Chùa Trăm Gian có thể phục dựng gần với nguyên gốc

Sau khi bị xâm hại rất nặng, dư luận đang quan tâm liệu hai hạng mục gác Khánh và nhà Tổ chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có thể phục hồi được không và phục hồi đến mức độ nào? Rất may, sau khi bị hạ giải, các cấu kiện cơ bản vẫn còn nguyên và cho phép có thể phục dựng ở mức gần nhất với nguyên trạng. Đó là khẳng định của Viện Bảo tồn di sản.

Đủ cơ sở khoa học để phục dựng

Ngoài diện mạo hoàn toàn mới sau khi được xây dựng lại, hai hạng mục trên còn nhiều chi tiết sai lệch với nguyên trạng ban đầu tạo nên sự khập khiễng và làm mất đi các giá trị quý. Cụ thể như kèo, cột đục đẽo chi tiết hơn; kích thước ngói lợp cũng to hơn, dày hơn. Điều đó cũng dễ hiểu vì nhà Chùa tự ý làm, không có thiết kế nên nhà Tổ và gác Khánh không tránh khỏi sai lệch.

Trước tính cấp bách của vấn đề xâm phạm di tích quốc gia, sau khi được thông tin, Viện Bảo tồn di tích đã kịp thời xuống khảo sát, đánh giá mức độ vi phạm và tìm kiếm những hiện vật còn lại phục vụ cho việc phục dựng di tích. Theo nguyên tắc, để phục dựng lại di tích, việc xác định lại kiến trúc cơ bản là yêu cầu hàng đầu bởi đó căn cứ, là cơ sở khoa học để phục dựng.

Ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: “Trong quá trình khảo sát, chúng tôi thấy còn nguyên cấu kiện tiêu biểu cho phép chúng tôi phục dựng lại cấu trúc công trình gần nhất với nguyên trạng ban đầu”.

Khung cảnh gác Khánh trong khu di tích Chùa Trăm Gian trước khi được tu bổ

Toàn bộ kết cấu bằng gỗ của nhà Tổ và gác Khánh được nhà chùa dỡ xuống, phủ bạt để ngoài cổng. Trong số này, các nhà chuyên môn tìm được kẻ vóc - một cấu kiện quan trọng xác định vóc của công trình. Cái đấu còn nguyên vẹn, thứ đặc biệt cần thiết của kiến trúc cổ, nếu mất đi sẽ không còn dấu vết để phục dựng lại công trình. Các cột gỗ vẫn còn nguyên mộng cho phép phục hồi lại đúng cấu trúc của công trình… Số ngói lợp cũ có thể tận dụng lại ở mức độ có thể và có thể phục chế đối với số lượng còn thiếu. Ngoài ra, hồ sơ bằng chữ Nôm, hồ sơ có từ thời Pháp cùng những tư liệu chuẩn bị trong nghiên cứu hiện trạng thiết kế do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch lập trước đó sẽ củng cố thêm cơ sở cho việc phục dựng.

“Với công trình này, chúng tôi có đủ cơ sở khoa học phục vụ cho việc phục dựng, nhưng làm được bao nhiêu phần trăm thì chưa trả lời được vì phải có thời gian tiếp tục nghiên cứu”, ông Vinh nói. Còn việc phục dựng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn vì việc hạ giải hai hạng mục làm tùy tiện, các vật dụng không được đánh số thứ tự.

Tại cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội với các đơn vị liên quan về vấn đề xử lý vi phạm, phục hồi di tích chùa Trăm Gian, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục việc tu bổ, tôn tạo di tích theo đúng luật, mời Viện Bảo tồn di tích tư vấn, xem xét phục dựng các hạng mục đã bị phá hủy như gỗ, chân cột gỗ, đá...; thành lập một tiểu ban chuyên môn khôi phục theo đúng bản vẽ. Như vậy, người dân cũng sẽ đỡ xót xa với sự xâm hại những kiến trúc cổ có tuổi đời gần 1000 năm này.

Mới chỉ có huyện Chương Mỹ chịu trách nhiệm

Trước sự vi phạm nghiêm trọng trong việc tự ý phá cũ xây mới ở chùa Trăm Gian nói trên, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo huyện Chương Mỹ đình chỉ chức vụ Trưởng ban quản lý di tích chùa Trăm Gian; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân gồm Chủ tịch UBND xã, Thanh tra xây dựng xã và tập thể UBND xã Tiên Phương. Đồng thời UBND huyện Chương Mỹ làm rõ trách nhiệm cả lãnh đạo UBND huyện, Phòng Văn hóa Thông tin huyện và các phòng ban có liên quan của huyện Chương Mỹ để xảy ra sai phạm tại di tích chùa Trăm Gian.

Đến thời điểm này, mới chỉ có UBND huyện Chương Mỹ thẳng thắn chịu trách nhiệm. Ông Vũ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho rằng: “ Để xảy ra việc này do nhận thức của sư trụ trì và Ban quản lý di tích yếu kém; chính quyền xã và huyện không báo cáo kịp thời. Cá nhân tôi cũng chịu một phần trách nhiệm”.

Còn chủ tịch UBND xã Tiên Phương Vũ Văn Doãn cũng lảng tránh khi được hỏi về trách nhiệm quản lý của chính quyền xã. Ông Doãn cho rằng: “Xã thấy việc hạ giải hai công trình là cấp bách vì mùa mưa bão đang đến, nếu không phá dỡ để xảy ra tai nạn thì xã không thể gánh trách nhiệm; còn làm như thế nào là việc của nhà chùa”.
Khi được chất vấn về trách nhiệm của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở khẳng định: “Chịu trách nhiệm thì nhiều, có trách nhiệm của ban quản lý di tích, của xã, huyện, trách nhiệm của sở, của cơ quản chuẩn bị vốn… Bằng ấy cơ quan chịu trách nhiệm nhưng từng người một chịu trách nhiệm đến đâu và như thế nào phải chờ kết quả thanh tra”.

Sai phạm trong việc xâm phạm di tích chùa Trăm Gian thì đã rõ, khả năng phục dựng di tích cũng được đặt ra nhưng người ta còn băn khoăn, các cá nhân và đơn vị liên quan không lẽ không biết mình sai phạm như nào và sai phạm đến đâu?./.


Đinh Thị Thuận
Phục dựng chùa Trăm Gian: Bát nước đã đổ xuống đất…
Phục dựng chùa Trăm Gian: Bát nước đã đổ xuống đất…

Có nghĩa là giống như bát nước đã đổ xuống, sao có thể lấy lại vẹn nguyên được. Chùa Trăm Gian sẽ không thể có lại được nhà Tổ và gác Khánh nguyên vẹn của mình. Nghĩ mà xót xa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN