Có hay không việc Bộ Y tế bao che các vụ tai biến sản khoa?

9 vụ tai biến sản khoa liên tiếp xảy ra từ giữa tháng 4 đến nay đã khiến 9 sản phụ và 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng. Nhiều người dân rất hoang mang về nguyên nhân các vụ việc và quan tâm ngành y sẽ có giải pháp gì để kiểm soát tình hình.


Ông Nguyễn Duy Khê (ảnh), Vụ trưởng Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trao đổi với Tin tức về vấn đề này.

´Đã có nhiều vụ tai biến sản khoa xảy ra trong 2 tháng qua nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân các vụ việc. Liệu có phải do Bộ Y tế “vào cuộc” chậm trễ hoặc cố ý bao che cho cán bộ của ngành không, thưa ông?


Tôi khẳng định quan điểm của ngành y tế, của Bộ trưởng Bộ Y tế là không bao che cho các cơ sở y tế để xảy ra tai biến sản khoa gây tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh. Bộ Y tế đã chỉ đạo các sở y tế ở địa bàn xảy ra tai biến sản khoa gây tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh, cần nhanh chóng tổ chức hội đồng chuyên môn để điều tra rõ vụ việc. Đồng thời, căn cứ vào kết luận về nguyên nhân tử vong của giám định pháp y để nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm các bên liên quan, nếu cơ sở hoặc cán bộ y tế có sai phạm thì xử lý nghiêm theo luật định.


Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ đạo trong công tác kiểm tra phải nghiêm túc xem xét toàn diện các nguyên nhân, ngoài các yếu tố bất khả kháng, còn có những nguyên nhân nào khác như do thiếu cán bộ, do tổ chức, bố trí nhân lực chưa hợp lý, có phải do chưa thực hiện tốt các quy chế của bệnh viện (BV), quy định về theo dõi, cấp cứu sản phụ hoặc năng lực, trình độ cán bộ còn yếu hay không. Mục đích nhằm ngoài việc xem xét trách nhiệm của những bộ phận, cá nhân có liên quan còn để đưa ra các giải pháp can thiệp một cách toàn diện, hạn chế thấp nhất các tai biến tương tự có thể xảy ra.


 

Người nhà của sản phụ Lê Thị Hương tập trung phản ứng trước cái chết của người thân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi (ngày 18/4/2012).

 

Bộ Y tế cũng đã cử ba đoàn công tác tới Hưng Yên, Quảng Ngãi, Đồng Nai, là 3/6 địa phương xảy ra tai biến, để trực tiếp kiểm tra, đánh giá tình hình và rút kinh nghiệm với lãnh đạo các sở y tế và các cơ sở y tế có liên quan về tổ chức sắp xếp nhân sự cũng như việc chấp hành các quy chế chuyên môn có liên quan đến công tác chăm sóc thai sản, cấp cứu sản khoa, cấp cứu sơ sinh. Đoàn cũng yêu cầu các sở y tế khẩn trương tổ chức họp hội đồng chuyên môn để sớm có kết luận về chuyên môn cũng như xem xét trách nhiệm các tập thể cá nhân, nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm theo luật định. Thời gian tới các đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục tới các địa phương khác.


´Nguồn nhân lực thiếu và yếu có phải là một trong những nguyên nhân gây nên các vụ tai biến sản khoa vừa qua không, thưa ông?


Thông tin phản ánh ban đầu (từ đoàn kiểm tra của BV Phụ sản TƯ, BV Từ Dũ) cho thấy, sự thiếu hụt nguồn nhân lực tại một vài cơ sở y tế xảy ra tai biến cũng có ảnh hưởng đến công tác triển khai chăm sóc sản phụ và thực hiện quy trình chuyên môn kỹ thuật chẩn đoán cấp cứu sản khoa. Nhiều khi do phải trực dày, sản phụ lại đông nên ảnh hưởng đến chất lượng theo dõi chăm sóc người bệnh.


Tuy nhiên, chúng tôi đang chờ kết quả báo cáo chính thức của các đoàn kiểm tra gửi về. Dẫu vậy thì việc xác định nguyên nhân cuối cùng của các vụ tai biến sản khoa vẫn cần chờ kết luận từ giám định pháp y.

 

´Xin ông cho biết, ngành y tế sẽ làm gì để hạn chế các vụ tai biến sản khoa trong thời gian tới?


Ngành y tế đã và đang chỉ đạo triển khai tất cả biện pháp quyết liệt có thể để giảm thấp nhất các tai biến đáng tiếc có thể xảy ra đối với các thai phụ và trẻ sơ sinh.
Bên cạnh việc cử các đoàn công tác về làm việc trực tiếp với các địa phương, lãnh đạo Bộ Y tế đã ký liên tiếp 2 công văn yêu cầu các sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở y tế trên địa bàn để chấn chỉnh việc thực hiện các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật về chẩn đoán, theo dõi, cấp cứu sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh... Những cơ sở y tế không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết theo quy định cần được củng cố kịp thời hoặc tạm thời không triển khai công tác đỡ đẻ.
Bộ Y tế cũng đã giao BV Phụ sản Trung ương và BV Từ Dũ tổ chức ngay các lớp tập huấn đào tạo lại cho cán bộ y tế tuyến dưới, tập trung vào các nội dung về theo dõi cuộc đẻ và cấp cứu, hồi sức sản khoa...


Mặt khác, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp lâu dài nhằm hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, trong đó có công tác đào tạo nhằm bổ sung số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa; đồng thời củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ tuyến trung ương đến cơ sở.


Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành, nhất là khâu đào tạo lại cho cán bộ trực tiếp làm công việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em theo hướng cầm tay chỉ việc, đào tạo theo kíp. Tăng cường đào tạo BS chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa nhi, đặc biệt chú trọng hình thức đào tạo BS chuyên khoa sơ bộ để nhanh chóng bổ sung lực lượng cán bộ chuyên khoa thuộc hai chuyên ngành trên hiện đang rất thiếu. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp tục tăng cường đào tạo đội ngũ cô đỡ thôn bản hoặc cán bộ y tế thôn bản. Việc đảm bảo chế độ chính sách thu hút cán bộ chuyên môn, đặc biệt là cán bộ giỏi về công tác ở tuyến dưới, đặc biệt là công tác lâu dài ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng là vấn đề sẽ đặc biệt được quan tâm.


Để hạn chế các ca tai biến sản khoa, theo tôi ngoài sự nỗ lực của ngành y tế thì các sản phụ cũng cần nâng cao ý thức, nghiêm túc thực hiện đầy đủ các lần khám thai định kỳ theo khuyến cáo của BS. Khi thai phụ hiểu được các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai, sẽ có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường mà kịp thời tới cơ sở y tế.


Xin cảm ơn ông!


Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN