Đánh thức niềm tin từ khảm trai

Xưởng khảm trai “Đánh thức niềm tin” của anh Nguyễn Đình Chiến và chị Phạm Thị Út tại Kim Bài (Thanh Oai, Hà Nội) đã thành lập được gần 3 năm, không những giúp đôi vợ chồng cùng là người khuyết tật này ổn định được nguồn kinh tế cho gia đình mà còn giúp những người cùng cảnh ngộ có việc làm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Sinh ra và lớn lên ở làng My Hạ, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ- nay là Hà Nội), Phạm Thị Út sớm bất hạnh vì năm lên 3 tuổi, bị teo cơ và bị liệt hai chân. Nhà có 6 anh chị em, bố mẹ làm nông, cuộc sống rất chật vật. Suốt những năm học cấp 1 và cấp 2, Út luôn luôn đoạt danh hiệu học sinh giỏi. Càng học lên cao, trường càng xa, đi học lại phiền người nhà đưa đón nên Út quyết định nghỉ học.

Sau thời gian ở nhà phụ mẹ bán quán, Út xin đi học nghề khảm trai. Tại đây, Út gặp anh Chiến, quê ở Phú Xuyên, cũng là người khuyết tật tới đây học nghề. Những ngày tháng ngắn học việc cùng nhau, hiểu hoàn cảnh, họ cảm mến nhau, rồi sau đó xây dựng thành gia đình.

Sau 1 năm học nghề khảm trai ở Phú Xuyên, Út xin đi làm thợ. Làm được ít lâu, Út muốn tách ra, bèn kêu gọi mấy anh em học cùng góp vốn. Năm đầu tiên xưởng mở ra, họ chuyên đi nhận hàng từ xưởng mộc về khảm. 1 năm sau đó, nhờ anh chị em bên ngoại vay giúp được 100 triệu đồng, cô thuê 1 căn nhà ở thị trấn Kim Bài để làm cửa hàng và cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Út nhớ lại những chuyện gian khổ những ngày đầu mở xưởng: “Với chiếc xe ba bánh tự chế, chồng em lụi cụi đến từng xưởng mộc để gửi danh thiếp, tự giới thiệu về cơ sở khảm trai của mình”. Những đơn hàng đầu tiên của cửa hàng đến từ những khách hàng đó. “Chúng em khảm theo yêu cầu từ sập gụ, tủ chè đến các bàn ghế, giường...”. Dần dà, thấy vậy vẫn là làm thuê cho người khác, thu nhập không cao, hai vợ chồng chuyển qua làm sản phẩm riêng. “Bây giờ chúng em không làm cho các xưởng mộc nữa mà làm tranh, làm các sản phẩm lưu niệm”. Đơn đặt hàng lớn nhất đầu tiên mà xưởng nhận được là của hai vị khách nước ngoài từ tổ chức phi chính phủ “Mary Knoll” với giá trị đơn hàng 40 triệu đồng.

Đồng cảm với người cùng cảnh ngộ

Tất bật ngược xuôi nhưng hai vợ chồng đều rất vui vì thấy công việc mình làm đang trên đà có hiệu quả.

Không những làm sản phẩm để bán, hai vợ chồng còn đăng ký tham gia nhiều triển lãm quốc tế và được bạn bè trong nước, thế giới đánh giá cao.

Út cho biết, khách hàng hiện nay không chỉ là những người ở Thanh Oai. Những người ở Phú Xuyên, vốn là đất tổ của nghề khảm trai này, đã biết tiếng hai vợ chồng mà tìm đến tận nơi đặt hàng. “Ở đất làng nghề, phần lớn các hộ sản xuất đều chạy đua theo thị trường nên dùng máy. Cửa hàng chúng em đã xác định sẽ giữ chân khách bằng yếu tố thủ công”.

Được giới thiệu, Út cũng mon men mang hàng đi triển lãm do Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức cho 19 tỉnh thành, những sản phẩm của “Đánh thức niềm tin” đã chinh phục được khách hàng khó tính. Cơ sở được gia nhập vào Hiệp hội sản xuất kinh doanh người tàn tật. Hàng năm, “Đánh thức niềm tin” đều đặn tham gia Hội chợ thường niên của Hiệp hội. Có lần, sản phẩm của cơ sở Út - Chiến đã giành được giải Nhất tại triển lãm quốc tế.

“Là người khuyết tật, em và chồng rất hiểu mong muốn của những người khuyết tật khác. Thật ra, có nhiều người muốn học nhưng vì không có đủ tiền để đóng góp 300.000 đồng/tháng nên nhiều người không theo được” - Út thổ lộ.

Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ khuyết tật của huyện Thanh Oai, Út đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho các chị em về Luật Người khuyết tật, giới thiệu những nghề chị em có thể học để kiếm việc làm.

Út bảo, bây giờ khó nhất với người khuyết tật khi lập nghiệp là vốn. Hai vợ chồng rất muốn mở lớp dạy nghề cho những anh chị em đồng cảnh ngộ. Nhưng điều kiện về nhà xưởng và kinh phí đều chưa có để thực hiện ước muốn này. Út cho biết, cũng đã lập 2 dự án: Lớp dạy nghề cho 15 người, với số vốn là 300 triệu đồng và dự án Lớp dạy nghề cho 70 người, số vốn 1 tỷ đồng (chỉ mới tính tiền ăn, ở, sinh hoạt).

Dự án đang chờ Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội cho ý kiến. “Hiện nay, đa số chị em khuyết tật chỉ ở nhà trồng rau đi chợ bán. Được đồng nào, hay đồng nấy. Nói chuyện học nghề, ai cũng thích. Nhưng họ chưa thấy cái lợi, chỉ thấy trước mắt tháng nào cũng mất mấy trăm nghìn là thấy nóng ruột rồi”- Út nói. “Nếu bây giờ dự án của em được duyệt, sẽ giúp được nhiều người cũng có cơ hội sản xuất, kinh doanh, nhất là các chị em khuyết tật”.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN