Đảm bảo an toàn cho người lao động Việt Nam tại Libi

Chiều 24/2, trao đổi với phóng viên TTXVN về tình hình người lao động Việt Nam tại Libi hiện nay và những biện pháp của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ - TB&XH) để bảo đảm an toàn cho người lao động tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Hiện nay có 10.462 lao động Việt Nam đang làm việc tại Libi.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ - TB&XH) có đầy đủ danh sách người lao động, số hộ chiếu, thông tin ngày xuất cảnh, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại Libi. Đó là thuận lợi nếu trong tình hình lộn xộn, người lao động bị mất giấy tờ, thì Cục vẫn có đầy đủ danh sách để cung cấp cho cơ quan lãnh sự và Đại sứ quán các nước để được hỗ trợ.

Bộ LĐ - TB & XH và các bộ, ngành chức năng liên tục chỉ đạo và sẽ lập Ủy ban khẩn cấp để kịp thời hỗ trợ lao động Việt Nam, cũng như cử các nhóm công tác sang các nước lân cận.

Sau khi xảy ra tình hình bất ổn ở Libi, Bộ đã chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan theo dõi, nắm tình hình thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Libi. Hiện lao động Việt Nam tại thành phố Banghazi có 2.000 người, tại thủ đô Tripôli và vùng lân cận có 5.000 người.

Đến thời điểm này, tất cả lao động Việt Nam tại Libi đều an toàn, hầu hết đều đã nghỉ việc (nhất là ở những nơi phức tạp như Tripôli, Banghazi), ở tập trung vào những nơi an toàn, được cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ và được khuyến cáo không được đi ra ngoài. Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên cập nhật tình hình và đưa ra những phương án khả thi để có thể định hướng giúp lao động Việt Nam tại Libi di chuyển an toàn sang các nước khác.

Theo Bộ trưởng, Bộ sẽ cử một số nhóm công tác sang các quốc gia láng giềng của Libi - nơi mà lao động Việt Nam có thể đi bằng đường bộ, đường biển sang, để hỗ trợ, giúp đỡ, bảo đảm an toàn cho họ. Sau đó mới tính phương án đón người lao động về nước. Tổng Công ty hàng không Vietnam Airlines cũng đã tính đến các phương án liên kết với các hãng hàng không của các quốc gia khác để đưa người lao động Việt Nam về nước. Đến thời điểm này, Bộ đã nắm được thông tin, đã có khoảng 2.000 lao động Việt Nam được đưa sang các nước lân cận.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thêm: Hiện nay tình hình thông tin liên lạc ở Libi gặp nhiều khó khăn, phương tiện vận tải hầu như tê liệt. Về lâu dài, vấn đề cung cấp lương thực, thực phẩm cho ngay cả người dân sở tại cũng khó khăn. Từ những tình huống đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, cũng như Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam để giúp đỡ, hỗ trợ cho lao động Việt Nam khi lao động của ta di chuyển sang nước họ.

Cũng trong chiều 24/2, Bộ LĐ - TB & XH đã họp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Tổng Công ty Hàng không Vietnam Airlines và các cơ quan có liên quan để thống nhất các phương án, kịp thời đưa người lao động Việt Nam về nước. Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đều thống nhất rất cao với mục tiêu bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam trong bất cứ tình huống nào...

Đại sứ nước ta tại Libi:
Lao động Việt Nam vẫn an toàn

Ngày 24/2, phóng viên TTXVN tại Trung Đông đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Libi Đào Duy Tiến về những tác động của tình hình cũng như những vấn đề liên quan đến cộng đồng người Việt tại đây.

Đại sứ khẳng định, người lao động nước ta tại Libi vẫn an toàn. Theo đại sứ, cộng đồng người Việt tại Libi chủ yếu là người lao động xuất khẩu có thời hạn, ngoài ra có 10 sinh viên đang theo học tại Trường Hồi giáo ở thủ đô Tripôli. Do tình hình bất ổn tại Libi nên người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn. Một là mất việc làm, phải về nước trước thời hạn hợp đồng kết thúc. Hai là cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày gặp khó khăn, thiếu thốn. Ba là luôn phải đối phó với tình hình, không dám đi ra ngoài. Đối với sinh viên thì việc học hành bị tạm dừng, tâm lý lo lắng và căng thẳng nhiều.

Đại sứ Đào Duy Tiến cho biết, sứ quán đã họp với đại diện các công ty Việt Nam xuất khẩu lao động tại Libi để thông báo tình hình, nắm các vấn đề liên quan đến người lao động. Hai bên thường xuyên duy trì liên lạc. Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Libi cũng đã làm việc với các cơ quan chức năng nước sở tại và lãnh đạo các công ty sử dụng lao động Việt Nam, đề nghị họ có biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động; đảm bảo việc cung cấp nhu yếu phẩm và sơ tán người lao động đến nơi an toàn khi cần thiết.

Khi tình hình bất ổn lan rộng ra khắp các khu vực của Libi, Đại sứ quán cũng đã báo cáo các cơ quan chức năng trong nước để chỉ đạo các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam ngừng đưa lao động sang, phối hợp chặt chẽ với với các công ty nhận lao động Việt Nam trong việc sơ tán, giải quyết quyền lợi cho người lao động. Hiện nay, theo chỉ đạo ở trong nước, Đại sứ quán đã dự kiến các phương án đưa người lao động ra khỏi Libi, đồng thời tích cực phối hợp với các công ty nước ngoài nhằm giải quyết các thủ tục cần thiết để họ có thể đưa lao động Việt Nam về nước. Chiều 23/2, đã có một số đoàn, nhóm lao động Việt Nam được một số công ty Hàn Quốc, Braxin, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khỏi Libi bằng đường bộ, đường hàng không và đường thủy để sau đó về nước.

Bùi Hoàn (P/v TTXVN tại Trung Đông)


Gần 200 lao động Việt Nam tại Libi về đến Nội Bài vào sáng 25/2

Trao đổi với phóng viên TTXVN qua điện thoại, đại diện Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, sáng sớm hôm nay (25/2), chuyến bay đầu tiên chở gần 200 người lao động Việt Nam từ Libi sẽ về đến sân bay Nội Bài. Trong số này chủ yếu là người lao động của Công ty cổ phần nhân lực và thương mại Vinaconex (Vinaconex Mec) - đơn vị thực hiện chức năng xuất khẩu lao động, đào tạo nghề thuộc Vinaconex. Vinaconex Mec đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ tối đa cho người lao động trở về từ Libi. Vinaconex Mec có gần 3.800 lao động đang làm việc tại Libi. Hiện Vinaconex đang phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Bộ Ngoại giao để bảo đảm an toàn cho người lao động của Vinaconex còn đang ở Libi và đưa người lao động sang những khu vực an toàn trước khi trở về nước.

Thu Hằng

Phúc Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN