Đảm bảo cho người dân có điều kiện lựa chọn, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả

Nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện hơn 636 tỷ đồng.

Để thực hiện kế hoạch, tỉnh Quảng Nam đã đề ra lộ trình cho từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2020, sẽ có 100% cơ sở khám, chữa bệnh được cung ứng thuốc kịp thời cho nhu cầu khám, chữa bệnh và dự phòng. 100% cơ sở bán lẻ thuốc với hình thức quầy thuốc, đại lý bán lẻ thuốc của doanh nghiệp có địa điểm kinh doanh tại phường của thị xã, thành phố chuyển đổi lên hình thức nhà thuốc.

50% bệnh viện Trung ương trên địa bàn tỉnh, bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện khu vực có bộ phận dược lâm sang; 50% bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện ngoài công lập có hoạt động dược lâm sàng; đạt tỉ lệ 1,5 dược sĩ đại học/vạn dân, trong đó dược sĩ lâm sàng chiếm 5%.

Quảng Nam dự kiến đến năm 2020, sẽ có 100% cơ sở khám, chữa bệnh được cung ứng thuốc kịp thời cho nhu cầu khám, chữa bệnh và dự phòng. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Khoảng 70% bệnh viện, trung tâm y tế có kho thuốc đạt nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP)... Đến năm 2030, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền thuốc sử dụng/năm: Bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực đạt trên 65%, bệnh viện tuyến huyện đạt trên 75%.

Hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc ngang bằng các tỉnh trong cả nước. Tỉnh mở rộng diện tích nuôi trồng dược liệu tại các khu vực có thế mạnh về dược liệu tại các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Phú Ninh ...; khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu thành nguyên liệu cho sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Quảng Nam có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho việc nghiên cứu, sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây dược liệu, tham gia phát triển nuôi trồng dược liệu; hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao.

Đồng thời kiểm soát chất lượng thuốc, quản lý giá thuốc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo cho người dân có điều kiện tiếp cận, lựa chọn, sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả với giá hợp lý; phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp; phát triển vùng nuôi trồng dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh...

Nguyễn Sơn (TTXVN)
Giám sát, quản lí chặt chẽ chất lượng thuốc chữa bệnh
Giám sát, quản lí chặt chẽ chất lượng thuốc chữa bệnh

Bộ Y tế cho biết: Năm 2017, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) tiếp tục thực hiện kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam; đồng thời tăng cường kiểm tra các công ty sản xuất thuốc trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN