Chủ động đối phó với xâm nhập mặn

Thời điểm này hàng năm, mặn mới chỉ bắt đầu xâm nhập, tuy nhiên năm nay, ngay từ tháng 7 nhiều địa phương các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phải đối diện với tình trạng này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất.

Nước mặn bao vây

Kết thúc mùa khô năm nay, hầu hết các tỉnh ven biển ĐBSCL đều phải đối diện với tình trạng xâm nhập mặn sớm. Theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện nhiều nơi nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 50 - 60 km, độ mặn cũng cao hơn những năm trước. Tình trạng này không chỉ tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc canh tác, sản xuất của người dân.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đang giúp bà con nạo vét kênh mương ngăn mặn xâm nhập nội đồng.

Vụ mùa năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đặt hết hy vọng vào 1 ha lúa với vốn đầu tư bước đầu hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên do mặn xâm nhập sớm, hơn một tháng qua ngày nào gia đình chị cũng bám đồng bơm nước ngọt rửa mặn cứu lúa. Nỗ lực của gia đình chị như muối bỏ bể vì diện tích lúa của gia đình đã bị cháy lá, hư hại rất nhiều.

Tương tự những ngày này gia đình anh Trần Văn Hải ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cũng đang đứng ngồi không yên vì nỗi lo nước mặn xâm nhập ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của các vườn cây ăn trái đang vào đợt cao điểm phục vụ thị trường Tết. “Nước sông nhiễm mặn đang đe dọa hàng trăm ha cây ăn trái dọc hai bên dòng Quản Lộ - Phụng Hiệp. Tụi tui đang rầu vì thấy cây ăn trái không sinh trưởng tốt như mọi năm”, anh Hải than.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết: “Trên sông Hậu tại Long Phú (Sóc Trăng) ngày 10/12, độ mặn đo được cao nhất là 7,2‰ và ranh mặn tiếp tục tiến sâu vào nội đồng thêm 10 km. Ở Bến Tre, Tiền Giang... mặn cũng đã vào sâu khoảng 30 km, trên sông Hậu độ mặn lên đến 5‰...”.

Là địa phương có những cửa sông lớn thuộc sông Cửu Long, tỉnh Bến Tre có tốc độ nước mặn xâm nhập nhanh thuộc hàng đứng đầu trong khu vực. Hiện tại các huyện như Ba Tri, Chợ Lách, Châu Thành... nước mặn đã xâm nhập sâu vào khu vực nội đồng khoảng 40 - 60 km. Còn ở Trà Vinh, nước mặn cũng đã lấn sâu vào nội đồng hơn 50 km, ảnh hưởng đến hàng ngàn ha lúa vụ đông xuân đang trong giai đoạn sinh trưởng. Riêng tỉnh Tiền Giang mặn xâm nhập sâu vào phía thượng lưu sông Tiền sớm và đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến dự án ngọt hóa các huyện ở phía Đông của tỉnh như: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công...

Chật vật đối phó

Theo nhận xét của các nhà khoa học, khu vực ĐBSCL tình trạng xâm mặn sớm hơn so với cùng kỳ năm 2014. Hiện ở các vùng cách biển từ 25 - 35 km, mặn có khả năng vượt quá 4g/l và bước sang tháng 1, 2/2016, các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt. Đối với các vùng cách biển từ 40 - 65 km, khả năng bị mặn 4g/l xâm nhập vào tháng 3 và tháng 4/2016 và nếu mùa mưa đến chậm có thể kéo dài đến tháng 6/2016. Nguyên nhân được cho là do hiện tượng El Nino đã xuất hiện, tạo ra nền nhiệt cao, gây mưa muộn và lượng mưa thấp.

“Ở khu vực ĐBSCL, đỉnh lũ năm 2015 đang ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Đối phó với tình hình thời tiết bất thường này, Cục Trồng trọt đã khuyến cáo các địa phương chỉ đạo sản xuất vụ thu đông năm 2015 kết thúc nhanh đồng thời cần xuống giống sớm để tận dụng nguồn nước tưới cho lúa và chủ động thời gian thu hoạch vào tháng 2 và tháng 3 tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Các địa phương cũng phải có kế hoạch cụ thể chủ động đóng cống ngăn mặn trữ nước ngọt; đắp đập thời vụ (đập tạm) trữ nước, giám sát mặn thường xuyên, chủ động trữ nước, lấy nước trong điều kiện cho phép...”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng Phòng phụ trách vùng Nam Bộ thuộc Cục Trồng trọt, cho hay.

Ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn sớm, hiện tỉnh Tiền Giang đã đầu tư gần 25 tỉ đồng nạo vét 138 tuyến kênh nội đồng bị cạn, bồi lấp với chiều dài trên 126 km; đắp 166 đập và tổ chức gần 200 điểm bơm chuyền 2 cấp. Ngành nông nghiệp cũng chủ trương giảm dần diện tích lúa 3 vụ ở các vùng thiếu nước, ảnh hưởng mặn xâm nhập. Còn tỉnh Cà Mau cũng đã tiến hành rà soát lại hệ thống cống, đập, tập trung duy tu, sửa chữa nhằm đảm bảo vận hành, điều tiết ngăn mặn giữ ngọt đạt hiệu quả. Với các vùng đã được khép kín, đóng cống ngăn mặn để trữ ngọt sẽ tích cực giám sát mặn thường xuyên, vận hành hợp lý những công trình đảm bảo tiêu thoát, ngăn mặn lấy nước trong điều kiện cho phép. Riêng ngành nông nghiệp Bạc Liêu đã đầu tư trên 83 tỉ đồng để triển khai thi công trên 300 công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng nhằm đối phó với hạn và xâm nhập mặn...
Lê Nghĩa
Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương chống hạn, mặn
Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương chống hạn, mặn

Các địa phương đồng bằng sông Cửu Long đang cấp bách thực hiện nhiều phương án để đảm bảo nguồn cung cấp nước ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN