Công chức “ló cái khôn” hay nghỉ việc?

1. Bộ Nội vụ mới công bố dự thảo báo cáo về Định hướng cải cách lương đối với cán bộ, công chức giai đoạn 2012 - 2020. Theo dự thảo, mức lương công chức mới đảm bảo 50% nhu cầu tối thiểu và Bộ kiến nghị nâng mức lương tối thiểu để cán bộ, công chức, viên chức đủ sống bằng lương.

Khi sự tăng lương vẫn đang dừng ở mức... kiến nghị, thì liên tiếp có những thông tin về việc cán bộ, công nhân viên xin nghỉ việc vì lương không đủ sống. Cuối tuần qua, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, từ đầu năm học đến nay ngành giáo dục mầm non TP đã có 442 giáo viên, cán bộ xin nghỉ việc vì công việc quá tải, lương không đủ trang trải cuộc sống. Điều đáng nói là hiện TP mới đáp ứng 20% số lượng bảo mẫu cần thiết, còn thiếu 7.200 bảo mẫu, 24 cán bộ quản lý và 783 giáo viên.

Cũng cuối tuần qua, báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, từ năm 2007 đến nay số cán bộ, viên chức xin ra khỏi ngành là 1.353, nguyên nhân là chưa tương xứng giữa tính chất công việc và thu nhập.

Công chức không sống đủ bằng lương vốn là câu chuyện dài. Theo khảo sát của Bộ Nội vụ, có hơn 98% cán bộ công chức cho rằng mức lương tối thiểu chưa đảm bảo được nhu cầu... tối thiểu của người hưởng lương.

2. Nhưng tại sao, vẫn nhiều công chức sống ở mức “tốt” mà với đồng lương của họ sẽ không thể nào có được?

Ai cũng biết, họ có thu nhập ngoài lương, loại thu nhập không minh bạch và muôn hình vạn trạng. Do đó, ngay đội ngũ cán bộ công chức cũng phân hóa giàu nghèo. Người làm công ăn lương thuần túy như giáo viên, cán bộ bảo hiểm xã hội... sẽ khác xa với những công chức làm những việc cụ thể trực tiếp với dân, doanh nghiệp liên quan đến nhân sự, tài chính, đất đai...

Thực tế, công chức là người làm công, ăn lương từ ngân sách Nhà nước. Mức lương trả cho công chức phụ thuộc vào khả năng của ngân sách, không dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên, nếu mức lương không đúng, không đủ sẽ làm méo mó quan hệ tiền lương và phát sinh nhiều tiêu cực. Công chức sẽ “tìm cách khai thác đặc quyền công chức để bù đắp tiền lương”. Khi túng thì phải tính theo kiểu “Cái khó ló cái khôn”, trong hoàn cảnh này, khoảng cách từ việc “ló cái khôn” đến “Đói ăn vụng, túng làm liều” không còn quá xa.




Ảnh chỉ có tính chất minh họa


Đến đây, tôi lại thấy lo khi nghĩ đến việc các bệnh viện “nói không với phong bì”. Theo quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh từ năm 1995 chỉ từ 500 -3.000 đồng/lần, trong đó bác sĩ chỉ được vài trăm đồng cho một lượt khám. Tiền bồi dưỡng cho mỗi ca mổ loại 1 phức tạp, kéo dài chỉ được từ 30-35.000 đồng tùy bệnh viện, loại 2 được 25.000 đồng, loại 3 được 20.000 đồng. Liệu có bao nhiêu bác sĩ đủ dũng cảm để từ chối những phong bì nặng trịch với những tiền trăm, tiền triệu mà người nhà bệnh nhân “tự nguyện” dấm dúi một cách kín đáo.

Tôi đồ rằng, nếu cứ siết chặt để 100% bác sĩ không được phép “ló cái khôn”, thì số bác sĩ xin nghỉ ở bệnh viện công không chỉ dừng lại như con số giáo viên ở TP.HCM hay cán bộ ở ngành BHXH. Nghĩ mà thấy khó.


Theo thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN