Chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô

Ngày 29/5, tại An Giang, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp cùng Công ty Dekalb Việt Nam (chi nhánh Tập đoàn Monsanto), Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam SSC tổ chức hội thảo công bố hiệu quả mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang canh tác ngô theo chương trình hành động năm 2013 của Bộ NN&PTNT. Tại hội thảo, các cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân trên toàn địa bàn đã được trực tiếp giao lưu, học hỏi với các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu về kỹ thuật canh tác ngô trên đất lúa cũng như mô hình tối ưu hóa hợp tác công – tư để đẩy nhanh tiến trình đưa chính sách vào đời sống, cải thiện thu nhập và đời sống cho bà con.

 

Ông Mai Thành Phụng, Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Tại hội thảo, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông An Phú, tỉnh An Giang và Công ty Dekalb Việt Nam đã chia sẻ báo cáo thống kê kết quả thực tế thu được sau hai năm thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô. Kết quả cho thấy, năng suất đạt trung bình từ 10,8 đến 12,3 tấn ngô hạt/ha, thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/ha. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi ha ngô thu lãi gần 24 triệu đồng, lợi nhuận trung bình gần gấp 3 lần so với trồng lúa (trung bình 8 triệu đồng/ ha).

 

Ông Phạm Đồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&NT

Ông Nguyễn Văn Thanh, Quyền Tổng giám đốc điều hành Công ty Dekalb Việt Nam cho biết: “Quá trình sử dụng bộ giống ngô lai Dekalb cùng với hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô trên đất lúa của công ty đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trên cùng 1ha diện tích canh tác, nếu trồng 3 vụ ngô/ năm, nông dân có thể thu được gần 72 triệu đồng/ năm, nhưng nếu trồng lúa thu nhập chỉ khoảng 24 triệu đồng/năm. Tính ra, một hộ nông dân sẽ có thu nhập vào khoảng 6 triệu đồng/ tháng cho việc canh tác ngô trên đồng ruộng, chưa kể nếu tiết kiệm nhân công, áp dụng tốt quy trình kỹ thuật, con số này có thể tăng lên mức 7 – 8 triệu/ tháng - tương đương mức lương trung bình khá của một công chức ở thành phố. Một khi thu nhập từ đồng ruộng cao và ổn định thì các vấn đề khác như đời sống và lao động nông thôn, áp lực dân số hay mất trật tự đô thị do lao động nông thôn đổ lên thành phố tìm kiếm việc làm sẽ giảm. Đây cũng chính là mục tiêu của Tập đoàn Monsanto: Đồng hành cùng Chính phủ và nông dân Việt Nam cải thiện cuộc sống.”

 

Ông Phạm Đồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt, trực tiếp trao đổi với nông dân

GS. TS. Mai Thành Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh “Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, giải quyết khó khăn cho nông dân, sự chung sức giữa nhà nước và doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Thực tế, nông dân luôn thiếu thông tin về thị trường cũng như kỹ thuật canh tác, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi đối tượng canh tác. Chính vì thế, ngoài vai trò tuyên truyền chính sách, mạng lưới khuyến nông cơ sở còn là cầu nối để liên kết các doanh nghiệp có kỹ thuật canh tác tiên tiến, doanh nghiệp thu mua với nông dân tạo thành chuỗi liên kết bền vững. Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi lúa sang canh tác bắp ở An Giang cần được nhân rộng ra các địa phương khác.”

 

Nông dân được tiếp cận với thương lái thu mua sản phẩm ngay tại hội thảo của Dekalb

Ở khu vực ĐBSCL, An Giang là tỉnh đi đầu trong việc chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô. Nhờ sự phối hợp giữa Công ty Dekalb Việt Nam, chi nhánh Tập đoàn Monsanto (Mỹ) với Sở NN và PTNT tỉnh, Chi cục BVTV, Trung tâm Khuyến nông và các phòng NN huyện, hàng trăm hộ nông dân ở An Giang đã thực hiện thành công mô hình trồng bắp lai trên chân đất lúa. Sau hai năm chuyển đổi, nhờ áp dụng nhóm giải pháp và khuyến cáo kỹ thuật được nghiên cứu dành riêng cho khu vực ĐBSCL của Công ty Dekalb, kết hợp ứng dụng bộ giống lai Dekalb – bộ giống lai chịu trồng dày, có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu tốt, cho năng suất cao, kết quả thu được đã vượt qua sự mong đợi của các nhà quản lý.

 

Thành công từ mô hình liên kết 3 nhà trong chuyển đổi đất lúa sang trồng bắp tại An Giang là tiền đề để Cục Trồng trọt và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình sản xuất trên địa bàn. Theo Cục Trồng trọt, trước mắt cần chủ động tuyên truyền hiệu quả mô hình tới nông dân, định hướng nông dân mạnh dạn chuyển đổi canh tác sản xuất cho phù hợp nhu cầu thị trường, đồng thời gắn kết các doanh nghiệp có trình độ kỹ thuật cao, bộ giống tốt với bà con nông dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm cũng cần thông tin rõ ràng và chính xác về thị trường đầu ra để nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN