Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng đáng ngại

Thực trạng tăng vọt số lượng người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua khiến nhiều người lo ngại.

Xếp hàng đi đăng ký thất nghiệp

Lượng người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ở Hà Nội tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội số 285 phố Trung Kính, trong ngày 7/9, có tới trên 300 lao động tới làm thủ tục đăng ký thất nghiệp. Theo chị Phạm Thị Thêu, cán bộ phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm, từ đầu năm tới hết ngày 1/9, đã có 10.458 lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, trong khi cả năm 2010 chỉ có 4.192 người đăng ký. Như vậy, mới chỉ 8 tháng mà số lượng người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp đã cao gấp đôi so với lượng người đăng ký của cả năm 2010.

Cán bộ phòng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội hướng dẫn người lao động kê khai đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh : Hữu Việt - TTXVN


Năm 2009 có 5,9 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tổng số thu là 3.510 tỷ đồng. Năm 2010, có 7,05 triệu người, tổng số thu khoảng 4.800 tỷ đồng. Đến hết tháng 4/2011 có 7,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
(Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Tình trạng gia tăng lượng người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp bảo hiểm thất nghiệp là diễn biến chung của nhiều địa phương. Theo Trung tâm giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, thành phố có trên 70.000 người lao động đăng ký thất nghiệp, trong khi cả năm 2010, chỉ có khoảng 67.000 người. Số liệu tổng hợp của Cục Việc làm (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cũng cho thấy, đến hết tháng 6/2011, có 146.538 người tới đăng ký thất nghiệp tại các trung tâm giới thiệu việc làm. Con số này tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Bạch Trung Dũng, Phó phòng Chính sách lao động (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội), khác với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, lượng đăng ký cao do tỷ lệ “nhảy việc” cao. Còn ở Hà Nội, yếu tố "nhảy việc" không phải là nguyên nhân chính khiến số lượng đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh. Một cán bộ phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội) cho biết: Tăng số người đăng ký thất nghiệp là do nhiều doanh nghiệp thay đổi cơ sở sản xuất mà người lao động không thể đi theo tới nơi làm việc mới, phải nghỉ việc dẫn đến thất nghiệp. Trường hợp khác là do doanh nghiệp thay đổi mặt hàng sản xuất, người lao động không đáp ứng được yêu cầu nên phải nghỉ việc. Trường hợp 300 lao động đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong ngày 7/9 chính là công nhân của Tổng công ty dệt may Hà Nội. Vừa qua, doanh nghiệp này di dời cơ sở sản xuất ra huyện ngoại thành Thường Tín (Hà Nội) và hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam, kéo theo đó, có trên 2.300 công nhân bị thất nghiệp.

Cảnh báo từ thất nghiệp “ảo"

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp bắt đầu thực hiện từ 1/1/2009 và đến nay đã có trên 7,4 triệu người tham gia. Lượng người đăng ký ngày càng gia tăng đã cho thấy đây là chính sách rất cần thiết cho người sử dụng lao động và nhất là người lao động. Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, ông Điều Bá Được- Trưởng ban Chính sách thực hiện bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng, hiện tượng số lượng lao động đăng ký gia tăng tới mức bất bình thường như thời gian vừa qua là cần phải xem xét và nghiên cứu lại.

Người lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại điểm Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh : Hữu Việt - TTXVN


Theo nhìn nhận của những chuyên gia trong ngành, do nền kinh tế nước ta có khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thể duy trì được việc làm dẫn đến lượng người lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác khiến con số này tăng đột biến là do hiện tượng "thất nghiệp ảo". Theo ước tính của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, khoảng 10% số lượng người đăng ký thuộc diện này.

Ông Điều Bá Được lo ngại rất có thể xảy ra hiện tượng người sử dụng lao động “bắt tay” với người lao động để “trục lợi” từ chính sách và hiện tượng gia tăng đăng ký thất nghiệp vừa qua chỉ là thất nghiệp “ảo”. Ông Được phân tích, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay quy định người lao động chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 đến 36 tháng là được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng. Mức đóng đối với người sử dụng lao động là 1%, người lao động 1% và nhà nước hỗ trợ 1%. Mức đóng thấp nên có thể nhiều người lao động không thất nghiệp thực sự vẫn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Có trường hợp người lao động chấm dứt việc làm ở doanh nghiệp này, sau đó lại trở lại chính doanh nghiệp đó làm việc hoặc ký hợp đồng với doanh nghiệp khác. Nghĩa là, họ chủ động mất việc làm, hoặc họ vẫn có việc làm nhưng lại được thanh toán bảo hiểm thất nghiệp.

Đã có ý kiến từ phía ngành lao động lo ngại về nguy cơ có thể vỡ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng bất thường. Tuy nhiên, ông Điều Bá Được cho rằng, nguyên tắc bảo hiểm xã hội là số đông đóng góp, số ít được hưởng. Với trên 7 triệu người đóng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay và chỉ hơn 100 nghìn người trong số đó đề nghị hưởng thì Quỹ này vẫn đảm bảo trong giới hạn an toàn.

Không thể phủ nhận tính ưu việt của loại hình bảo hiểm thất nghiệp. Tuy vậy, trước những thực tế nêu trên, theo ông Điều Bá Được, chính sách bảo hiểm xã hội và các quy định về bảo hiểm thất nghiệp sau một thời gian triển khai đã nảy sinh nhiều vấn đề nên cần rà soát lại để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Mạnh Minh


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN