trọng nhất trong việc quản lý chặt đội ngũ lái xe từ gốc. Vì vậy, việc cải tiến, giảm thiểu tối đa yếu tố con người trong việc sát hạch để tăng tính chính xác, minh bạch là cần thiết nhất. Muốn đánh giá chính xác kết quả việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, không chỉ đơn thuần là việc thực hiện các tiêu chí về đào tạo và tiêu chí thi hay tỉ lệ đỗ, trượt, mà quan trọng nhất là những đánh giá từ phía học viên, vì lâu nay, người học chính là những người đánh giá công minh nhất và biết vì sao thi trượt hoặc đỗ. Do đó, các cơ sở đào tạo hiện nay cần sớm cải tiến phần thi đường trường, tăng cường đầu tư trang thiết bị, để máy móc chấm thi chứ không phải là giám thị chấm thi như hiện nay. Làm được điều này sẽ góp phần khắc phục được nhiều bất cập và tiêu cực trong quá trình cấp GPLX.

Năm 2010, Bộ GTVT đã ra quyết định dừng tuyển sinh tại 4 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 1 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và thu hồi 14 giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe. Năm 2011, Bộ GTVT đã dừng tuyển sinh 7 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 1 cơ sở đào tạo lái xe mô tô; thu hồi 1 giấy phép đào tạo lái xe ô tô và 1 giấy phép đào tạo lái xe mô tô; hạ lưu lượng đào tạo 3 cơ sở đào tạo lái xe ô tô.


Mặc dù quá trình kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất của Bộ GTVT đã góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ở nhiều địa phương, song công tác thanh tra, kiểm tra mới chỉ dừng ở việc kiểm tra theo hồ sơ lưu trữ; nên khó có những thống kê khách quan, chính xác về chất lượng và số lượng đào tạo của từng địa phương, cũng như chưa quy được trách nhiệm cụ thể của đội ngũ cán bộ giám sát.


Bên cạnh đó, quá trình dạy và thi hiện nay lại thường xuyên phát sinh bất cập. Cụ thể, mức thu học phí đào tạo lái xe thu theo quy định của Bộ Tài chính trước đây thấp, không đáp ứng được chi phí đào tạo hiện nay, nên nhiều cơ sở đào tạo chưa giảng dạy đủ hoặc bỏ qua một số nội dung, chương trình đào tạo cho người học; bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết chưa nhiều, chưa phù hợp giáo trình đào tạo đã được sửa đổi năm 2011, kích thước hình sát hạch và thời gian thực hiện từng bài sát hạch chưa phù hợp; nội dung sát hạch lái xe trên đường trường vẫn theo hình thức sát hạch viên ngồi trên xe ra tình huống, chấm điểm, nên thiếu khách quan, thiếu công khai, minh bạch, dễ xảy ra tiêu cực... Ngoài ra, quy trình đổi GPLX cũ và mới vẫn chưa triển khai được trên diện rộng; chưa có hệ cơ sở dữ liệu lưu trữ, theo dõi được vi phạm của người lái xe...

 

Siết chặt chất và lượng


Thông qua Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp để tăng chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng điều khiển phương tiện trên đường cho đội ngũ lái xe, nhằm tạo ra những lái xe có tay nghề cao, có đạo đức nghề nghiệp, văn hóa khi tham gia giao thông, giảm thiểu các vụ TNGT đang có chiều hướng gia tăng về mức độ nghiêm trọng.


Căn cứ vào nhu cầu học viên của các địa phương, Đề án của Bộ GTVT đã sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với từng địa phương. Theo đó, đã điều chỉnh cách tính lưu lượng đào tạo lái xe ô tô; quy định số lượng hệ thống phòng học, trang thiết bị giảng dạy phù hợp với các cơ sở đào tạo có lưu lượng trên 1.000 học viên. Đội ngũ giáo viên dạy lái xe cả lý thuyết và thực hành phải được tập huấn định kỳ, tiếp cận các bài giảng mẫu.


Đề án cũng quy định rõ tỷ lệ (%) số xe tập lái có niên hạn sử dụng không quá 10 năm để các cơ sở đào tạo chú trọng việc đổi mới xe tập lái; quy định cụ thể số lượng xe tập lái có sử dụng hộp số tự động tại các cơ sở đào tạo; điều chỉnh tăng số km học thực hành lái xe trên đường và số giờ học thực hành lái xe; bổ sung quy định thời gian, số km thực hành lái xe trên xe tập lái hạng B1, B2 sử dụng hộp số tự động; bổ sung quy định về kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp; bổ sung quy định để các trung tâm sát hạch phải lắp camera và thiết bị để giám sát quãng đường và quá trình sát hạch lái xe trên đường...


Đến nay cả nước có khoảng 460 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, gần 300 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, hơn 80 trung tâm sát hạch lái xe, đáp ứng nhu cầu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của người dân theo hướng xã hội hóa, hiện đại và tiện lợi. Tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn của hệ thống đào tạo; nội dung chương trình, giáo trình đào tạo được triển khai theo đúng các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm đào tạo, sát hạch liên tục được đầu tư, đổi mới...

Nhấn mạnh về việc phối hợp thực hiện đề án trên phạm vi cả nước, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Để giảm thiểu các vụ TNGT hiện nay, các địa phương cần siết chặt từ gốc công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng đội ngũ thực thi công vụ, cũng như đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đào tạo, sát hạch lái xe.


Thực tế, không thể đổ lỗi cho ý thức người dân, ý thức người lái xe nếu như bản thân chất lượng đào tạo chưa tốt, còn bớt thời gian học lý thuyết, thực hành. Nếu không kiểm tra, kiểm soát tốt, còn tiêu cực, thì các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe còn bớt chương trình, bớt nội dung.


Ngoài ra, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để nâng cao chất lượng thực hiện đề án từ cấp trung ương đến địa phương, thời gian tới, Bộ GTVT không chỉ tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thuộc các cơ sở đào tạo, sát hạch vi phạm, mà còn quy trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo, tập thể và cá nhân trực tiếp quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; kiên quyết đình chỉ, thu hồi giấy phép đào tạo lái xe theo quy định đối với các cơ sở vi phạm.



Tiến Hiếu

Tăng chất lượng đào tạo lái xe để giảm tai nạn giao thông
Tăng chất lượng đào tạo lái xe để giảm tai nạn giao thông

Bộ GTVT đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm tăng chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN