Chuyện làm chứng minh thư ở làng Cùi

Đã sống gần trọn đời người ở cái mảnh đất từng chứng kiến biết bao thân phận với nỗi ám ảnh bệnh tật và ngày tháng cô đơn dằng dặc, thế mà đến tận bây giờ, ông Dương Văn Thuế 83 tuổi và vợ, bà Nguyễn Thị Ninh 81 tuổi cứ ngỡ trong mơ: Lần đầu tiên trong đời, ông bà được công an huyện xuống nhà làm chứng minh nhân dân...

Cũng giống như ông Thuế, bà Ninh, hơn một ngàn hộ gia đình ở thôn Cộng Đồng, Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, cũng đang tất bật chuẩn bị đón các chú công an về làm chứng minh nhân dân. Nói là làm "chứng minh", nhưng thực ra họ đâu có biết phải chuẩn bị những gì, làm như thế nào?

Lấy dấu vân tay làm chứng minh nhân dân.

Gần một thế kỷ nay những con người "cùi điu" dù chỉ là một phút, cũng chẳng bao giờ ra khỏi cái làng phong Văn Môn này. Vậy làm chứng minh để làm gì? Thôi thì các chú công an huyện về giải thích, tổ chức cho bà con làm thì mình cũng cứ làm... Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng vẫn cứ thấp thỏm chờ đợi, tâm trạng phấn chấn hẳn lên...

Đã bước vào cái tuổi "gần đất xa trời", bước chân đã chậm, đôi mắt đã mờ rồi nhưng vợ chồng ông Dương Văn Thuế như thấy mình trẻ lại khi được các chú công an chụp ảnh, lấy vân tay... Hoàn tất các thủ tục thật nhanh gọn để ông bà trở thành những công dân thực thụ! Ông Thuế tâm sự: "Tôi và bà ấy từ hai phương trời, lận đận đến với nhau. Đến nay, các cháu cũng đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, gia đình yên ấm. Vợ chồng tôi vui cảnh già, nhiều lúc nghĩ cũng chẳng cần thêm bớt cái gì nữa. Nhưng nay, được các chú công an quan tâm như thế này, chúng tôi phấn khởi lắm! Vậy là xã hội và cộng đồng đã không bỏ rơi chúng tôi”...

Trên mảnh đất thuộc làng Văn Môn, Bệnh viện phong da liễu Văn Môn ngày ấy là mảnh đất hoang vắng, heo hút ven bãi sông Hồng. Bốn bề lau sậy, sông nước, mây trời, đường xá trắc trở, không mấy bóng người qua lại. Nhưng cái nơi lạnh lẽo, xa vắng đó lại là mái ấm chở che, là nơi cứu rỗi cho hàng ngàn con người không may mắn mắc phải căn bệnh là một trong "Tứ chứng nan y", bị sự ghẻ lạnh, xa lánh của người đời. Họ tìm đến đây sống ẩn dật, cha lìa con, vợ lìa chồng, anh em từ bỏ lẫn nhau...

Suốt mấy mươi năm trời đằng đẵng, làng phong hầu như sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Người lạ bắt buộc lắm mới phải đặt chân đến đây. Ai cũng vậy, e ngại, lo sợ khi đi vào và vội vã bước ra như trốn chạy một thứ bệnh lây nhiễm khủng khiếp. Điều đó lý giải một phần, cái việc làm chứng minh, quản lý hộ khẩu ở đây hầu như không tưởng. Đã 27 năm nay, Giám đốc Bệnh viện phong da liễu Văn Môn, Thầy thuốc Ưu tú - bác sỹ chuyên khoa I Bùi Huy Thiện gắn bó với mảnh đất này, cũng từng ấy năm ông và đội ngũ y, bác sỹ của Bệnh viện vượt qua không biết bao gian nan, vất vả, thậm chí cả sự mặc cảm nặng nề để chăm sóc, chữa trị cho người bệnh.

Đoàn cán bộ Công an huyện Vũ Thư trên đường tới làng phong làm giấy chứng minh cho nhân dân.

Chia sẻ với nỗi đau khốn cùng của họ. Bác sỹ Thiện nói: "...Việc làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu cho những cư dân của làng phong là một sự kiện đối với chúng tôi. Bởi vì niềm vui của họ cũng là niềm vui của chúng tôi... Nguyên nhân sâu xa của sự chậm trễ này là do những mặc cảm nặng nề từ hai phía, người bị mắc bệnh phong và xã hội. Thực tế là trong khoảng thời gian quá dài, nhân dân làng phong đã phải chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí cả sự kỳ thị khi giao lưu, tiếp xúc với cộng đồng...".

Trung tá Bùi Minh Châu - Đội phó Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Vũ Thư cho biết: "Đã rất nhiều lần đoàn công tác của Công an huyện xuống phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Vũ Vân và Bệnh viện phong da liễu Văn Môn để triển khai công tác quản lý nhân khẩu, làm chứng minh nhân dân. Nhưng do đặc điểm của người bệnh, có nhiều người bị cụt cả chân tay nên việc lấy vân tay là không thể thực hiện được. Lần này, chúng tôi tổng rà soát tất cả các bệnh nhân. Ai lấy được vân tay làm được chứng minh nhân dân thì chúng tôi làm. Còn những trường hợp không có vân tay, chúng tôi sẽ có ý kiến với cấp trên để làm sao có biện pháp quản lý hợp lý với người bệnh ở Văn Môn. Như vậy, vừa đảm bảo yếu tố nghiệp vụ, vừa tạo điều kiện cho người dân có những giấy tờ tuỳ thân để hoà nhập với cuộc sống cộng đồng..." .

Trải qua những thập kỷ thăng trầm, các y, bác sỹ của bệnh viện, có người cả hai thế hệ cha và con, đã tiếp nhận quản lý, chữa trị cho hơn 17 ngàn bệnh nhân từ khắp các phương trời phiêu bạt về đây. 1.750 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, nhiều người đã được đoàn tụ với gia đình. Người ở lại góp sức, chung tay xây dựng cộng đồng.

Phát huy truyền thống "Anh hùng lao động", cùng với sự phối hợp giúp đỡ của cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến tỉnh, tập thể cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân và nhân dân làng phong đã vươn lên không mệt mỏi. Làng phong mà bây giờ với cái tên mới là thôn Cộng Đồng gồm 5 xóm tổ chức hoạt động như một xã hội thu nhỏ. Có chi bộ Đảng, trưởng thôn, ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, đội thiếu niên, hội khuyến học, ban an ninh, lực lượng dân quân tự vệ, lớp học mầm non, các tổ chức tôn giáo: chùa Văn Môn, họ giáo Đông Thọ. Làng sống theo hương ước, quy ước xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, cuộc sống văn minh, gia đình văn hoá. Những con người vừa phải vật lộn với bệnh tật, vừa tăng gia sản xuất, xây dựng cánh đồng 35 triệu/hécta, tạo ra của cải, vật chất, cải thiện và nâng cao cuộc sống cộng đồng. Họ vui hơn khi các anh công an xã, công an huyện thường xuyên xuống thăm hỏi, động viên, chỉ ra cho họ việc thành lập đội an ninh tự quản, đội dân phòng, vừa phòng chống tội phạm, vừa giúp dân thôn làng khi "thiên tai, bão lũ xảy ra".

Ở đây không có chỗ cho các tệ nạn xã hội; trẻ em chăm ngoan, học giỏi, đã có hàng trăm con em của làng trở thành kỹ sư, nhà báo, nhà giáo, sỹ quan quân đội, và cả những Á hậu của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam...

Cuộc sống bình yên, hạnh phúc từ những điều giản dị nhưng khó khăn lắm mới có được đang dần hiện hữu ở nơi này. Càng ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn khi mai đây, trên tay họ, cuốn sổ hộ khẩu, tấm giấy chứng minh nhân dân là những giấy tờ thông hành để họ sẽ tự tin khi tiếp xúc, giao lưu với xã hội, với cộng đồng. Rồi đây, những công dân trẻ của làng phong sẽ bước đi vững chãi trên con đường lập thân, lập nghiệp với khát vọng được cống hiến, được khẳng định mình như bao công dân khác.

Hồ Tuyên – Khánh Linh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN