“Chúng ta còn ít quan tâm đến giáo dục y đức...”

Lơi là công tác giáo dục y đức là một trong những nguyên nhân khiến “bệnh” nhận phong bì của nhân viên y tế ngày càng trầm trọng.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, trao đổi với Tin Tức về những giải pháp cho vấn đề này.

Giáo sư đánh giá như thế nào về công tác giáo dục nâng cao y đức cho người thầy thuốc hiện nay?

Theo tôi, chúng ta còn ít quan tâm đến việc giáo dục y đức, nhất là trong trường học, các cơ sở y tế...

Luôn trong tình trạng quá tải, nhưng các bác sĩ, nhân viên Bệnh viện K vẫn thăm, khám tận tình cho bệnh nhân. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Việc đưa bộ môn giáo dục y đức cho các sinh viên y khoa tại một số trường đại học như thời gian qua dù chậm nhưng là rất cần thiết. Song không phải cứ sau mấy chục giờ giảng dạy về y đức là mọi thầy thuốc tương lai đều có y đức, cần phải tạo một môi trường y đức để các sinh viên học tập, noi gương. Nếu trên giảng đường các em được dạy về y đức, về những việc mà cán bộ y tế không được làm, nhưng khi bước vào môi trường thực tập ở bệnh viện, lại thấy điều ngược lại thì rất dễ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu.

Bởi vậy, việc giáo dục về y đức cho người thầy thuốc cần được chú trọng hơn và nên chú ý từ những điều tưởng như rất nhỏ như cách ứng xử, trách nhiệm với bệnh nhân... Tôi nhớ lần đầu tiên, khi được học về cách khám bệnh, cố GS Đặng Văn Chung, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, nói với sinh viên chúng tôi lúc đó đang đứng xung quanh giường bệnh: “Nào, mời các em cùng tôi xoa tay...”. Giáo sư đã giải thích với chúng tôi rằng làm như thế để khi sờ vào bụng người bệnh, họ không bị lạnh đột ngột, không có phản ứng thành bụng, điều này dẫn đến việc chẩn đoán sai. Đặc biệt, việc vừa nói chuyện với bệnh nhân vừa xoa tay sẽ giúp quan hệ giữa người thầy thuốc và bệnh nhân gần gũi hơn, người bệnh sẽ thấy yên tâm hơn... Những bài học về cách ứng xử với người bệnh tưởng như rất đơn giản này thực sự lại quan trọng đối với thế hệ trẻ, tác động mạnh mẽ, nhắc nhở họ luôn phải có thái độ ân cần, chu đáo, quan tâm đến tâm lý của người bệnh chứ không đơn thuần là điều trị bằng thuốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Có thuốc hay, thức ăn ngon, nhưng còn phải biết nâng đỡ tinh thần của những người ốm yếu”.

Công đoàn ngành Y tế Việt Nam vừa phát động triển khai Quy tắc ứng xử nâng cao y đức trong bệnh viện, trong đó có tiêu chí cán bộ y tế “Nói không với phong bì”. Giáo sư đánh giá ra sao về cuộc vận động này?

Phát động phong trào trên là cần thiết. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ là một bước đầu trong công việc nâng cao y đức, muốn đạt hiệu quả mong đợi thì chính các nhà quản lý phải thực sự quyết tâm, có một cách nhìn tổng thể và đưa ra những giải pháp hữu hiệu. Nếu không thì tôi e việc làm này chỉ mang tính nhất thời. Bởi vì, việc nhân viên y tế “Nói không với phong bì” phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Giáo dục nâng cao y đức, đảm bảo đời sống cho người thầy thuốc, cơ chế hoạt động của bệnh viện, đặc biệt là cơ chế tài chính...

Việc giáo dục, nâng cao y đức có hoàn toàn là trách nhiệm của riêng ngành y tế không, thưa Giáo sư?

Hiện nay, việc đưa phong bì trở thành phong trào và gần như “một bệnh xã hội”, tâm lý chung của người bệnh là phải chuẩn bị phong bì trước khi vào viện. Người nhà của một người bệnh trông thấy người nhà của người bệnh bên cạnh dúi tiền vào túi cô y tá trước khi tiêm thì lại nghĩ ngay “Nếu mình không làm như thế thì chắc cô y tá tiêm người nhà mình đau hơn”... Nhưng thực tế thì có thể hoàn toàn không phải như vậy, không phải người thầy thuốc nào cũng thích nhận “phong bì”. Và cũng không phải việc nhận phong bì nào cũng là tội lỗi, nhiều trường hợp gia đình người bệnh đến cảm ơn bác sĩ sau khi người bệnh được cứu sống và đã ra viện, họ đưa phong bì với thái độ rất chân thành, biết ơn. Điều đó khác hẳn với một số người đưa phong bì trước với động cơ, mặc cả hoặc giao kèo với người thầy thuốc. Đành rằng đồng tiền có sức hút “ma lực” rất mạnh, nhưng tôi tin rằng đã là những người dấn thân vào nghề “nhân thuật” thì đại bộ phận chúng tôi hiểu đồng tiền ấy phải xứng với “cái tâm” và “cái tri” mà chúng tôi bỏ ra.

Theo tôi, việc giáo dục cán bộ nâng cao y đức “Nói không với phong bì”, trách nhiệm chính là của ngành y tế nhưng cũng là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Nếu người bệnh kéo dài tình trạng người nọ cứ mách người kia là phải đưa phong bì cho nhân viên y tế, thì e chính người bệnh và người nhà người bệnh sẽ là nguyên nhân làm hư người thầy thuốc.

Xin cảm ơn Giáo sư!


Phương Liên (Thực hiện)

Cắt bỏ “khối u” phong bì trong cơ sở y tế - Tập trung cho y tế dự phòng: Kế sâu rễ, bền gốc
Cắt bỏ “khối u” phong bì trong cơ sở y tế - Tập trung cho y tế dự phòng: Kế sâu rễ, bền gốc

5 bệnh viện lớn tại Hà Nội vừa ký cam kết với Bộ Y tế về việc triển khai Quy tắc ứng xử nâng cao y đức, trong đó có tiêu chí cán bộ y tế nói không với phong bì. Vậy cần làm gì để cuộc vận động này không như “ném đá ao bèo”?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN