Chuyện về chiến khu thứ 8 thời tiền khởi nghĩa - Bài 2

Những chiến công của đội quân nông dân


Trong cuộc cánh mạng lịch sử của dân tộc ta 67 năm về trước, Bắc Giang là một trong 4 tỉnh khởi nghĩa và giành chính quyền sớm nhất cả nước. Trong đội quân tiến về tỉnh lỵ mùa thu năm ấy có những chiến sĩ nông dân làng Bừng.

 

Tiêu diệt ác ôn, giải thoát chiến sĩ


Sau một thời gian huấn luyện ngắn hạn, đội tự vệ đã được chia ra thành những nhóm nhỏ đi tuần tra khắp làng trên, xóm dưới. Việc chia nhỏ đội nhằm tránh tai mắt của bọn thực dân, phát xít và Việt gian, mật thám.


Ông Nguyễn Thái Bạch (Hoàng Bạch) râu trắng, ngồi ghế - người lãnh đạo trực tiếp phong trào cách mạng ở làng Bừng (ảnh chụp năm 1964).


Chiến công đầu tiên của đội tự vệ làng Bừng là ngăn chặn và đập tan âm mưu của phát xít Nhật khi chúng cho quân về đây ép dân nhổ lúa trồng đay, thu thuế. Đồng thời trong tháng 3/1945, đội tự vệ làng Bừng đã chặn và cướp được 3 thuyền chở thóc của Nhật xuôi sông Thương qua đây, mang về chia cho dân, cho chiến sĩ đang hoạt động cách mạng trên địa bàn.


Nhận thấy tình hình cách mạng, chiến đấu ở Bừng đang nổi dậy, tên quan phủ Lạng Thương khét tiếng Cung Đình Vận đã cử đệ nhất võ sĩ Luân và tên Việt gian thâm hiểm Nguyễn Văn Y (người xã Phi Mô, Lạng Giang) về tìm hiểu và thủ tiêu những chiến sĩ ở làng Bừng. Ông Hà Văn Cứ kể: “Võ sĩ Luân là một tên cướp khét tiếng có nợ máu với nhân dân trong vùng Phủ Lạng Thương. Hắn được học võ thuật của Nhật Bản và luôn đeo bên mình thanh kiếm Nhật dài 1 m. Còn tên Y là một kẻ nham hiểm và chúng đã bán nước cầu vinh đi theo Nhật”.


Ngày 19/4/1945, võ sĩ Luân vào nhà ông Chánh Đông để do thám tình hình nhằm thủ tiêu một số chiến sĩ ở đây. Nhận thấy đây là thời cơ thuận lợi để tiêu diệt tên ác ôn này, đội tự vệ đã dùng mưu vờ thân với hắn, cho hắn ăn uống say để đợi thời cơ ra tay. Ông Cứ cho biết, nếu đánh trực diện thì 10-15 chiến sĩ tự vệ mới được huấn luyện cũng không phải là đối thủ của hắn. Khi tên võ sĩ Luân đã uống say và ngủ ở trên phản thì bất ngờ ông Hoàng Hoa Phẩm phi tới dùng kiếm chém lìa 1 cánh tay của hắn. Khi bất ngờ bị tấn công và lìa một cánh tay, tên Luân vẫn vùng được dậy và lao ra ngoài sân. Lúc này ông Phẩm đuổi theo ôm ghì tên Luân nhằm trói hắn. Nhưng với sức khỏe phi thường tên Luân vẫn kéo ông Phẩm đi 1 đoạn ngoài sân và làm ông bị thương. Máu mê lênh láng khắp sân, 3 chiến sĩ khác của làng Bừng đang phục kích đã cùng xông vào phối hợp với ông Phẩm, trói được hắn. Còn tên Y không có võ nên được bị đội tự vệ bắt khi hắn đang đi thám thính trên đường làng. Ông Nguyễn Thái Bạch (tức Hoàng Bạch), người lãnh đạo cách mạng ở làng Bừng khi không có các đồng chí cấp trên đã quyết định xử trảm ngay tên Luân, tên Y trong đêm hôm đó để trừ ác cho dân.


Ông Nguyễn Khắc Nhượng kể lại: “Bọn phát xít Nhật bắt được đồng chí Hoàng Quốc Thịnh (biệt danh Trâu đen) và giam ông dưới Phủ Lạng Thương. Nhận được lệnh của ông Hoàng Bạch truyền cho ông Liệu rồi ông Kê, đội tự vệ vũ trang làng Bừng đã cử một số chiến sĩ cải trang tiếp cận nhà giam, đàm phán, quy hàng một số tên lính canh vốn là người Việt. Sau khi thuyết phục được một số tên lính canh đầu hàng và để kế hoạch không bị bại lộ, chiến sĩ tự vệ đã quyết định đưa thuốc mê vào cho ông Thịnh uống và giả chết. Khi những tên lính báo cáo xong đã khênh ông Thịnh ra ngoài cánh đồng để vứt xác, nhân đó các chiến sĩ đội tự vệ đã giải thoát cho ông Thịnh, đồng thời tước vũ khí và cho những binh lính đầu hàng về quê”.


Chỉ sau một thời gian ngắn tiếng vang của đội tự vệ làng Bừng đã bay xa. Với những chiến công cướp thuyền thóc, tiêu diệt 2 tên ác ôn, giải thoát chiến sĩ cách mạng thì bọn phát xít Nhật và tay sai đã run sợ và ngày đêm tìm cách đối phó với đội quân làng Bừng.


Từ làng tiến về tỉnh lị, thủ đô


Đầu tháng 8/1945, phát xít Nhật đã dần dần bại trận trên khắp các chiến trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật chính thức buông súng đầu hàng quân đồng minh. Nhận thấy đây là thời cơ ngàn năm có một, Đảng, Mặt trận Việt Minh đã quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Bắc Giang chính là tỉnh lỵ đi tiên phong trong cuộc tổng khởi nghĩa ấy. Đêm ngày 17/8/1945, Chủ tỉnh Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bắc Giang khi đó là đồng chí Nguyễn Thanh Bình đã huy động đội tự vệ vũ trang làng Bừng cùng một số chiến sĩ ở những nơi khác tiến về Phủ Lạng Thương để chiến đấu, bảo vệ tỉnh lị, giải giáp quân Nhật.


Dưới sự chỉ huy trực tiếp của các đồng chí Hà Thị Quế, Hoàng Bạch, Hoàng Quốc Thịnh và Ngô Ngọc Dương, đội tự vệ 44 chiến sĩ làng Bừng đã chia thành 3 mũi tiến về các vị trí trọng yếu. Ông Cứ nhớ lại: “Đội thứ nhất chúng tôi tiến về chùa Dền phía đông Phủ Lạng Thương. Đội thứ 2 tiến về chốt giữ ở ngã ba Quán Thành (nay thuộc xã Xương Giang, TP Bắc Giang) và đội thứ 3 trong đó có tôi chốt giữ ở cầu Bắc Giang, cửa ngõ phía nam của Phủ”.


Nhật đã đầu hàng đồng minh từ trước, cùng với khí thế cách mạng mạnh mẽ, tên quan tỉnh ở Phủ Lạng Thương khi đó là Nguyễn Ngọc Đĩnh đã phất cờ trắng đầu hàng. Chính vì thế cuộc chiến giải phóng Phủ Lạng Thương của đội tự vệ làng Bừng không phải đổ máu. Ban cán sự đảng Bắc Giang và mặt trận Việt Minh nhận định: Lợi dụng danh nghĩa quân đội đồng minh, quân Tưởng Giới Thạch có thể tràn vào và chúng cướp bóc của cải của nhân dân hoặc bọn thực dân Pháp sẽ thừa quay lại cướp chính quyền và cai trị nước ta như cũ. Ở Phủ Lạng Thương cũng rơi vào tình thế như vậy. Chính vì thế theo lệnh của cấp trên, nhiệm vụ quan trọng nhất của đội tự vệ làng Bừng là bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân ở Phủ Lạng Thương, đập tan âm mưu lợi dụng, thừa cơ đục nước béo cò của bọn quân Tưởng cũng như thực dân Pháp.


Ngày 18/8/1945 chính quyền ở Phủ Lạng Thương đã chính thức về tay cách mạng, về tay nhân dân. Bắc Giang đã trở thành 1 trong 4 tỉnh (cùng với Hải Dương, Hà Tĩnh và Quảng Nam) giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Ngay sau khi chính quyền hoàn toàn về ta, đội tự vệ vũ trang làng Bừng tập hợp với các chiến sĩ tự vệ ở khắp tỉnh thành lập liên đội tự vệ, mang theo cờ đỏ sao vàng tiến về Hà Nội cướp chính quyền vào đêm 18/8. Trên quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội sáng 19/8 lịch sử ấy cũng có mặt những chiến sĩ tự vệ làng Bừng mít tinh, tuần hành và cướp chính quyền ở cơ quan đầu não của phát xít.



Bài và ảnh: Văn Hải - Nguyễn Hường - Trương Viễn


Bài cuối: Đừng lãng quên trang sử hào hùng

Chuyện về chiến khu thứ 8 thời tiền khởi nghĩa - Bài 1
Chuyện về chiến khu thứ 8 thời tiền khởi nghĩa - Bài 1

Có một địa danh được coi như chiến khu “đất thép, thành đồng” miền Kinh Bắc. Mảnh đất ấy có tên là Bừng, đã nuôi dưỡng, che chở cho rất nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta sau này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN