Chọn mức sinh hợp lý

Theo đánh giá của các chuyên gia dân số, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, trong tương lai gần vẫn chưa thể “nới lỏng”, mà nên duy trì mức sinh thấp hợp lý.

Vẫn nên duy trì

Nhờ làm tốt công tác dân số, mức sinh của Việt Nam đã đạt đúng kế hoạch, giảm từ 6,39 con/phụ nữ (năm 1960) xuống 2,09 con/phụ nữ (năm 2006), đạt dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) và duy trì tới nay. Theo các chuyên gia, đây là mức sinh lý tưởng vì phù hợp với diện tích lãnh thổ, cân bằng cơ cấu tuổi của dân số, ổn định tỷ lệ trong độ tuổi lao động. Đây cũng là thành quả có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong thời gian qua.

Duy trì được mức sinh thấp hợp lý sẽ đảm bảo chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội.


Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho biết, 3 - 4 năm nay, mức sinh của Việt Nam có chiều hướng nhích lên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong vòng 3 năm (từ năm 2011 - 2013), tổng tỷ suất sinh tăng đều từ 1,99 - 2,05 - 2,1 con. Tuy nhiên, mức sinh này vẫn nằm trong ngưỡng mức sinh thay thế và không nên để tăng cao hơn nữa.

Tổng cục Thống kê đã đưa ra 3 kịch bản về biến động mức sinh ở Việt Nam. Với phương án mức sinh cao, lên tới 2,3 -2,5 con/phụ nữ, thì đến năm 2049 dân số nước ta sẽ đạt khoảng140 triệu người. Phương án mức sinh thấp, chỉ khoảng 1,35 con/phụ nữ, thì năm 2049, dân số đạt khoảng 100 triệu người. Và phương án mức sinh thấp hợp lý với tổng tỷ suất sinh khoảng từ 1,9 - 2,0 con/phụ nữ, thì đến năm 2049, quy mô dân số nước ta sẽ ổn định ở mức khoảng 120 triệu người.

Sau khi đạt được mục tiêu giảm sinh trong suốt 10 năm qua, việc có nên “nới lỏng” mức sinh hay không để tránh tình trạng già hóa dân số đã được nhiều đơn vị đặt ra,vì xét một vài trường hợp các nước và vùng lãnh thổ có mức sinh thấp hiện nay như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… đang gặp rất nhiều vấn đề xã hội khi mức sinh xuống quá thấp (chỉ từ 1,3 - 1,5 con/phụ nữ), đang phải “chật vật” để phục hồi lại.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Thông tin và Dữ liệu (Tổng cục DS-KHHGĐ) khẳng định: “Với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam hiện nay, và sự biến động mức sinh tăng, giảm khó lường, trước mắt chúng ta vẫn nên duy trì mức sinh như hiện tại, chưa thể nới lỏng ngay được”.

Linh hoạt theo vùng miền

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, mỗi phương án đều có mặt tích cực và hạn chế. Nếu áp dụng phương án mức sinh cao thì tương lai với số dân quá đông, sẽ gây bất lợi với sự phát triển kinh tế - xã hội, gây áp lực lớn đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, việc làm; còn nếu áp dụng mức sinh thấp thì viễn cảnh là dân số suy giảm, tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh…

“Phương án duy trì mức sinh thấp hợp lý (1,9 - 2,0 con/phụ nữ) vẫn là giải pháp tốt nhất giúp quy mô dân số ổn định ở mức thấp hơn, làm chậm lại quá trình già hóa dân số…”, ông Tân nhấn mạnh.

Tuy vậy, mức sinh cao hơn trong 3 năm thống kê gần đây cho thấy, việc duy trì ổn định mức sinh như hiện nay là không hề dễ dàng. Đặc biệt, sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền cũng là một thách thức lớn. Theo thống kê, vùng Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu… có mức sinh thấp, thậm chí rất thấp, chỉ từ 1,5 - 1,6 con/phụ nữ; trong khi đó ở những tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, mức sinh còn rất cao, thậm chí có những vùng đồng bào dân tộc có mức sinh tới 6 - 7 con/phụ nữ.

Theo các chuyên gia, mỗi vùng miền có những đặc thù về dân cư khác nhau, vì thế mỗi địa phương có thể “tùy cơ ứng biến” để cơ cấu lại dân số bằng các chính sách phù hợp.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Nhạc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, chia sẻ: Những nơi có chất lượng cuộc sống thấp thì thường mức sinh lại càng cao, nhất là những nơi chịu ảnh hưởng bởi các quan niệm, phong tục văn hóa, tâm linh. Trong khi đó, công cụ kiểm soát dân số hiện nay của chúng ta chủ yếu bằng con đường tuyên truyền, vận động, vì thế, có thể đưa chính sách dân số lồng ghép vào đặc thù sinh hoạt của mỗi địa phương như đưa vào hương ước, quy ước để dễ thực hiện hơn. Việc thường xuyên cung cấp các dịch vụ về KHHGĐ và sức khỏe sinh sản tới tận người dân, nhất là các vùng miền núi để họ có thể lựa chọn những phương tiện chăm sóc SKSS phù hợp với mình cũng là một công cụ tốt để thực hiện chính sách dân số.


PV
Dân số 'vàng' nhưng còn nhiều thách thức
Dân số 'vàng' nhưng còn nhiều thách thức

Hà Nội đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với nguồn nhân lực lao động trẻ đạt cực đại và cơ hội sớm thoát bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng làm nảy sinh nhiều thách thức, bất cập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN