Đã có 907 lao động Việt Nam từ Libi về nước

Tính đến 19 giờ 20 phút ngày 27/2, đã có 907 lao động Việt Nam từ Libi về nước an toàn. Dự kiến, trong chuyến bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào 23 giờ ngày 27/2 sẽ có thêm 50 lao động nữa về nước.


Hôm nay (28/2), sẽ có thêm một chuyến bay từ Băngcốc đưa 40 lao động Việt Nam về nước, hạ cánh vào lúc 17 giờ 20 phút. Ông Nguyễn Xuân Tạo, Phó phòng Quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết như vậy.

Làm thủ tục nhập cảnh cho người lao động tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 27/2. Ảnh: Hữu Việt – TTXVN


Ông Tạo cho biết thêm: Tính đến thời điểm này, 7.400 lao động Việt Nam đã có kế hoạch di dời, trong đó có 3.400 người đã di dời ra khỏi Libi đến các nước lân cận để chuẩn bị về nước. Các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị hữu quan đang tìm giải pháp để đưa hơn 3.000 lao động Việt Nam còn lại, chủ yếu đang ở Tripôli và bến cảng Benghazi, di chuyển ra khỏi Libi.

Hầu hết lao động từ Libi về nước ngày 27/2 là của Công ty TNHH một thành viên Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại Sona, Công ty cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconexmec và Công ty Hợp tác lao động xuất khẩu Letco.

Ông Ngô Xuân Huy, Phó Giám đốc Công ty Vinaconexmec cho biết: Hai ngày nay, công ty đã đưa được 188 lao động về nước, theo nhiều chuyến, nhiều đường. Riêng 67 người về nước lúc 19 giờ 20 phút ngày 27/2 là đi theo các chuyến bay từ Băngcốc (Thái Lan), Xiêm Riệp (Campuchia), Cata. Hiện có 620 lao động do công ty cung ứng đã có mặt tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và trong đêm 27/2 sẽ có thêm 220 người về đó để chuẩn bị bay về Việt Nam.

Ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Công ty Sona cũng cho biết: Trong hai ngày qua, 544 lao động do công ty cung ứng đã về nước qua 5 chuyến bay. Hiện 1.329 lao động do Sona đưa đi đã và đang di chuyển ra khỏi Libi (chiếm 60% tổng số lao động do công ty đưa đi đang làm việc tại Libi), trong đó 100 lao động đang ở Ai Cập và đã có vé máy bay về Việt Nam, 26 lao động đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, 440 lao động ở Manta; 41 lao động đang trên đường sang Ai Cập bằng đường bộ, 719 lao động sang Manta bằng đường thủy…

* Theo PV TTXVN tại Ai Cập, sáng 27/2, sân bay quốc tế Cairô (Ai Cập) đã đón thêm 382 lao động Việt Nam từ Libi tới qua cửa khẩu Salloum của Ai Cập. Số lao động này được Công ty Vinaconexmec đưa sang Libi làm việc cho doanh nghiệp ô tô Huyndai AMCO của Hàn Quốc. Lãnh đạo Công ty Huyndai AMCO hứa sẽ nhanh chóng mua vé đưa những lao động này về nước, cũng như đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu trong thời gian quá cảnh.

Cùng ngày, có thêm 63 lao động do công ty Hadico đưa sang làm việc cho đối tác Sejoog của Hàn Quốc được máy bay của Bồ Đào Nha đưa từ một sân bay quân sự ở Libi tới sân bay quốc tế Cairô. 22 người trong số này sẽ lên đường về Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không Cata ngay chiều 27/2. Số còn lại dự kiến tiếp tục về nước trong những chuyến máy bay tiếp theo.

Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đang phối hợp với các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp sử dụng lao động hoàn tất các thủ tục cần thiết đưa công dân Việt Nam về nước. Trong thời gian quá cảnh, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đảm bảo việc cung cấp đồ ăn và nước uống hàng ngày cho những người lao động.

Theo tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Libi, 44 lao động Việt Nam làm cho Công ty SVLidco của Libi cũng đang trên đường tới Ai Cập qua cửa khẩu Salloum. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi danh sách hơn 700 lao động Việt Nam dự kiến sẽ vào Ai Cập qua cửa khẩu này.

* Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, các nước lân cận Libi như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Manta, Hy lạp, Tuynidi cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho lao động Việt Nam quá cảnh. Những ngày qua, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Libi và các nước lân cận tập trung nỗ lực hỗ trợ đưa người Việt ra khỏi Libi, cấp giấy tờ cần thiết cho hàng ngàn người, phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại đảm bảo an toàn cho người Việt tại Libi và tìm mọi cách đưa họ sang các nước lân cận. Các đại sứ quán Việt Nam tại Libi, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã cử cán bộ đến tận nơi tập trung lao động Việt Nam, trực tiếp phối hợp và hỗ trợ cơ quan quản lý lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và chủ lao động nước ngoài để sơ tán người lao động. Các đơn vị liên quan trong nước cũng đã giao thiệp với đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam đề nghị phối hợp giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ đưa công dân Việt Nam ra khỏi Libi an toàn và về nước trong thời gian sớm nhất.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết theo kế hoạch, đến ngày 2/3/2011 sẽ có 7.484 lao động Việt Nam được đưa ra khỏi Libi.

Những người lao động từ Libi về nước sẽ được Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ ban đầu 1 triệu đồng. Sau khi toàn bộ lao động về nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ căn cứ mức độ thiệt hại để hỗ trợ thêm theo quy định của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Các doanh nghiệp đưa lao động đi cũng dành một khoản hỗ trợ ban đầu cho người lao động để về gia đình và ổn định cuộc sống.

Phúc Hằng - Bùi Hoàn - Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN