Cúc Tây Tựu phải đổ bỏ, người trồng lao đao

Cúc là loại hoa truyền thống, chiếm diện tích chủ đạo, là nguồn thu nhập chính của người dân trồng hoa Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội). Nhưng năm nay, người trồng hoa “méo mặt” bởi hoa nở rộ nhưng không có thị trường tiêu thụ, giá rớt thê thảm, phải chất đống bỏ đi.

100 đồng/ 1 bông cúc

Đã gần nửa tháng nay người dân trồng cúc ở Tây Tựu lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, để cũng không được, mà bán thì không có người mua. Cúc năm nay nở sớm, một phần vì thời tiết nồm, bà con xuống giống hơi sớm, phần vì cung vượt quá cầu. Ven hai bên đường Tây Tựu, ở các kênh dẫn nước, cúc được đổ thành đống; cúc nở tại ruộng được giẫm bỏ hoặc đốt làm tro, những xe chở rác chất đầy hoa cúc. Nhiều hộ dân đã tự tay phá bỏ thành quả lao động của mình, vì nếu mất thêm công cắt đi chợ bán với giá chưa bằng cây giống thì “lỗ đè lỗ”.

Cúc bị bỏ chất đống ngay trên ruộng.


Theo người dân trồng cúc ở Tây Tựu, nếu như ngày thường ngày hoa bán với giá 1.500 đồng/bông thì nay chỉ bán chưa được vài trăm đồng. Có những khi rớt giá thảm hại, cúc bán tại vườn có giá chỉ 100 đồng/ bông, một bó 50 bông chỉ có giá 5.000 đồng. “Cắt bó hoa cả tay ôm nặng mà chỉ có giá bằng hai chiếc bánh mì, nhưng chẳng nhẽ mình làm ra lại không thu hoạch”, anh Đinh Duy Hùng lắc đầu nói.

Mỗi cây cúc giống được mua với giá 150 – 180 đồng, gần 4 tháng và bao công sức chăm sóc, ước tính cúc có giá trên 1.000 đồng/bông thì người dân mới có chút lãi. Theo nhiều hộ dân, năm nay một sào cúc khoảng 2 vạn rưỡi cây bán vớt vát được 1,5 triệu đồng, chỉ đủ tiền điện thắp sáng.
Anh Nguyễn Hữu Minh (Cụm 1, Tổ dân phố Thượng, Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) cho biết: “Cúc năm nay nở sớm, nở đồng loạt nên rớt giá. Mấy hôm trước cắt mang lên chợ bán cũng không ai mua, cho cũng không ai lấy, lại mang về đổ đống. Đã lỗ rồi, mất công thuê người cắt nữa lại lỗ thêm, nên chúng tôi quyết định phá bỏ, cũng phải chuẩn bị cho một vụ mới thôi”.

Ồ ạt mở rộng diện tích

Tây Tựu có khoảng 300 ha diện tích chuyên canh trồng hoa, trong đó diện tích trồng cúc chiếm hơn nửa. So với năm ngoái, diện tích đất trồng cúc được mở rộng thêm 50 ha từ đất của các loại hoa khác chuyển sang và đất thuê ở Đan Phượng, Minh Khai, Phú Thượng… Năm ngoái thắng mùa cúc, thu nhập của người dân khấm khá, nên năm nay người trồng hoa ồ ạt mở rộng diện tích.

Anh Nguyễn Trung Kiên (Cụm 7, Tổ dân phố Trung, Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) cho biết: Trung bình một vụ, mỗi hộ dân trồng cúc thu lãi khoảng 40 – 50 triệu đồng, nên năm nay mỗi nhà tăng thêm vài sào. Cúc trồng nhiều nhưng tiêu thụ không được nên giá rẻ như cho, bà con lỗ lớn.

Cúc nở bung, xác xơ, dân không màng thu hoạch.


Trước đây, người trồng hoa chủ yếu tiêu thụ tại chợ hoa đầu mối, bán lẻ tại vườn. Vài năm trở lại đây, vào vụ Tết thì phần nhiều bán cho thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên việc bán cho thương lái Trung Quốc không có hợp đồng, không có gì chắc chắn bởi chỉ là mua bán bằng “miệng”. Thương lái Trung Quốc thường đặt hàng từ giữa tháng 11 âm lịch, trong khi bà con phải xuống giống từ tháng 9 âm lịch (cúc Đài Loan, cúc Tầu thì sớm hơn).

Chính vì vậy mà bà con không lường trước được việc khi thương lái không thu mua thì sẽ tiêu thụ như thế nào. “Những năm trước, nhiều hộ dân (trong đó có gia đình tôi) đã bán hoa cho thương lái Trung Quốc, họ thu mua với giá cao gấp 4 lần với thị trường. Cúc họ mua là giống cúc vàng đông (vàng Đài Loan, hay vàng Tầu), hoa đẹp nhưng thời gian trồng dài hơn. Nhưng họ mua theo thời vụ, khi nào họ khan hàng thì họ sẽ gọi bảo mình cắt, cũng bấp bênh lắm” anh Kiên chia sẻ.

Một xe cúc cao ngút đầu chỉ bán được giá 200 ngàn đồng.


Năm nay diện tích trồng cúc mở rộng, đến vụ thu hoạch nhưng thương lái Trung Quốc không thu mua, lượng cúc dư không có thị trường tiêu thụ, giá cúc rớt, người dân trồng cúc lao đao. Tại chợ Quảng An, anh Đinh Duy Doanh (Thôn Đăm, Tây Tựu, Từ Liêm) mang hoa lên chợ bán buôn cho biết: “Tôi cứ mang xuống, khách mua bao nhiêu thì mua, không thì cứ gửi lại họ, bán được thì bán, không được thì mai lại phải bỏ đi”.

Thời tiết những ngày cuối năm lạnh hơn, người dân Tây Tựu mong thời tiết vẫn giữ như thế này, cúc có thể hãm lại vừa kịp đón dịp Tết ông Công ông Táo, Tết Nguyên Đán sắp tới để gỡ lại chút ít.

Bài và ảnh: Nguyễn Lộc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN