Chuẩn hóa kết quả xét nghiệm giảm chi phí cho người bệnh

Việc không công nhận kết quả xét nghiệm, kết quả cận lâm sàng giữa các bệnh viện đang diễn ra phổ biến khiến việc khám chữa bệnh của người dân gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh về tình hình này cũng như các biện pháp cụ thể để chuẩn hoá các kết quả xét nghiệm.

Việc chuẩn hóa kết quả xét nghiệm giảm chi phí là rất cần thiết. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN


* PV: Hiện nay, tình trạng không công nhận kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng vẫn đang diễn ra tại các bệnh viện. Phó Cục trưởng có thể cho biết vì sao lại xảy ra tình trạng này?


* Ông Nguyễn Trọng Khoa: Về vấn đề này phải xem xét trên nhiều khía cạnh. Bác sỹ là người phải chịu nhiều áp lực chuyên môn từ phía người bệnh và phải chịu trách nhiệm về chẩn đoán và kết quả điều trị của mình, đồng nghĩa với tính mạng của người bệnh. Không ít các trường hợp tai biến do sơ xuất trong chỉ định xét nghiệm hoặc kết quả xét nghiệm không tin cậy. Chính vì vậy, một số người bệnh phải thực hiện xét nghiệm lại vì 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do yêu cầu đặc thù chẩn đoán bệnh (một số bệnh có diễn biến phức tạp, có các chỉ số sinh lý, sinh hoá thay đổi theo giờ hoặc phải song hành cùng với bệnh cảnh lâm sàng nên việc đưa ra chẩn đoán đòi hỏi phải đánh giá trên kết quả của xét nghiệm tại thời điểm khám bệnh, không thể căn cứ vào kết quả xét nghiệm từ nhiều giờ trước.

Ví dụ: công thức bạch cầu trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp; xét nghiệm đường huyết trong chẩn đoán bệnh tiểu đường). Thứ hai là do chẩn đoán diễn biến bệnh; mặc dù kết quả xét nghiệm tuyến trước đã tương đối rõ nhưng vẫn được chỉ định xét nghiệm lại để xác định lại tình trạng của bệnh tại thời điểm hiện tại. Thứ ba là không tin tưởng vào kết quả xét nghiệm của tuyến trước vì trình độ, kinh nghiệm của bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm, trang thiết bị máy móc không giống nhau nên một số bệnh viện tuyến trên đã yêu cầu người bệnh phải làm xét nghiệm, chiếu chụp lại.

* PV: Có ý kiến cho rằng, việc yêu cầu bệnh nhân thực hiện lại các chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng đã làm trước đó là mặt trái của công tác xã hội hóa trong bệnh viện. Ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

* Ông Nguyễn Trọng Khoa: Nơi nào điều trị thì nơi đó phải chịu trách nhiệm trước người bệnh. Vì thế, các bệnh viện, thầy thuốc thường đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu. Không thể vì một hai cơ sở có biểu hiện lạm dụng xét nghiệm mà quy chụp cho cả ngành được. Trong điều trị, có khi người bệnh mới chụp phim tức thì, nhưng chất lượng phim không bảo đảm và bác sỹ có thể yêu cầu chụp lại theo quy chuẩn giúp chẩn đoán bệnh chính xác. Nếu trường hợp trên mà khẳng định lạm dụng xét nghiệm là không hợp lý.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định các bệnh viện phải thành lập hội đồng thuốc và điều trị để tư vấn cho giám đốc các giải pháp kiểm soát việc thực hiện quy trình chuyên môn, phác đồ. Đồng thời cũng đang chuẩn bị ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng xét nghiệm y học; thúc đẩy các Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm tăng cường triển khai Chương trình ngoại kiểm, xây dựng đề án labo tham chiếu nhằm từng bước chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm.

* PV: Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai những biện pháp cụ thể nào để chuẩn hóa kết quả xét nghiệm nhằm giảm chi phí, thời gian và phiền hà cho người bệnh?

* Ông Nguyễn Trọng Khoa: Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2013/TT-BYT ngày 11/01/2013 về hướng dẫn quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư này yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải công khai kết quả kiểm chuẩn xét nghiệm. Đây là cơ sở để các bệnh viện có căn cứ để tin tưởng chất lượng xét nghiệm và công nhận kết quả của nhau; qua đó hạn chế một phần việc phải làm lại các xét nghiệm, giảm chi phí và phiền hà cho người dân. Mục đích của việc kiểm chuẩn và tăng cường quản lý chất lượng xét nghiệm là để bảo đảm các xét nghiệm có độ chính xác cao tại các cơ sở khám chữa bệnh. Hay nói cách khác là sẽ bảo đảm được việc chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm, từ đó giúp làm giảm việc làm lại các xét nghiệm trong trường hợp không thực sự cần thiết.

Ví dụ như một bệnh viện A có làm xét nghiệm huyết học. Tại bệnh viện này đã tiến hành quản lý chất lượng xét nghiệm cho xét nghiệm đó và được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Như vậy nếu người bệnh đã làm xét nghiệm huyết học tại bệnh viện A nếu chuyển sang bệnh viện B thì không phải làm lại xét nghiệm huyết học đó (trừ các yêu cầu chuyên môn do bác sỹ chỉ định như theo dõi quá trình diễn biến bệnh tật).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm nâng cao năng lực mở rộng phạm vi của công tác kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm cho các xét nghiệm hóa sinh, huyết học, vi sinh. Đồng thời khuyến khích các phòng xét nghiệm phấn đấu để được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế về phòng xét nghiệm như ISO 15189 (theo thống kê, hiện nay cả nước đã có 29 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn này); tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về quản lý chất lượng phòng xét nghiệm y học; nâng cấp quản lý chất lượng phòng xét nghiệm theo chương trình Nâng cao chất lượng xét nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới cho các nước đang phát triển có nguồn lực hạn chế (hiện tại 12 phòng xét nghiệm của giai đoạn 1 đang được nâng cấp theo chương trình này)

* PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!


PV (thực hiện)
Lãng phí chụp chiếu, xét nghiệm y tế
Lãng phí chụp chiếu, xét nghiệm y tế

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và người dân về tình trạng bệnh nhân bị “ép” chụp chiếu, xét nghiệm quá nhiều như hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN